Mỹ, Afghanistan nhất trí về Hiệp định an ninh song phương

Mỹ và Afghanistan đã nhất trí về nội dung cuối cùng của Hiệp định an ninh song phương liên quan tới sự hiện diện của lính Mỹ sau năm 2014. 
Tổng thống Hamid Karzai (phải) và Ngoại trưởng John Kerry tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Kabul ngày 12/10. (Ảnh: TTXVN/AFP)

Mỹ và Afghanistan đã nhất trí về nội dung cuối cùng của Hiệp định an ninh song phương (BSA) liên quan tới sự hiện diện của lính Mỹ tại quốc gia Tây Nam Á này sau năm 2014.

Trong một thông báo chính thức với báo giới ngày 20/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết sau nhiều cuộc đàm thoại với Tổng thống Hamid Karzai, hai bên đã nhất trí về văn bản cuối cùng của hiệp định.

Văn bản hiệp định này sẽ được chuyển lên Hội đồng Trưởng lão Afghanistan (Loya Jirga) gồm 3.000 thành viên để thảo luận và quyết định trong kỳ họp kéo dài bốn ngày, bắt đầu từ ngày 21/11 tới.

Cũng tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Kerry bác bỏ thông tin nói rằng BSA chỉ đạt được sau khi Tổng thống Barack Obama ngày 19/11 gửi một bức thư thừa nhận "đã phạm những sai lầm" trong cuộc chiến đối với chính phủ và người dân Afghanistan.

Theo ông, Tổng thống Afghnistan Karzai không đề nghị và "một lời xin lỗi như vậy cũng không có trong các cuộc thảo luận".

Văn bản BSA sẽ được ký chính thức sau khi được Hội nghị Loya Jirga thông qua.

Trong văn bản hiệp định, phía Mỹ đề nghị giữ 10.000-13.000 lính Mỹ ở lại Afghanistan sau lộ trình rút quân cuối năm 2014, được hưởng quyền miễn trừ trước luật pháp nước sở tại.

Chính quyền Obama cũng yêu cầu cho phép lính Mỹ được quyền tự do tiến hành các chiến dịch quân sự, được quyền khám xét các nhà thờ và nhà dân Afghanistan.

Nếu hiệp định được ký kết, sau năm 2014 quân đội Mỹ sẽ được toàn quyền sử dụng căn cứ không quân Bagram ở phía Bắc thủ đô Kabul và được quyền sử dụng chung tám căn cứ khác trên toàn lãnh thổ Afghanistan.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ cập nhật thông tin cho biết, tính đến ngày 19/11/2013, tổng số lính Mỹ bị thiệt mạng tại chiến trường Afghanistan là 2.153 người và 19.475 binh lính khác bị thương.

Theo tính toán của trường Đại học Brown, tổng chi phí của Mỹ cho hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan ít nhất phải từ 3.200-4.000 tỷ USD, thậm chí có thể lên 6.000 tỷ USD nếu tính cả lãi suất các khoản vay chi cho chiến tranh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục