Sống tốt bằng lương

Muốn cải cách, công chức phải sống tốt bằng lương

"Việt Nam không thiếu người có năng lực để đảm nhận nhiệm vụ, vấn đề là phải tạo sức ép tuyển dụng và khai thác công việc rõ ràng."
“Tại Việt Nam, việc đánh giá tiền lương của hệ thống công chức hiện nay chỉ được xét trong mối quan hệ giữa lương và đời sống. Trong khi mối quan hệ quan trọng nhất là lương với năng suất lao động và khối lượng công việc hoàn thành lại không được chú trọng.

Vì vậy, trong khối cơ quan nhà nước vẫn có những người cặm cụi hết đời cũng chỉ ‘nhàng nhàng’, bên cạnh đó có những người chẳng làm gì rõ ràng song họ lại ‘tiến bộ’ rất  nhanh. Việc sử dụng nhân tài của Việt Nam cũng chỉ mới đưa ra ‘mồi câu’, bởi vấn đề tạo môi trường làm việc và cách nhìn nhận của người lãnh đạo với những nhân tài vẫn còn rất yếu.”

Đây là nhận định Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Thương Mại đưa ra rại Hội thảo “Học hỏi và phát triển, khái quát về dự án Tầm nhìn của Chính phủ Việt Nam đến năm 2020,” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)  tổ chức.

Công dân là khách hàng


Tại hội thảo, ông Paul Collins, Chuyên gia tư vấn quốc tế cho biết, dự thảo về nội dung cấu thành cải cách công vụ và nguồn nhân lực nhằm hướng tới nền dịch vụ công, coi người dân là khách hàng.

“Quá trình cải cách đòi hỏi sự chuyển dịch từ việc tập trung thiết kế dịch vụ công và các chức năng sang tập trung cho kết quả đầu ra, đó là thành tựu và tác động của dịch vụ. Điều đó có nghĩa, việc tập trung vào khách hàng sẽ là một sự thay đổi triệt để, thiết lập lối suy nghĩ của cả công chức và chính phủ thay vì bảo thủ như trước sẽ trở nên sáng tạo hơn để đáp ứng những nhu cầu từ cộng đồng,” theo ông Paul.

Theo dự thảo quá trình cải cách công vụ và nguồn nhân lực sẽ chia thành hai giai đoạn, từ năm 2014 đến năm 2016 là chặng đường xây dựng một khuôn khổ thể chế với chương trình đào tạo dựa trên kỹ năng, xây dựng bản mô tả công việc, xây dựng con đường thăng tiến nhanh để giữ chân công vụ… và cân nhắc xây dựng cơ quan tuyển dụng công vụ quốc gia.

Giai đoạn tiếp theo là học hỏi và tăng trưởng, trong hai năm 2017-2018, với hoạt động đào tạo kỹ năng có tính cạnh tranh đáp ứng yêu cầu của khách hàng, bao gồm đào tạo ở những cấp trung, đánh giá thông tin hệ thống và kết quả công việc về cá nhân. Sau khi đào tạo, đánh giá thực thi công vụ thì nhân sự sẽ phân bổ nhân sự cho cơ quan tuyển dụng.

“Việt Nam muốn xây dựng một nền công vụ hiện đại hóa chuyên nghiệp, phải đào tạo dựa trên kỹ năng phù hợp với mục tiêu của kinh tế thị trường. Theo kinh nghiệm thế giới cần phải có cơ quan tuyển dụng công chức độc lập, chuyên nghiệp để có thể thực hiện tuyển dụng trên cơ sở năng lực, công trạng chứ không phải do quen biết, thân quen…,’ chuyên gia Paul Collins nói.

"Kỷ luật một cán bộ là cực kỳ khó"

Tại hội thảo, các chuyên gia đã rất thẳng thắn chỉ ra, các đường hướng dự thảo đề xuất không mới bởi hầu hết các cơ quan chức năng đều nhận thức ra điều này. Tuy nhiên, bài toán đặt ra là phải làm thế nào biến nhận thức trên trở thành hành động.

Ông Nam chỉ ra, một cán bộ ở Việt Nam được học tập rất nhiều nhưng kiến thức học áp dụng vào công việc lại không nhiều, lúng túng về những kỹ năng cơ bản khi tiếp dân cũng như quá trình xử lý các công việc.

“Việt Nam bây giờ không thiếu người có năng lực để đảm nhận nhiệm vụ, vấn đề là phải tạo ra một sức ép tuyển dụng và khai thác công việc rõ ràng, cần phải có những yêu cầu công việc cụ thể, định kỳ kiểm điểm nếu không thực hiện được thì phải thải loại ngay. Cơ chế như hiện nay để kỷ luật một cán bộ là cực kỳ khó, điều này dẫn đế tâm lý công chức cho thấy chỉ cần phần đấu để đạt vào một vị trí và sau đó yên tâm ngồi đó suốt đời,” ông Nam nói.

Cho rằng dự thảo giải quyết chưa “tới” những vấn đề cốt yếu và cơ bản của nền hành chính công hiện tại, Tiến sĩ Ngô Quang Minh, Học Viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra, quy trình làm chính sách, quy trình thực hiện và chế tài xử lý có nhiều vấn đề. Đối tượng thụ hưởng chính sách là người dân, doanh nghiệp lại đứng ngoài cuộc và không mấy khi tham gia ý kiến vào chính sách cũng như giám sát quá trình thực hiện.

Ông Minh dẫn chứng, năm 1985 mức lương cơ sở là 60 kg gạo/tháng và tính đến thời điểm 1/7/2013, lương đã điều chỉnh có mức cơ sở khoảng 65 kg gạo/tháng. “Song nhìn thẳng vào đời sống cán bộ công chức thì ‘giàu’ hơn thời điểm năm 1985 rất nhiều, thu nhập của công chức thực tế được tản mạn ra từ rất nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau, không ai có thể kiểm soát được,” ông Minh dẫn chứng.

Để dự án thành công, các đại biểu đề xuất dự thảo cần phải đưa ra tầm nhìn với mục tiêu cụ thể hơn, tới năm 2020, như Việt Nam sẽ có một nền hành chính gọn nhẹ, năng động, điều hành bài bản với ý nghĩa kiến tạo phát triển đất nước hay vẫn tiếp tục phải xoay sở, đối phó với những tình huống cấp bách, thách thức từ trong nước và quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Đội ngũ công chức trong bộ máy nhà nước được tinh gọn, trách nhiệm, thông thạo công việc và đặc biệt là có thu nhập bằng lương đủ sống bằng chính công việc của mình./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục