Mũi tăng cường của Johnson & Johnson giúp giảm nguy cơ nhập viện

Dữ liệu tiêm phòng mũi thứ hai vaccine Johnson & Johnson cho 69.092 nhân viên y tế ở Nam Phi cho thấy nó có hiệu quả tới 84% trong việc phòng ngừa nguy cơ nhập viện.
Mũi tăng cường của Johnson & Johnson giúp giảm nguy cơ nhập viện ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson tại Milan, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 30/12, các nhà nghiên cứu cho biết tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson sản xuất có hiệu quả tới 84% trong việc phòng ngừa nguy cơ nhập viện cho các nhân viên y tế Nam Phi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu này dựa trên dữ liệu tiêm phòng mũi thứ hai loại vaccine của Johnson & Johnson cho 69.092 nhân viên y tế trong giai đoạn từ ngày 15/11-20/12, thời điểm biến thể Omicron đang lan nhanh tại Nam Phi.

Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson là loại vaccine một mũi tiêm là đủ liều.

Trước đó, nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng bảo vệ của mũi tiêm này giảm đáng kể trước biến thể Omicron, đặc biệt là trong phòng ngừa lây nhiễm.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu mới cho thấy tiêm mũi tăng cường sẽ vẫn phòng ngừa đáng kể nguy cơ mắc bệnh nặng.

[Những vấn đề sau chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19]

Nghiên cứu mới ở Nam Phi về tiêm mũi tăng cường vaccine của Johnson & Johnson cho thấy hiệu quả phòng ngừa nguy cơ nhập viện đã tăng từ mức 63% ngay sau khi tiêm mũi tăng cường lên 84% khoảng 14 ngày sau tiêm.

Hiệu quả sẽ tăng lên tới 85% khoảng 1-2 tháng sau mũi tiêm tăng cường. Đồng tác giả nghiên cứu Linda-Gail Bekker nêu rõ điều này cho thấy các vaccine ngừa COVID-19 vẫn hiệu quả trong việc phòng nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và tử vong.

Đây là một bằng chứng nữa cho thấy vaccine không mất tác dụng kể cả đối với biến thể mới và việc tiêm hai mũi sẽ giúp phục hồi khả năng bảo vệ tối đa của vaccine.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa thể kết luận về sự cần thiết của việc tiêm mũi ba hoặc mũi bốn loại vaccine của Johnson & Johnson.

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu nói trên có một số hạn chế, như thời gian theo dõi ngắn, trung bình là 8 ngày đối với các nhân viên y tế đã tiêm mũi tăng cường trong vòng 13 ngày trước đó, hoặc 32 ngày đối với những người đã tiêm được 1-2 tháng.

Điều này có thể ảnh hưởng đến mức độ chính xác về hiệu quả của vaccine.

Đầu tháng này, một nghiên cứu khác ở Nam Phi cho thấy việc tiêm đủ liều 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech giảm hiệu quả phòng ngừa nguy cơ nhập viện kể từ khi biến thể Omicron lây lan tại nước này tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục