Mưu sinh trong lũ muộn của dân nghèo đầu nguồn châu thổ Cửu Long

Lũ về không chỉ giúp tháo chua, rửa phèn, tưới mát phù sa cho ruộng đồng mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên, giúp một bộ phận dân nghèo vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long có thêm thu nhập.
Mưu sinh trong lũ muộn của dân nghèo đầu nguồn châu thổ Cửu Long ảnh 1Đánh bắt cá trên cánh đồng ngập nước ven kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Mùa lũ, hay còn gọi là mùa nước nổi ở miền Tây năm nay đến muộn, mãi đầu tháng 10 Âm lịch con nước mới chịu tràn đồng, khác với quy luật tự nhiên nhiều năm trước.

Lũ về không chỉ giúp tháo chua, rửa phèn, tưới mát phù sa cho ruộng đồng mà còn mang lại nguồn lợi thủy sản tự nhiên, giúp một bộ phận dân nghèo vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long có thêm thu nhập sau bao ngày khốn khó vì dịch bệnh.

Mùa lũ buồn

Trời mờ sáng, tại khu vực ngã tư cầu Bắc Cỏ Lau, xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang - nơi được xem là "ngư trường" nhộn nhịp nhất miền Tây vào nước nổi, năm nay chỉ lác đác vài chiếc thuyền nhỏ đang khai thác và đánh bắt thủy sản.

Ông Trần Văn Gàng, 68 tuổi, trú tại xã Nhơn Hội, huyện An Phú cho biết thời điểm này nước lũ mới chớm về, nước vào đồng ruộng còn thấp nên tôm cá chưa kịp vào đồng để sinh sôi. Hơn 50 năm sống bằng nghề đánh cá, chưa năm nào thấy mùa lũ buồn như năm nay.

Ông Gàng kể về những mùa lũ trước, cứ tháng Bảy Âm lịch là nước đã tràn đồng. Ban đêm, trên những cánh đồng nước nổi lấp lánh "đèn trời" của ngư dân làm nghề đánh bắt cá ngược xuôi theo con nước. Sau một đêm, thuyền về đầy ắp cá, nào là cá linh, cá trèn, cá leo, cá cóc…. Toàn là đặc sản, chỉ mùa nước nổi mới có.

Theo ông Gàng, mùa lũ đầu nguồn sông Cửu Long thường sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 10 (tức rằm tháng Chín Âm lịch), nhưng năm nay, con nước đầu mùa lên rất chậm. Tháng Bảy Âm lịch nước vẫn không "nhảy" khỏi bờ, đồng ruộng cạn khô. Đến cuối mùa, con nước mới tràn đồng, muộn hơn thông lệ hằng năm cả tháng.

"Lũ về muộn sẽ khiến loài cá linh-loại đặc sản chỉ xuất hiện trong mùa nước nổi không thể vào đồng ẩn náu sinh sôi. Vô số cá linh con mắc kẹt ở sông lớn bị sóng nước cuốn trôi hay bị các loài cá khác săn đuổi nên mùa nước này xem như "mất trắng" cá linh non," ông Gàng tiếc nuối.

[Nhà có gác cao giúp người dân hạ lưu sông Thu Bồn bình an trong mùa lũ] 

Lũ về muộn, mực nước thấp nên bông điên điển đồng - một loài hoa đặc trưng, được ví như "mai vàng mùa lũ," gắn liền với mùa nước nổi cũng chẳng "chịu" ra bông. Bà Nguyễn Thị Lài, ở xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú tâm sự, điên điển đồng mỗi năm chỉ nở một lần và kéo dài bằng thời gian của lũ. Mọi năm, cứ mùa lũ về là các bà, các chị lại í ới gọi nhau xuống thuyền từ mờ sáng, rọi đèn pin đi tìm hái những nụ hoa điên điển ươm vàng còn đang tắm sương đêm rồi mang ra chợ bán. Dù chỉ kiếm được ba đến 5kg mỗi ngày, nhưng cũng có thêm thu nhập.

Mùa điên điển đồng năm nay vừa trễ, vừa ít, cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp, bà Lài và các chị, em trong xóm không còn rủ nhau đi hái bông điên điển đem ra chợ bán, mà chỉ tranh thủ hái cho đủ nồi canh chua hay dĩa điên điển xào tép để cải thiện bữa cơm gia đình trong mùa COVID.

Tranh thủ mưu sinh

Cánh đồng ngoài đê bao ở huyện biên giới Tịnh Biên mấy hôm nay nước đã ngập quá đầu gối, nhưng tâm trạng người dân lại nửa mừng, nửa lo. Ông Nguyễn Văn No, 72 tuổi, ngụ xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên chỉ tay về phía cánh đồng giáp biên giới Campuchia, rồi so sánh: năm ngoái, nước đã ngập quá vai người lớn, nhưng năm nay, con nước hình như cũng sợ COVID-19 nên mãi mới chịu về. Thấy nước dâng lên, ai cũng khấp khởi, tranh thủ mang lọp, dớn, lưới ra đồng đặt xen với lúa chét còn xanh ngọn để đánh bắt cá, tôm…

Theo ông No, vào mùa nước nổi, cá linh nhiều vô số kể, lấn át các loài cá khác. Chúng đi thành đàn nên ngư dân thường đặt dớn lưới, đặt đáy, vó bắt cả bầy. Cá linh mặc nhiên là nguồn sống của ngư dân nghèo ở các huyện đầu nguồn sông Cửu Long. Nhờ nguồn lợi "trời cho" này mà mỗi mùa lũ ngư dân dư dả vài chục triệu đồng nhưng năm nay lại khác.

"Những hôm nước lên cao, cá đi nhiều thì cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, còn nếu nước thấp thì cá chỉ đủ cho gia đình ăn trong ngày, có khi còn thiếu," ông No bộc bạch.

Nước trên đồng còn thấp, nên mấy hôm nay, anh Nguyễn Phước Thành, ngụ ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú tranh thủ đặt 150 lọp tôm dọc theo các tuyến kênh, rạch trên địa bàn xã. Mỗi ngày anh bắt được từ 1,5-2kg tôm sông, bán được khoảng 200.000 đồng nên có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Tuy nhiên, theo anh Thành, năm nay lượng tôm về các kênh, rạch không nhiều so với mọi năm. Mặt khác, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay, bạn hàng đi lại khó khăn, chủ yếu bán cho một số thương lái trong xã nên giá cả các loại thủy sản tự nhiên giảm nhiều so với trước.

Ngược sang phía bờ Tây sông Hậu, người dân các xã Nhơn Hội, Phú Hội, Vĩnh Hội Đông (huyện An Phú) đang trong tư thế chuẩn bị khai thác thủy sản mùa nước nổi. Tuy nước đã về nhưng vẫn còn thấp, lượng cá, tôm trong tự nhiên chưa nhiều nên người dân mưu sinh mùa lũ cũng gặp không ít khó khăn. Bà con đã chuẩn bị lưới, lọp, lờ... để chờ đón các sản vật do thiên nhiên ban tặng.

Mưu sinh trong lũ muộn của dân nghèo đầu nguồn châu thổ Cửu Long ảnh 2 Đánh bắt cá trên cánh đồng ngập nước ven kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ông Cao Xuân Điệu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nhơn Hội, huyện An Phú cho biết nước lũ hiện nay còn thấp nên các hoạt động đánh bắt thủy sản chưa diễn ra. Mặt khác, tình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên địa phương đã khuyến cáo bà con nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không ra ngoài khi không thật sự cần thiết.

Lũ về muộn và "đói" phù sa

Lũ về muộn và ở mức thấp, không chỉ ngư dân đánh bắt được ít cá, tôm, giảm thu nhập mà mà nhà nông cũng lo lắng, vì lũ thấp sẽ thiếu phù sa vào đồng ruộng, vụ sản xuất sau sâu bệnh gia tăng và thêm nhiều chi phí nhiều chi phí phát sinh như: làm cỏ, diệt ốc,…

Những ngày nay, khắp các cánh đồng ngoài đê bao ở xã Phú Lộc (thị xã Tân Châu), xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên), Bình Thạnh Ðông, Phú Thành, Phú Thạnh (huyện Phú Tân),… bà con nông dân ai nấy đều nôn nao, khi cuối cùng con nước lũ cũng tràn đồng.

Ông Phan Văn Giàu, trú tại xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên cho biết mấy ngày nay luôn sốt ruột theo dõi mực nước và dự báo thủy văn. Hiện nước có dâng lên nhưng vẫn còn quá thấp so với mọi năm.

"Giờ đã gần giữ tháng 10 Âm lịch rồi, mà nước mới ngập chừng 70cm, dù mực nước hơi thấp nhưng bà con nông dân vẫn mừng, vì con nước dù muộn còn hơn không có nước lên đồng. Năm nào cũng vậy, cứ thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu là bà con nông dân vùng này không làm lúa vụ ba (Thu Đông) mà mở đồng cho phù sa vào," anh Giàu nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, trú tại xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, nước lũ về tràn đồng có rất nhiều lợi ích, nhất là mang phù sa cho ruộng đồng thêm màu mỡ, vụ sau người nông dân tiết kiệm được phân bón, thuốc trừ sâu. Không những thế, lũ về còn giúp người nông dân "rửa" sạch ruộng đồng và mầm sâu bệnh trong đất.

Theo kế hoạch, năm nay, tỉnh An Giang sẽ xả lũ hơn 70.000ha đất lúa (không sản xuất vụ Thu Đông) nhằm tháo chua, rửa phèn và tạo phù sa cho đất, nhưng đến nay, con nước mới về và hiện còn ở mức thấp nên ai nấy đều chung tâm trạng thấp thỏm lo âu.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết vụ Đông Xuân 2021-2022, diện tích xuống giống của tỉnh dự kiến hơn 230.000ha. Nhằm đảm bảo lịch xuống giống tránh khô hạn, né rầy và chia sẻ nguồn nước với các địa phương ở hạ nguồn, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang khuyến cáo bà con nông dân xuống giống trong 3 đợt; trong đó, đợt 1 xuống giống từ ngày 1-15/11, đợt 2 xuống giống từ ngày 16/11 đến 15/12/2021, đợt 3 xuống giống từ ngày 16-31/12/2021.

Đặc biệt, năm này lũ về muộn và mực nước thấp nên dự báo hạn mặn trong mùa khô năm 2021-2022 tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và An Giang sẽ đến sớm và cao hơn trung bình nhiều năm.

Để vụ sản xuất lúa Đông Xuân đạt năng suất, sản lượng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do điều kiện thời tiết, cũng như dịch bệnh gây ra, ngay từ sớm, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã hướng dẫn bà con nông dân tranh thủ trục xới đất, "mở đồng" đón lũ vào đồng ruộng vừa để lấy phù sa, vừa làm sạch cỏ, lúa chét, triệu tiêu môi trường trú ngụ của rầy nâu và các mầm bệnh khác. Đồng thời, chủ động áp dụng các giải pháp kỹ thuật, giúp bà con chủ động nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục