Muôn cách vượt "bão" COVID-19 của các ông chủ nhỏ tại Đức

Kể từ tháng Ba khi COVID-19 ập đến, những cư dân ở thủ đô Berlin đã buộc phải nghĩ cách ứng biến nhanh chóng và linh hoạt khi cơ sở chưng cất rượu của họ buộc phải đóng cửa trong làn sóng đầu tiên.
Muôn cách vượt "bão" COVID-19 của các ông chủ nhỏ tại Đức ảnh 1Sản phẩm rượu của công ty Stock Club. (Nguồn: rappler.com)

Từ chưng cất cồn cho các hiệu thuốc cho tới giao những chai cocktail theo yêu cầu, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Đức đang phải không ngừng sáng tạo để có thể tồn tại và vượt qua cơn khủng hoảng mang tên COVID-19.

Ông Bastian Heuser, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc tiếp thị công ty Stock Club, cùng các đối tác của mình đã học về kỹ năng chưng cất rượu kể từ khi họ tình cờ lao vào kinh doanh rượu whisky dù không có bất kỳ kinh nghiệm buôn bán nào.

Tuy nhiên, kể từ tháng Ba khi đại dịch COVID-19 ập đến, những cư dân ở thủ đô Berlin này đã buộc phải nghĩ cách ứng biến nhanh chóng và linh hoạt khi cơ sở chưng cất rượu của họ buộc phải đóng cửa trong làn sóng dịch đầu tiên.

Họ đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh đến từ nhu cầu tăng vọt đối với các dung dịch sát khuẩn tay, khi các bác sỹ, nhà thuốc trên địa bàn đã liên hệ với công ty về các đơn hàng cồn y tế nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt trong khu vực.

Bên cạnh đó, ông Heuser và đối tác cũng đã quyết định chuyển quán bar của công ty từ một cửa hàng mặt phố tới một khu đất trống - một sự đầu tư kịp thời, trong bối cảnh thủ đô Berlin được hưởng lợi chương trình kích cầu du lịch trong nước sau khi các biện pháp hạn chế chống dịch được nới lỏng.

Công việc kinh doanh trở nên bận rộn hơn vào mùa Hè khi quán bar thu hút được du khách tham quan tới nếm thử rượu, thậm chí nhận được nhiều đơn hàng từ các sự kiện đám cưới.

Doanh thu của Stock Club đã tăng tới 50% so với cùng kỳ năm trước, qua đó phần nào khắc phục được những thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong mùa Xuân. Mặc dù doanh thu lại đi xuống kể từ khi dịch vụ ăn uống trong không gian kín bị cấm do đợt đóng cửa mới nhất có hiệu lực vào tháng 11, ông Heuser vẫn tin tưởng nhà máy chưng cất rượu của mình sẽ vượt “bão” thành công.

[Đức: Nhiều doanh nghiệp xin tham gia chương trình hỗ trợ khó khăn]

Với triển vọng tươi sáng của công tác nghiên cứu và điều chế vaccine phòng COVID-19, ông hy vọng công ty sẽ khôi phục hoạt động kinh doanh vào tháng Năm hoặc 6/2021.

Trong khi đó, để duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo việc làm cho nhân viên, cô Katja Hiendlmayer, đồng sở hữu quán bar phục vụ cocktail Buerkner Eck, đã chuyển sang bán các phiếu quà tặng (voucher) qua mạng và giao các cocktail đóng chai tới nhà khách hàng.

Cô cùng bạn làm ăn Olaf Matthey đã thiết kế, in ấn và sau đó bán các phiếu quà tặng, trong đó dành mức giá ưu đãi cho khách hàng khi họ muốn sử dụng chúng trong tương lai.

Một số khách hàng đã chọn không đổi phiếu quà tặng và Hiendlmayer coi đó là một khoản đóng góp nhỏ. Trong khi đó, công việc của các nhân viên quán bar cũng tất bật hơn khi hằng ngày đạp xe đến các khu vực lân cận để giao những chai cocktail được đặt trước.

Những chiếc bàn dài được thiết kế phục vụ hình thức ăn uống cộng đồng và cho phép các nhóm khách hàng khác nhau có thể tương tác và trò chuyện với nhau từng là ý tưởng chủ đạo tại nhà hàng La Cantine d'Augusta ở Berlin.

Tuy nhiên, đại dịch đã buộc nhà hàng này biến thành cửa hàng chuyên kinh doanh các món ăn nhập khẩu từ Pháp để phục vụ việc bán mang đi. Do nhà hàng tạm thời không phục vụ thực khách tại chỗ, để tạo sự thư giãn, chủ nhà hàng Sebastien Gorius cũng nảy ra ý tưởng biến những bức tường thành một không gian triển lãm cho một trong những nhân viên của mình.

Trước khi đại dịch ập đến, nhà hàng La Cantine d'Augusta luôn tự hào vì luôn bận rộn phục vụ nhiều thực khách đến thưởng thức. Nhưng chủ nhà hàng Gorius cho rằng sẽ phải mất một thời gian dài thực khách mới có thể một lần nữa đắm mình trong bầu không khí sôi động đó, ngay cả sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục