Mỹ: 44 người thiệt mạng, nhiều khu vực bị mất điện do bão Helene

Mặc dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng Helene vẫn tiếp tục gây ra những hậu quả tàn khốc; lũ lụt lịch sử đã nhấn chìm các cộng đồng, buộc lực lượng cứu hộ phải triển khai cứu nạn quy mô lớn.

Cây cối và công trình bị tàn phá ở Steinhatchee, bang Florida. (Nguồn: USA Today)
Cây cối và công trình bị tàn phá ở Steinhatchee, bang Florida. (Nguồn: USA Today)

Siêu bão Helene đổ bộ vào đất liền nước Mỹ với cường độ cấp 4 theo thang bão Saffir-Simpson gồm 5 cấp.

Tính đến ngày 27/9, nhà chức trách đã ghi nhận 44 người thiệt mạng do ảnh hưởng của bão và hàng triệu người đang sống trong cảnh mất điện trên khắp các bang ở miền Đông Nam.

Sau khi đổ bộ vào gần Tallahassee, thủ phủ bang Florida, cơn bão đã di chuyển lên phía Bắc, gây ra mưa lớn kéo dài và gió mạnh, khiến hàng triệu người dân mất điện.

Theo trang web theo dõi poweroutage.us, tính đến tối 27/9, hơn 4,2 triệu khách hàng bị mất điện trên khắp 10 bang, từ Florida đến Ohio.

Mặc dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng Helene vẫn tiếp tục gây ra những hậu quả tàn khốc. Lũ lụt lịch sử đã nhấn chìm các cộng đồng, buộc lực lượng cứu hộ phải triển khai các hoạt động cứu nạn quy mô lớn.

Trung tâm Bão Quốc gia (NHC) cảnh báo rằng cơn bão vẫn đang gây ra lũ lụt nghiêm trọng và có nguy cơ xảy ra lũ quét tại Atlanta thuộc bang Georgia, cũng như các bang North Carolina, South Carolina và Tennessee. Lượng mưa lên tới 300mm đã được ghi nhận ở dãy núi Appalachian.

Tại South Carolina, ít nhất 20 người đã thiệt mạng, trong đó có các nhân viên cứu hỏa. Trong khi đó, Thống đốc Georgia Brian Kemp xác nhận 15 người đã thiệt mạng, đồng thời cho biết thành phố Valdosta đã xác định được 115 công trình bị hư hỏng nặng với nhiều người bị mắc kẹt bên trong.

Số người thiệt mạng ở bang Florida đã tăng lên tới 7 người. Thống đốc Ron DeSantis cho biết thiệt hại do Helene gây ra còn lớn hơn bão Idalia và Debby, cả hai đều tấn công khu vực Big Bend thuộc bờ biển phía Tây Bắc bang Florida trong 13 tháng qua.

Tại các khu vực bị ảnh hưởng, người dân phải đối mặt với những khó khăn lớn. Nhà cửa bị ngập lụt, cây cối đổ sập, và nhiều người đã phải rời bỏ nhà cửa để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết mình để tìm kiếm và cứu hộ những người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa hình bị tàn phá.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết bà và Tổng thống Joe Biden "sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình," đồng thời cho biết chính quyền đã huy động 1.500 nhân sự để hỗ trợ các cộng đồng cư dân bị ảnh hưởng.

Người đứng đầu Cơ quan Xử lý tình trạng khẩn cấp liên bang Deanne Criswell cho biết "hơn 600 cuộc giải cứu" đã được thực hiện.

Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão Helene. Việc nước biển dâng cao và nhiệt độ đại dương tăng khiến các cơn bão trở nên mạnh hơn và gây ra những thiệt hại khốc liệt hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục