Mỹ, Anh, Pháp, Đức họp bàn khẩn cấp về vấn đề Iran

Đại diện EU nêu rõ các bên đang có những khác biệt lớn với Iran về sự phát triển khu vực và đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề này.
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/5, nhóm ba nước gồm Anh, Pháp, Đức đã có cuộc họp đặc biệt nhằm thảo luận về vấn đề Iran bên lề hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ).

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nêu rõ các bên đang có những khác biệt lớn với Iran về sự phát triển khu vực và đối thoại là cách tốt nhất để giải quyết những vấn đề này.

Trước thềm cuộc họp với các ngoại trưởng của Anh, Pháp, Đức (các nước đã tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran), bà Mogherini khẳng định EU hoàn toàn ủng hộ thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Tehran và mong muốn các cường quốc tránh làm leo thang thêm căng thẳng.

Bà Mogherini nhấn mạnh EU sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hết mức có thể bằng mọi công cụ và tất cả ý chí chính trị của các bên tham gia ký kết.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã cảnh báo rằng căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran có thể vô tình làm bùng phát xung đột. Ông Hunt cho biết sẽ chia sẻ mối quan ngại này với những người đồng cấp EU và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Theo Ngoại trưởng Anh, điều cần thiết vào thời điểm hiện tại là một khoảng thời gian để các bên có thể bình tĩnh, hiểu rõ được lẫn nhau, cũng như chắc chắn rằng không đẩy Iran quay trở lại con đường hạt nhân.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã có chuyến thăm bất ngờ tới Brussels nhằm thảo luận với giới chức EU về vấn đề Iran.

[Liên minh châu Âu cam kết ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran]

Tuần trước, các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân Iran đã khẳng định muốn bảo toàn thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký với Iran hồi năm 2015 và bác bỏ mọi "tối hậu thư" từ Tehran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này điều chỉnh một số biện pháp hạn chế chương trình hạt nhân, dù vẫn duy trì tuân thủ văn kiện.

Động thái của Iran được xem là nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm nước này sau khi Washington rút khỏi JCPOA hồi năm ngoái.

Theo JCPOA, Iran hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc chế tạo bom hạt nhân. Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận.

EU đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục