Mười hai luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7

Từ 1/7/2020, 12 luật sẽ có hiệu lực thi hành trong đó có Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ; Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước.
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Từ ngày 1/7/2020, 12 luật sẽ có hiệu lực thi hành.

Đó là các luật: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Lực lượng dự bị động viên; Luật Dân quân tự vệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Kiến trúc; Luật Giáo dục; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; Luật Quản lý thuế.

Cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử

Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được ban hành nhằm phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013; đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, tạo thuận lợi cho công dân trong hoạt động xuất nhập cảnh…

Luật gồm 8 chương, 52 điều; trong đó có nhiều điểm mới đối với công dân như quy định quyền và nghĩa vụ của công dân; không đặt vấn đề "nộp hồ sơ" khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu; người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần thứ hai trở đi được lựa chọn nơi thực hiện, không đặt vấn đề còn hay hết hạn; công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu; hộ chiếu cấp riêng cho từng người; người trên 14 tuổi được lựa chọn cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử hoặc không; luật hóa việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy…

Về giấy tờ xuất, nhập cảnh gồm 3 điều mới: hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 2 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử; hộ chiếu phổ thông cho người trên 14 tuổi có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp hoặc không gắn chíp điện tử, người dưới 14 tuổi có thời hạn không quá 5 năm, không gắn chíp điện tử; cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, có thời hạn không quá 12 tháng.

Quân nhân dự bị có độ tuổi cao nhất đến 45

Luật Lực lượng dự bị động viên được xây dựng nhằm thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên năm 1996.

Luật là cơ sở vững chắc, góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Luật Lực lượng dự bị động viên gồm 5 chương, 41 điều. Nội dung chính về quyền và nghĩa vụ của chủ phương tiện kỹ thuật dự bị, người vận hành, điều khiển phương tiện kỹ thuật dự bị; bồi thường thiệt hại do việc huy động, điều động phương tiện kỹ thuật dự bị gây ra; kế hoạch xây dựng, huy động, tiếp nhận lực lượng dự bị động viên; đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật dự bị; đội tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình; các trường hợp huy động lực lượng dự bị động viên; chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức.

Đáng chú ý, Điều 17 về độ tuổi quân nhân dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình nêu rõ: Độ tuổi sỹ quan dự bị sắp xếp vào đơn bị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Mười hai luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7 ảnh 1Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Độ tuổi quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được quy định: nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị không quá 40 tuổi; hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị không quá 35 tuổi được sắp xếp vào đơn vị chiến đấu.

Bên cạnh đó, nam quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sỹ quan, binh sỹ dự bị không quá 45 tuổi; nữ quân nhân dự bị không quá 40 tuổi được sắp xếp vào đơn vị bảo đảm chiến đấu...

Phát huy sức mạnh lực lượng dân quân tự vệ

Luật Dân quân tự vệ năm 2019 gồm 8 chương, 50 điều, giảm 1 chương, 16 điều so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Luật điều chỉnh, bổ sung một số quy định như bỏ "Dân quân tự vệ nòng cốt," "Dân quân tự vệ rộng rãi" mà chỉ dùng "Dân quân tự vệ;" nguyên tắc tổ chức, hoạt động; nhiệm vụ; thành phần; tổ chức; thời gian thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình; đăng ký công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia; tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ thời bình; thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ.

Ngoài ra, Luật quy định rõ điều kiện tổ chức tự vệ trong doanh nghiệp; hệ thống chỉ huy; chức vụ chỉ huy; ban chỉ huy cấp xã, thôn đội trưởng; đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, tập huấn, bồi dưỡng các chức vụ chỉ huy, huấn luyện; chế độ chính sách Dân quân tự vệ; nguồn kinh phí, nhiệm vụ chi; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có liên quan.

Điều 11 Luật sửa đổi quy định về việc tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình đối với các trường hợp: Phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; nam giới một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi; là lao động duy nhất trong hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Về chế độ, chính sách của Dân quân tự vệ, Luật sửa đổi, bổ sung chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với dân quân thường trực, phụ cấp đặc thù đi biển, bảo đảm tiền ăn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ trong tình hình mới, phù hợp với thực tế các địa phương đã và đang thực hiện.

Giảm 10-15% số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương bố cục gồm 4 điều.

Cụ thể, Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ với 3 nội dung chính: Về thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý về tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, viên chức; về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ; thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ.

Mười hai luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7 ảnh 2Các đại biểu biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Điều 2 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 7 nội dung: Về phân cấp, phân quyền, ủy quyền; mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng linh hoạt; tổ chức Hội đồng Nhân dân; bổ sung thẩm quyền Hội đồng Nhân dân cấp xã; bổ sung quy định Ủy ban Nhân dân cấp xã; bộ máy giúp việc chính quyền địa phương; trách nhiệm của đại biểu Hội đồng Nhân dân với cử tri. Điều 3 về điều khoản thi hành và Điều 4 về điều khoản chuyển tiếp.

Luật Tổ chức Chính phủ bổ sung thêm một số thẩm quyền Chính phủ như tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức đơn vị trực thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; quy định tổ chức, khung số lượng, tiêu chí thành lập và số lượng biên chế tối thiểu để tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân các cấp; quy định số lượng cấp phó tối đa của các đơn vị trực thuộc cơ quan Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân các cấp; quyết định về phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung quy định về tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng Nhân dân, bổ sung quy định có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đồng thời giảm 10-15% số lượng đại biểu Hội đồng Nhân dân ở từng loại hình đơn vị hành chính…

Khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện

Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều với những nội dung chính về phạm vi điều chỉnh; chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện ở 3 cấp độ: Nhà nước đầu tư, Nhà nước hỗ trợ và Nhà nước khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện; thành lập thư viện; hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện.

Luật Thư viện quy định ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Bên cạnh đó, Luật Thư viện cũng quy định về việc phát triển thư viện số: Xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu của thư viện; sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số…

Kiểm soát chất lượng kiểm toán

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước gồm các nội dung chính: Về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; quy định việc truy cập dữ liệu điện tử để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định kiểm toán nhà nước xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến quy định kiểm soát chất lượng kiểm toán; quy định trách nhiệm phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để hạn chế tình trạng chồng chéo; về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.

Được chuyển đổi mục đích thị thực

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 17 điều, bổ sung 3 điều.

Mười hai luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7 ảnh 3Nhân viên y tế kiểm tra phiếu khai báo y tế của hành khách trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, chiều 7/3 vừa qua. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Luật nhằm luật hóa chính sách cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, đảm bảo đồng bộ với quy định của pháp luật; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập xuất cảnh Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo đó, các nội dung sửa đổi, bổ sung như quy định việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và bổ sung một số quy định; quy định miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng một số điều kiện; quy định 4 trường hợp được chuyển đổi mục đích thị thực; sửa đổi, bổ sung quy định về đối tượng và ký hiệu thị thực, thẻ tạm trú cấp cho lao động nước ngoài, luật sư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài; bỏ quy định người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước 30 ngày…

Chỉ còn 3 trường hợp viên chức có biên chế suốt đời

Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019 sẽ có nhiều thay đổi lớn liên quan đến tiền lương, việc làm của cán bộ, công chức, viên chức.

Lương cơ sở giữ mức 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019; với việc mức lương cơ sở giữ nguyên thì các khoản khác tính theo lương cơ sở cũng sẽ giữ nguyên.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập như trường học, bệnh viện... không còn là công chức mà sẽ thuộc biên chế viên chức; được cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bổ nhiệm làm viên chức quản lý để chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức thực hiện một hoặc một số công việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Luật sửa đổi, bổ sung vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn.

Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay "chế độ biên chế suốt đời" chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp: viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1/7/2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.

Tăng cường quản lý thiết kế kiến trúc

Luật Kiến trúc gồm 5 chương, 41 điều đã bao quát hai nội dung chính sách cơ bản là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Nội dung quản lý kiến trúc bao gồm các điều về yêu cầu về kiến trúc đối với khu vực đô thị; nông thôn; quản lý thiết kế kiến trúc; quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị; quy chế quản lý kiến trúc, Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; quản lý lưu trữ tài liệu.

Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên

Luật Giáo dục năm 2019 gồm 9 chương, 115 điều thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009.

Mười hai luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7 ảnh 4Thời điểm này là giai đoạn nước rút để học sinh lớp 9 tập trung ôn luyện, củng cố kiến thức cũng như ổn định tâm lý vững vàng bước vào kỳ thi. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Luật Giáo dục năm 2019 đã làm rõ tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục, luật hóa chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Quy định nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và giảng viên đại học, quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm…

Bí mật Nhà nước được phân loại thành 3 độ mật

Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Một trong những nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bảo vệ bí mật nhà nước là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Căn cứ tính chất quan trọng của nội dung thông tin, mức độ nguy hại nếu bị lộ, bị mất, bí mật nhà nước được phân loại thành 3 độ mật, bao gồm: tuyệt mật; tối mật; mật.

Thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước là khoảng thời gian được tính từ ngày xác định độ mật của bí mật Nhà nước đến hết thời hạn sau 30 năm đối với bí mật Nhà nước độ tuyệt mật; 20 năm đối với bí mật Nhà nước độ tối mật; 10 năm đối với bí mật Nhà nước độ mật.

Tạo cơ sở pháp lý quản lý thuế hiện đại

Luật Quản lý thuế gồm 17 chương, 152 điều. Luật sửa đổi phạm vi điều chỉnh, bảo đảm bao quát việc quản lý các loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước, sửa đổi các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người nộp thuế, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý thuế cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế.

Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Luật cũng quy định các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, chống xói mòn cơ sở tính thuế và hoàn thiện các quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng, chống chuyển giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục