Mỹ, Anh, Đức quyết định như thế nào về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa?

Một số cựu chính khách đã thúc giục Thủ tướng Anh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa, trong khi Thủ tướng Đức tuyên bố không đồng ý việc này.

Thủ tướng Đức loại trừ khả năng cung cấp vũ khí tầm xa Taurus cho Ukraine trong tương lai do lo ngại chiến sự "có thể leo thang nghiêm trọng." (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Đức loại trừ khả năng cung cấp vũ khí tầm xa Taurus cho Ukraine trong tương lai do lo ngại chiến sự "có thể leo thang nghiêm trọng." (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 15/9 tuyên bố ông sẽ không đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí của Đức tấn công sâu vào bên trong lãnh thổ Nga.

Phát biểu tại cuộc họp ở thành phố Prenzlau, bang Brandenburg, Thủ tướng Scholz khẳng định: "Tôi sẽ không cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí của Đức, ngay cả khi các quốc gia khác đồng ý."

Ông cũng loại trừ khả năng cung cấp vũ khí tầm xa Taurus cho Ukraine trong tương lai do lo ngại chiến sự "có thể leo thang nghiêm trọng."

Thủ tướng Scholz nhấn mạnh: "Đó là lý do tại sao tôi sẽ giữ vững quan điểm của mình, ngay cả khi các quốc gia khác quyết định ngược lại." Theo ông, quan điểm này cũng áp dụng cho các loại vũ khí khác.

Bình luận về các thông tin cho rằng Mỹ có thể dỡ bỏ các hạn chế hiện tại, ông Scholz cho biết rằng không phải tất cả các suy đoán đều đúng.

Trong khi đó, báo Sunday Times đưa tin một số cựu chính khách đã kêu gọi, thúc giục Thủ tướng Anh Keir Starmer cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa bên trong lãnh thổ Nga ngay cả khi không có sự hậu thuẫn của Mỹ.

Theo báo này, lời kêu gọi đến từ 5 cựu bộ trưởng quốc phòng của Đảng Bảo thủ - Grant Shapps, Ben Wallace, Gavin Williamson, Penny Mordaunt và Liam Fox - cũng như từ cựu Thủ tướng Boris Johnson. Họ cảnh báo ông Starmer rằng “Bất kỳ sự chậm trễ nào nữa sẽ tiếp thêm động lực cho Tổng thống Putin.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong nhiều tháng đã hối thúc các đồng minh cho phép Ukraine bắn tên lửa của phương Tây bao gồm ATACMS tầm xa của Mỹ và Storm Shadows của Anh vào sâu trong lãnh thổ Nga để hạn chế khả năng tấn công của Moskva.

Trong diễn biến liên quan, báo Bild của Đức cho biết Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự định đến Mỹ trong vài tuần tới để đích thân đề nghị Tổng thống Joe Biden cho phép tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí tầm xa của phương Tây.

Chuyến thăm này nhằm trình bày chiến lược mới của Ukraine, bao gồm kế hoạch tấn công và đề xuất ngừng bắn ở một số khu vực mặt trận.

Tổng thống Zelensky cũng dự kiến gặp gỡ các ứng cử viên tổng thống Kamala Harris và Donald Trump.

Thủ tướng Anh Starmer và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp nhau tại Washington vào ngày 13/9 để thảo luận về việc có nên cho phép Kiev sử dụng tên lửa tầm xa chống lại các mục tiêu ở Nga hay không. Tuy nhiên, không có quyết định nào được công bố.

Tuy nhiên, báo The Times của Anh cho biết Tổng thống Biden sẽ không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.

Một số quan chức Mỹ nghi ngờ về khả năng sử dụng các tên lửa như vậy sẽ tạo ra sự khác biệt đáng kể trong cuộc chiến của Kiev chống lại những kẻ xâm lược Nga.

Tổng thống Vladimir Putin đã nói rằng phương Tây sẽ trực tiếp chiến đấu với Nga nếu họ cho phép Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục