Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, để tính toán chính xác giá thành, chi phí của giá điện thì cần một cơ quan chuyên môn độc lập để kiểm tra. Điều này theo ông không chỉ yêu cầu năng lực, sự độc lập của cơ quan kiểm tra mà thậm chí là cần một cuộc… "đại phẫu thuật."
“Tính chi phí giá điện là vấn đề phức tạp”
Đưa ra ý kiến trong buổi tọa đàm trực tuyến: “Kiên trì điều hành giá theo thị trường nhìn từ giá xăng và giá điện-nhìn từ giá xăng và giá điện” vừa tổ chức chiều nay (16/3) tại Hà Nội, ông Ngô Trí Long cho rằng, lần tăng giá điện 7,5% này có thể khiến người tiêu dùng bức xúc.
Theo vị chuyên gia này, không phải người tiêu dùng không chia sẻ với ngành điện nhưng khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoạt động không hiệu quả nhưng giá điện lại “đổ” lên người dân thì rõ ràng chưa thể tạo sự đồng thuận. Sự minh bạch trong hoạt động của EVN được ông Ngô Trí Long đánh giá là một trong những vấn đề mấu chốt khiến người tiêu dùng như ông chưa “hài lòng.”
“EVN thường chỉ dựa vào giá đầu ra nhưng không tính giá đầu vào. Giá đầu vào của ta thấp hơn các nước khu vực, hoặc EVN không tính tới yếu tố như năng suất lao động, bảo hiểm, rủi rồi giành lợi về phía mình là bất hợp lý,” ông Ngô Trí Long lên tiếng.
Bởi vậy, ông Long nhận định, tính toán chi phí, giá thành của giá điện là vấn đề phức tạp mà muốn thống kê chính xác thì cần “đại phẫu thuật.” Ý kiến được vị chuyên gia lâu năm trong ngành tài chính đưa ra là cần cơ quan chuyên môn, tư vấn độc lập kiểm tra những thông tin trên để đảm bảo chính xác.
Có ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định hiện hành, nếu giá điện tăng từ 7-10%, EVN sẽ phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính thẩm định. Nếu giá điện tăng trên 10%, việc điều chỉnh giá sẽ do Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính thẩm định trước khi trình Thủ tướng cho ý kiến phê duyệt.
Trong khi đó, với sự biến động của chi phí đầu vào, ông Tuấn cho biết, Chính phủ chỉ phê duyệt phương án tăng giá điện lên 7,5% là phương án thấp nhất trong các kịch bản đưa ra.
"Thời gian qua EVN cũng đã công khai minh bạch vấn đề chi phí giá điện để người dân giám sát. Việc Chính phủ phê duyệt mức tăng ở mức 7,5% đã tính đến mức tăng trưởng của nền kinh tế cũng như tác động đến chỉ số lạm phát-CPI," ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý giá cũng nhấn mạnh, để tránh "tát nước theo mưa" khi các mặt hàng như xăng dầu và điện cùng điều chỉnh, lãnh đạo Bộ Tài Chính đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát giá cả, trong đó với các mặt hàng trong diện nhà nước kiểm soát giá, nếu tăng phải được kê khai theo pháp luật.
Về phía doanh nghiệp, với việc điều chỉnh giá điện lần này, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đây cũng là dịp để đánh giá lại phương án sản xuất kinh doanh, nếu chi phí cao thì cần đổi mới công nghệ và máy móc nhằm tăng hiệu quả.
Điện, xăng đều tiến tới cơ chế thị trường
Trước ý kiến về việc giá điện và xăng cùng "bắt tay" điều chỉnh, tại buổi tọa đàm, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải, theo Nghị định 83/CP, giá xăng dầu hiện đã vận hành theo cơ chế thị trường do vậy nếu tính đúng thì dịp trong và sau tết Nguyên Đán Ất Mùi, giá xăng có thể tăng tổng cộng là 3.500 đồng/lít.
Tuy nhiên, để tránh cú sốc, liên bộ Công thương-Tài chính đã sử dụng Quỹ bình ổn nhằm chia sẻ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Nói rõ thêm, theo ông Quyền, từ tháng 7/2014 giá xăng dầu đã có 14 lần giảm giá (mức giảm trên 10.000 đồng/lít, khoảng 40%) trong khi mức tăng vừa rồi chỉ là 10%, việc tác động đến sản xuất cũng không quá tiêu cực.
"Việc tăng giảm cần nhìn trong một chu kỳ dài, làm sao điều chỉnh không sốc, nhưng theo tín hiệu thị trường," ông Quyền cho hay.
Ước tính của các cơ quan chức năng, việc tăng giá điện sẽ làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng khoảng 0,369%, trong khi tăng giá xăng cũng có thể khiến Chỉ số giá tiêu dùng tăng thêm 0,83% (cả 2 vòng)
Ông Quyền cũng nhấn mạnh, trong trường hợp cần thiết, nhà nước sẽ có những biện pháp để cân đối cung cầu, tránh tình trạng tăng giá tâm lý.
Làm rõ thêm, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện giá điện vẫn chỉ tiệm cận giá thị trường, nếu tính đúng và đủ các chi phí đầu vào như: Lỗ tỷ giá, chi phí phát điện thì các khoản lỗ EVN vẫn còn "treo" và phải một thời gian dài mới bù đắp hết.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, hiện nhà nước vẫn chi ngân sách cho các hộ nghèo dùng dưới 30 kWh, cụ thể với giá điện áp dụng cho mức 50 kWh đầu hiện nay thì ngân sách sẽ bố trí 153 tỷ đồng/năm cho các hộ nghèo nhằm giảm bớt khó khăn.
"Cơ quan nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra giá cả hàng hóa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, không cho phép điều chỉnh kiểu "té nước theo mưa"," lãnh đạo Cục Quản lý giá nhấn mạnh./.
Kể từ ngày 16/3, giá bán điện sẽ được điều chỉnh tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh. Trong khi đó từ 15 giờ ngày 11/3, giá các mặt hàng xăng dầu trong nước đã tăng từ 713-1.616 đồng/lít,kg. Sau khi điều chỉnh, xăng Ron 95 niêm yết tại vùng 1 sẽ có mức giá cao nhất là 17.886 đồng/lít; xăng Ron 92 cao nhất là 17.286 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel 0,05S cao nhất là 15.883 đồng/lít; dầu hỏa cao nhất là 16.323 đồng/lít và dầu mazut 3,5s có giá tối đa là 12.762 đồng/kg.