Theo trang mạng nationalinterest.org, London và Washington đang chìm trong hỗn loạn chính trị và sa lầy trong các vấn đề kinh tế.
Tranh cãi chính trị hiện nay ở Anh và Mỹ đang đóng góp cho nghiên cứu về triệu chứng của "căn bệnh chính trị," một phần liên quan đến những tương đồng giữa hai nước và một phần là sự tương phản.
Một trường hợp là sự phá vỡ kỷ luật đảng và trường hợp còn lại là tính đảng phái mù quáng - hiện tượng trái ngược trong hầu hết mọi khía cạnh - đã gây ra tổn thất ở mỗi quốc gia, căn cứ vào những khác biệt trong hệ thống chính trị của mỗi nước.
Một vấn đề khác liên quan đến cái giá phải trả và những cam kết sai lầm của chủ nghĩa dân tộc nguyên thủy, hẹp hòi ở cả hai quốc gia.
Cụ thể là khi nào thì tổn thất về mặt kinh tế do chủ nghĩa dân tộc như vậy sẽ có những tác động chính trị đáng kể, nước nào sẽ thấy những tác động đó trước tiên, và tình hình kinh tế ở cả hai quốc gia sẽ tệ đến mức nào trước khi tình hình chính trị thay đổi?
Ở Anh tất nhiên đó là vấn đề Brexit. Theresa May, người đã xác định dành nhiệm kỳ thủ tướng của bà để thực hiện cam kết về Brexit và đã thất bại vì bản chất vốn không thể thực hiện của thứ mà những người ủng hộ Brexit đã cam kết, đang trong những ngày cầm quyền cuối cùng.
Dư luận hiện nay đặt cược vào một nhân vật ủng hộ Brexit sẽ kế nhiệm bà May. Những người bạn của nước Anh có lẽ thất vọng vì ứng cử viên đang dẫn đầu cuộc đua vào chiếc ghế thủ tướng Anh là Boris Johnson, một người ủng hộ nhiệt tình Brexit, người mà sức mạnh chính trị chủ yếu dựa vào uy tín hời hợt và không đạt được thành tựu đáng kể nào trong vai trò ngoại trưởng.
Và khả năng họ sẽ thất vọng khi nước Anh rời Liên minh châu Âu (còn gọi là Brexit) mà không có thỏa thuận (một hiệp định thương mại mới), đang ngày càng trở nên rõ ràng.
Nếu một Brexit không có thỏa thuận xảy ra, hậu quả kinh tế sẽ nghiêm trọng với Anh (và ít trầm trọng hơn nhưng vẫn tiêu cực với phần lục địa châu Âu).
Những hậu quả chính trị chính xác sẽ rất khó giải quyết, do vấn đề Brexit đã gây ra những chia rẽ trong nội bộ, và không chỉ giữa các đảng lớn ở Anh.
Nhưng một khi người Anh cảm nhận được đầy đủ hậu quả kinh tế, đảng Bảo thủ có thể bị mất uy tín và chịu nhiều bất lợi trong vài thập kỷ. Bất cứ sự hồi sinh chính trị nào của Nigel Farage - hiện "bay cao" sau thành công của đảng Brexit trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu gần đây - có thể bị đưa trở lại điểm xuất phát hoặc bị gạt sang bên lề bởi "những người không thực tế, những kẻ ngu xuẩn và những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phi thực tế," theo lời của cựu Thủ tướng David Cameron.
Câu chuyện chính trị thống trị ở Mỹ tiếp tục là 40% (hoặc hơn) số cử tri trung thành với Donald Trump cho dù cách hành xử của ông có thể gây xúc phạm và tổn thương trong mắt 60% còn lại.
Tổng thống được cho là trung thành với đảng, trong khi đảng Cộng hòa hiện nay trên thực tế là đảng theo chủ nghĩa Trump, cũng như có sức hút đối với nhiều cử tri nhờ chủ trương bài ngoại và các chủ đề mang tính khoa trương khác của ông.
Một yếu tố nữa là chính sách của chính quyền Trump và đảng Cộng hòa đảo ngược lại chính sách kinh tế của Keynes, tuy nhiên điều đó làm suy yếu các công cụ tài chính sẵn có một khi xảy ra cuộc suy thoái kinh tế tiếp theo, sẽ giúp duy trì giai đoạn tăng trưởng kinh tế kéo dài nhất từ trước đến nay lâu hơn nữa.
[‘Mặt tối’ của mối quan hệ đặc biệt Mỹ-Anh]
Trong chính sách đối ngoại, một số hậu quả của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã được nhìn thấy rõ, chẳng hạn như ý chí kém trong các liên minh truyền thống, các cuộc khủng hoảng có thể tránh được ở Trung Đông và việc Mỹ hiện bị cô lập hơn so với nhiều thập kỷ qua.
Tuy nhiên, mô hình lịch sử trong đời sống chính trị Mỹ là các mối quan hệ đối ngoại ít để lại hậu quả chính trị hơn là tình hình kinh tế trong nước. Cuộc chiến thương mại của Trump là một vấn đề khác.
Ở đây có một số câu chuyện tương tự về tập quán (sức ì) chính trị và các nhóm chính trị dường như không thay đổi, được minh chứng qua những người nông dân trồng đậu tương ở miền Trung Tây nước Mỹ, những người đã mất phần lớn thị trường do cuộc chiến thương mại nhưng cho đến nay vẫn gắn bó với vị tổng thống mà họ đã bầu (và một phần được mua chuộc bằng các khoản chi trả phúc lợi của chính quyền cho người nông dân).
Nhưng cái giá mà người Mỹ phải trả trong cuộc chiến thương mại đang ngày lớn. Quan điểm rõ ràng của Trump rằng thuế quan là một lợi ích dài hạn thay vì một chiến thuật đàm phán ngắn hạn cho thấy thiệt hại về tài chính có thể tiếp tục chồng chất. Điều hợp lý là đến một lúc nào đó, tổn thất sẽ đủ để áp đảo tập quán chính trị.
Ở cả Anh và Mỹ, việc phe đối lập chính trị thất bại trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đã giúp những người này nắm quyền lực.
Ở Anh, lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn không chỉ là một nỗi ám ảnh của phe cánh tả, người thậm chí đã xua đuổi những thành viên đảng Bảo thủ chống đối tránh xa bất cứ điều gì có nguy cơ dẫn đến tổng tuyển cử trước thời hạn, mà còn là một người hoài nghi châu Âu khiến tiến trình Brexit gặp nhiều trở ngại.
Vừa mới tuần này, sau thất bại của Công đảng trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, Corbyn cuối cùng đã đầu hàng trước những sức ép trong đảng của ông, tuyên bố ủng hộ cuộc trưng cầu ý dân lần hai về Brexit.
Tại Mỹ, xu hướng chống tự do thương mại trong đảng Dân chủ đã ngăn cản cuộc nói chuyện thẳng thắn về cuộc chiến tranh thương mại hiện nay. Điều đó nhắc lại việc Hillary Clinton thay đổi ý kiến về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiếp tục là thành viên TPP sẽ tạo điều kiện cho một giải pháp đa phương hiệu quả hơn trong giải quyết các vấn đề với Trung Quốc so với cách tiếp cận đơn phương của Trump.
Những hậu quả chính trị có thể bắt nguồn từ thiệt hại kinh tế nhanh chóng và rõ rệt với Anh hơn là với Mỹ. Một lý do là tính chất bất ngờ và nghiêm trọng của thiệt hại kinh tế nếu Brexit không có thỏa thuận được thông qua.
Một lý do khác là, mặc dù nước Anh không xa lạ gì với các cuộc tranh cãi chính trị, ở Anh vẫn có sự tôn trọng nói chung đối với sự thật và trách nhiệm giải trình khi những lời nói dối được đưa ra, bao gồm cả những lời nói dối về Brexit.
Ngược lại, việc lặp đi lặp lại những gây tranh cãi đã trở thành một phần tiêu chuẩn trong thế giới của Donald Trump, theo đó giảm nghĩa là tăng, không miễn trừ nghĩa là miễn trừ, thuế quan đánh vào các nhà nhập khẩu là thuế quan được áp cho các nhà xuất khẩu, và cuộc chiến tranh thương mại mà mọi người đều thua là cuộc chiến có thể dễ dàng giành phần thắng./.