Mỹ-ASEAN hợp tác về vấn đề an ninh phi truyền thống

Diễn đàn Quốc phòng Mỹ-ASEAN là cần thiết nhằm tăng cường sự hợp tác và phối hợp đối phó với các thách thức phi truyền thống.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh (ngoài cùng bên phải) tham dự Diễn đàn Quốc phòng Mỹ-ASEAN. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 4/4 (theo giờ Việt Nam), Diễn đàn Quốc phòng giữa các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ bước vào ngày làm việc cuối cùng và cũng là ngày quan trọng nhất.

Trong ngày làm việc tại khu nghỉ dưỡng Kalaha trên bờ biển Thái Bình Dương thuộc đảo Honolulu, bang Hawaii, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã có cuộc thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về một loạt các vấn đề liên quan tới quốc phòng và an ninh.

Phát biểu với báo giới, sau khi kết thúc diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel cho biết Diễn đàn Quốc phòng Mỹ-ASEAN lần đầu tiên diễn ra trên lãnh thổ nước Mỹ là cơ hội lớn để Mỹ với các quốc gia châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng xây dựng và tăng cường quan hệ đối tác nhằm đối phó hiệu quả với những thách thức mới trong thế kỷ 21.

Diễn đàn cũng là một cột mốc lịch sử đánh dấu sự gắn kết và can dự ngày càng gia tăng của Mỹ với ASEAN và cũng là minh chứng cho thấy vai trò quan trọng của các nước ASEAN trong việc duy trì sự ổn định và hòa bình của khu vực.

Bộ trưởng Hagel cho biết tại diễn đàn lần này, Mỹ và ASEAN nhất trí xác định thảm họa thiên nhiên cũng là một yếu tố liên quan chặt chẽ với an ninh trong thế kỷ 21. Thách thức này đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Mỹ và ASEAN, cần phải tăng cường hợp tác với nhau.

Theo ông Hagel, trong ba ngày diễn ra diễn đàn, các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ASEAN đã thảo luận hàng loạt vấn đề, trong đó có việc hợp tác hàng hải và cách thức giải quyết các căng thẳng ở Biển Đông.

Bộ trưởng Hagel cho biết, tại diễn đàn lần này, ông đã bày tỏ với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN về mối quan ngại ngày càng tăng của Mỹ trước những căng thẳng gia tăng ở khu vực Biển Đông, nơi quyền lợi của các nước cần phải được tôn trọng và Mỹ quan ngại về những đe dọa sử dụng vũ lực.

Bộ trưởng Hagel kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần phải dựa trên luật pháp và các nguyên tắc ứng xử quốc tế, đồng thời khẳng định việc gia tăng hợp tác quốc phòng giữa Mỹ và ASEAN không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào.

Trong chính sách tái cân bằng với châu Á, Mỹ cũng gia tăng quan hệ với Trung Quốc và ngay sau diễn đàn này Bộ trưởng Hagel sẽ tiến hành chuyến thăm tới Trung Quốc, một quốc gia mà ông cho rằng cần đóng góp vai trò tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế.

Trả lời phỏng vấn TTXVN sau khi Diễn đàn Quốc phòng Mỹ-ASEAN kết thúc, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Diễn đàn Quốc phòng Mỹ-ASEAN khác với các diễn đàn đa phương khác ở chỗ đây là diễn đàn giữa ASEAN với riêng Mỹ. Việc tổ chức diễn đàn là cần thiết nhằm tăng cường sự hợp tác và phối hợp đối phó với các thách thức phi truyền thống như cứu trợ, giải quyết hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ASEAN phải duy trì được vai trò trung tâm và chủ đạo, không để ASEAN trở thành công cụ của các nước lớn. Diễn đàn còn là cơ hội để Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN thảo luận với nhau về các vấn đề cùng quan tâm cũng như quan hệ của ASEAN với Mỹ.

Về vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết đây là một vấn đề nổi cộm, đã và tiếp tục được đề cập tại các hội nghị của ASEAN, trên nguyên tắc chung là giữ được sự ổn định và an ninh hàng hải, giải quyết các bất đồng bằng biện pháp ngại giao, theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tuyên bố sáu điểm của ASEAN, tôn trọng các nguyên tắc duy trì nguyên trạng trong Tuyên bố của các bên về Biển Đông (DOC), tiến tới việc ASEAN cùng Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết, tại diễn đàn lần này, phía Việt Nam đã đề nghị Mỹ tăng cường chia sẻ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao khả năng của các nước ASEAN trong việc phòng ngừa và đối phó với các thảm họa thiên nhiên và cứu hộ cứu nạn.

Việt Nam đã tích cực tham gia các nỗ lực chung này, điển hình là nỗ lực khắc phục hậu quả trận bão tàn phá Phillipines hồi năm ngoái và nỗ lực gần đây trong việc tìm kiếm máy bay chở khách MH370 của hãng hàng không Malaysia bị mất tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục