Mũi điện tử có thể phát hiện thực phẩm nguy hiểm

Các nhà khoa học Litva đã sáng chế ra chiếc mũi điện tử di động có thể xác định chất lượng và độ tươi của thịt và cá.

Công ty ART21 và Đại học Công nghệ Kaunas của Litva đã đồng sáng chế ra chiếc mũi điện tử di động đầu tiên trên thế giới có thể xác định chất lượng và độ tươi của thịt và cá.

Sản phẩm này sẽ được giới thiệu tại Triển lãm công nghệ thông tin và truyền thông châu Âu ICT 2013, diễn ra từ ngày 6-8/11 tới ở thủ đô Vilnius của Litva.

Với hình dáng nhỏ gọn như một chiếc USB và được lắp đặt hệ thống thu thập thông tin truyền dữ liệu "không dây" và "Bluetooth," chiếc mũi điện tử này có khả năng phát hiện một số đặc tính hóa học và khí hơi trong thịt động vật, thịt gia cầm và cá nhờ sử dụng nhiều thuật toán để xác định độ tươi của sản phẩm, các yếu tố hóa học nguy hiểm, các chất độc hại có thể gây ung thư hoặc các bệnh khác.

Ngoài ra, mũi điện tử cũng truyền dữ liệu đến một chiếc điện thoại thông minh có phần mềm phân tích kết quả thu được và thông báo cho người sử dụng một cách rõ ràng và dễ hiểu.

Hơn nữa, khách hàng sử dụng mũi điện tử có thể xem trên điện thoại của mình biểu đồ đo các chỉ số liên quan hoặc trao đổi ý kiến cũng như thông tin trên mạng xã hội về vấn đề này.

Theo tính toán của công ty, một chiếc mũi điện tử loại này có giá khoảng 150 Euro. Công ty hy vọng sản phẩm sẽ được tiêu thụ chủ yếu tại Tây Âu, Mỹ, Canada cũng như ở Litva.

Theo ông Augustas Alesiunas, thành viên hội đồng quản trị Công ty ART21, công ty mong muốn phát minh ra một sản phẩm giúp mỗi người tự kiểm tra được thực phẩm của mình, đánh giá nhanh và hiệu quả các loại thức ăn mà họ sẽ ăn.

Ông Alesiunas nhấn mạnh đặc tính nổi trội của phát minh là sản phẩm nhỏ gọn, sử dụng điện thoại di động thông minh để xử lý và giá cả hấp dẫn vì các bộ xử lý tương tự có giá đắt gấp 10 đến 100 lần chiếc mũi điện tử này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục