Ngày 11/4, Đại sứ Anh tại Liên hợp quốc Matthew Rycroft cho biết Anh, Pháp và Mỹ đã đệ trình một dự thảo nghị quyết mới lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, theo đó yêu cầu điều tra vụ việc được cho là tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Trên trang Twitter, ông Rycroft nói rằng nghị quyết mới sẽ yêu cầu "hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra" vụ tấn công tại Khan Sheikhun, thị trấn nằm trong quyền kiểm soát của phiến quân Syria ở tỉnh Idlib.
Cùng ngày, Cục trưởng Cục tác chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Nga, Trung tướng Sergei Rudskoy cho biết chính quyền Syria sẵn sàng cho phép các chuyên gia quốc tế kiểm tra căn cứ quân sự của Syria để tìm các dấu vết của vũ khí hóa học.
Phát biểu trên truyền hình, ông Rudskoy nhấn mạnh Nga sẽ đảm bảo an ninh cho các chuyên gia nói trên. Ngoài ra, ông cũng cho biết các phiến quân đang phát tán các hóa chất độc hại ở thành phố Khan Shaykhun, sân bay Jira, Đông Gouta và phía Tây thành phố Aleppo.
Theo ông, mục đích của những hành động này là tạo ra một cớ khác để cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học và nhằm kích động các vụ tấn công mới của Mỹ.
Trước đó, hôm 10/4, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh cuộc oanh kích của Mỹ vào một căn cứ không quân của Syria với một cái cớ "tự nghĩ ra" là "không thể chấp nhận được" và khẳng định Moskva sẽ yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế khách quan về vụ việc được cho là sử dụng vũ khí hóa học tại Idlib ngày 4/4, làm ít nhất 87 người thiệt mạng.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí cho rằng cần phải mở một cuộc điều tra như vậy. Hai bên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Syria không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự, cần hợp tác duy trì lệnh ngừng bắn và thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa các bên Syria tại cả Astana (Kazakhstan) và Geneva (Thụy Sĩ), theo các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và quyết định của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria./.