Muốn giành thị phần, phải rành văn hóa thị trường

Theo ông HongSik J. Cheon - Phó Trưởng Khoa kinh doanh, Đại học Soongsil (Hàn Quốc), năm 2009, Tập đoàn LG đã phải sa thải toàn bộ lãnh đạo kinh doanh sau gần một năm bổ nhiệm do không am hiểu văn hóa và sở thích mua sắm của người Á Đông, khiến các chiến lược kinh doanh không mang hiệu quả cao. Từ thực tế này, ông HongSik J. Cheon khẳng định các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam muốn đưa sản phẩm vào được thị trường Hàn Quốc hay bất cứ thị trường nào, bắt buộc phải am hiểu văn hóa của thị trường đó.
Ngày 15/3, Khu Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức buổi tọa đàm “Cơ hội tiếp cận thị trường công nghệ thông tin Hoa Kỳ-Nhật Bản-Hàn Quốc.”

Tọa đàm có sự tham dự của hàng trăm khách mời là các doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động tại QTSC, các doanh nghiệp và cơ quan xúc tiến thương mại đến từ Hoa Kỳ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương…

Ông Lâm Vũ Hải Long, Phó Giám đốc QTSC cho biết trong số hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động tại QTSC, hiện có gần một nửa là các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc (những quốc gia có nền công nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu thế giới), đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác kinh doanh.

Tuy nhiên, cơ hội hợp tác cũng là thách thức bởi phần lớn các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, ngành công nghiệp công nghệ thông tin trong nước vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Theo ông Long, muốn giành lấy thị phần tại các quốc gia này, doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam phải am hiểu văn hóa kinh doanh của nước bạn.

Cùng quan điểm này, ông HongSik J. Cheon - Phó Trưởng Khoa kinh doanh, Đại học Soongsil (Hàn Quốc) dẫn chứng năm 2009, Tập đoàn điện tử hàng đầu tại Hàn Quốc là LG đã sa thải toàn bộ lãnh đạo thuộc bộ phận kinh doanh sau gần một năm bổ nhiệm do bộ phận này không am hiểu văn hóa và sở thích mua sắm của người Á Đông, khiến các chiến lược kinh doanh đề ra không mang lại hiệu quả cao.

Từ thực tế này, ông HongSik J. Cheon khẳng định các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam muốn đưa sản phẩm vào được thị trường Hàn Quốc bắt buộc phải am hiểu văn hóa của Hàn Quốc.

Đối với thị trường Nhật Bản, trong năm 2012 đã có hơn 270 doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam đầu tư kinh doanh, riêng quý I năm 2013 đã có hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ông Osato Kazuhiko, Giám đốc Công ty xúc tiến thương mại Jetro (Nhật Bản) nhận định đây là tín hiệu đáng mừng cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên các doanh nghiệp Nhật Bản thường sẽ mất từ 2-3 năm tìm hiểu đối tác trước khi quyết định có hợp tác hay không bởi khi đã lựa chọn, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ hỗ trợ hết mình.

Với thị trường Hoa Kỳ, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Công ty Amcham gợi ý Hoa Kỳ là đất nước đa văn hóa, đa sắc tộc nên trong kinh doanh Hoa Kỳ luôn chào đón những nền văn hóa đặc trưng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở thị trường này luôn chú trọng tiềm năng nguồn nhân lực của các đối tác, vì thế các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ phải đủ mạnh về trí tuệ và chất xám.

Trước những chia sẻ từ các khách mời quốc tế, tiến sỹ Trần Vũ Bình, Viện trưởng Viện Công nghệ và Kỹ thuật số khẳng định, với nội lực mạnh mẽ mà các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang có, có thể sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam chỉ bắt đầu từ một hợp đồng nhỏ, nhưng với thế mạnh về nguồn nhân lực và sự ham học hỏi, trong tương lai doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm các hợp đồng kinh doanh giá trị cao hơn./.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục