Mười điều thú vị về cuộc khủng hoảng nợ của sinh viên Mỹ

Hiện nay, hơn 40 triệu người dân Mỹ vẫn còn các khoản nợ từ thời sinh viên. Hãy cùng tìm hiểu mười điều thú vị liên quan đến các khoản nợ của sinh viên Mỹ.

1. Số lượng con nợ "khủng"

Hiện nay, hơn 40 triệu người dân Mỹ vẫn còn các khoản nợ từ thời sinh viên. Con số này cao hơn tổng dân số của hơn 200 quốc gia trong đó Canada, Ba Lan, Triều Tiên, Australia và cao gấp 4 lần dân số Thụy Điển.

2. Sinh viên gần như không thể nộp đơn với bảo lãnh vỡ nợ

Hồi đầu năm nay, tập đoàn hóa chất Freedom Industries đã để rò rỉ hóa chất tại Tây Virginia và đối mặt với 25 vụ kiện. Sau khi đệ đơn bảo hộ phá sản, tập đoàn này đã tạm dừng được hầu hết các vụ kiện.

Trong khi đó, những người Mỹ vẫn còn khoản nợ sinh viên gần như không thể nộp đơn bảo lãnh vỡ nợ, trong bối cảnh các khoản nợ từ cờ bạc hay tiêu dùng khác có thể được xóa, song nợ giáo dục thì không. Khoản nợ này sẽ lớn dần và thậm chí theo chân người vay cho đến lúc mất.

Loại bỏ việc bảo lãnh vỡ nợ đối với khoản nợ sinh viên là cách để đảm bảo lợi ích cho các nhà cho vay.

3. Bảy triệu người vỡ nợ

Ngoài 40 triệu người còn khoản nợ sinh viên, tại Mỹ có khoảng 7 triệu người vỡ nợ vì khoản nợ sinh viên (tương đương 2% dân số Mỹ).

“Họa vô đơn chí” đối với những người còn vướng khoản nợ sinh viên là 60% giới chủ sẽ kiểm tra tình hình tài chính của các ứng viên trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng hay thăng chức.

Điều này càng làm hàng triệu con nợ không thể tìm được công việc có mức lương cao hơn để thanh toán nợ.

4. Nợ sinh viên tăng, lương giảm

Kể từ năm 1999, khoản nợ sinh viên tại Mỹ đã tăng hơn 500%. Trong khi đó, kể từ năm 2000, mức lương trung bình cho thanh niên giảm 10%. Thực trạng này đã khiến hàng triệu người trì hoãn lập gia đình, mua xe, mua nhà.

5. Vướng nợ - nguy cơ thất nghiệp

Tại Mỹ, bạn đừng hy vọng trường đại học sẽ cấp bảng điểm chính cho các nhà tuyển dụng muốn kiểm tra trình độ học vấn của bạn.

Bộ Giáo dục cũng khuyến khích các trường giữ lại bảng điểm của những người chưa thanh toán đầy đủ học phí.

Trong khi đó, nhiều cơ quan tuyển dụng đòi hỏi ứng viên phải nộp bảng điểm chính. Thực tế này đã gây khó cho những người muốn nhận công việc lương cao để trả nợ.


6. Treo giấy phép hành nghề

Nếu bạn vỡ nợ do khoản nợ sinh viên, bạn có thể bị cơ quan chức năng treo giấy phép hành nghề.

Năm 2011, 42 y tá tại Tennessee đã bị treo giấy phép hành nghề, do không trả được khoản nợ sinh viên.

Tại Montana , trong giai đoạn từ 2009-2012 có 617 người vỡ nợ và những người này có khả năng bị cơ quan tư pháp treo bằng lái xe.

7. Các gia đình có thể phải “thừa hưởng” khoản nợ sinh viên kể cả khi người vay "nhắm mắt xuôi tay"

Tại Mỹ, không phải lúc nào khoản nợ sinh viên cũng được xí xóa khi người vay "về cõi vĩnh hằng".

Mặc dù những người vay từ chính phủ liên bang không phải lo ngại về vấn đề này, song đối với những người vay từ khu vực tư nhân, khoản nợ của họ có thể bị chuyển sang các thành viên trong gia đình kể cả khi họ chết.


8. Nợ nần gia tăng làm giảm lượng người mua nhà, mua xe và lập gia đình

Việc tỷ lệ nợ trên thu nhập của những người nợ sinh viên gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ những người mua nhà lần đầu giảm. Khoản nợ sinh viên cũng được biết đến là nguyên nhân khiến nhiều người trì hoãn việc lập gia đình và mua xe.

Theo báo cáo của One Wisconsin Institute, khoản nợ sinh viên gây thiệt hại cho ngành công nghiệp xe hơi 6 tỷ USD/năm.

9. Lãi suất đối với khoản vay sinh viên chỉ có thể tăng

Quốc hội Mỹ đã cho phép tăng gấp đôi mức lãi suất đối với sinh viên vay từ chính phủ liên bang từ 3,4% lên 6,8%. Trong bối cảnh nền kinh tế cải thiện, mức lãi suất này sẽ tăng theo và lên 6,8% vào năm 2015.

10. Chính phủ kiếm lời “khủng” từ khoản nợ sinh viên

Nếu Chính phủ Liên bang Mỹ là một công ty tư nhân, đây sẽ công ty thu lời lớn nhất thế giới. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính trong năm 2013 chính phủ nước này thu về 50 tỷ USD từ khoản nợ sinh viên, cao hơn 5 tỷ USD so với công ty làm ăn có lãi nhất nước Mỹ là ExxonMobile./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục