Mục tiêu văn hóa quốc gia: Cần nghiên cứu thể chế về khuyến khích văn hóa đọc

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu cho rằng cần nghiên cứu xây dựng thể chế về khuyến khích văn hoá đọc ở Việt Nam một cách bài bản, bởi tỷ lệ người có thói quen đọc sách hiện nay chỉ có khoảng 20%...

Văn hóa đọc sách. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
Văn hóa đọc sách. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Nhấn mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 là bước tiến quan trọng để nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của nhân dân, song một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng lưu ý chương trình cần xác định rõ mục tiêu, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh gây lãng phí; đặc biệt là cần nghiên cứu xây dựng thể chế về khuyến khích văn hóa đọc, bởi tỷ lệ đọc sách hiện rất thấp.

Trung bình mỗi năm người Việt đọc 4 cuốn sách

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận sáng 19/6, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An) nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá; khẳng định vị trí quan trọng của văn hoá đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên ngoài các quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình được nêu trong báo cáo thẩm tra, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng Chính phủ cần bổ sung quan điểm xem việc phát triển văn hoá có những yếu tố đặc thù, đòi hỏi quá trình lâu dài; cũng như cần thu hút sự tham gia rộng rãi, chủ động và tích cực của người dân, bởi văn hoá là những giá trị do người dân sáng tạo và tích lũy qua quá trình sinh hoạt và lao động lâu dài.

Đặc biệt về phát triển văn hoá đọc, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhất trí với việc xem phát triển văn hoá đọc là một trong những mục tiêu quan trọng.

“Lịch sử của nhiều quốc gia đã cho thấy rõ vai trò của văn hoá đọc đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia nói chung và phát triển văn hoá của dân tộc đó nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh khối lượng kiến thức được bổ sung rất lớn và nhanh chóng như hiện nay thì văn hoá đọc là cơ sở để người dân có thể tự bổ sung kiến thức, thực hiện mục tiêu học tập suốt đời,” đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.

Tuy vậy, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng thẳng thắn nhìn nhận các giải pháp phát triển văn hoá đọc trong dự thảo chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu mới thiên về điều kiện cần - tức là điều kiện về khả năng tiếp cận với sách của người dân thông qua hệ thống thư viện. Trong khi đó, thực tế cho thấy việc phát triển hệ thống thư viện không phải lúc nào cũng đi kèm với sự phát triển văn hoá đọc.

Dẫn số liệu thống kê, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho biết hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số thư viện công cộng với hơn 6.000 thư viện, trong khi tỷ lệ người có thói quen đọc sách ở Việt Nam chỉ khoảng 20%.

Còn ở Thái Lan (quốc gia đứng thứ hai về số thư viện công cộng với 2.000 thư viện), tỷ lệ người có thói quen đọc sách là khoảng 86%; ở Singapore khoảng 80%. “Trung bình mỗi năm, người Việt chỉ đọc khoảng 4 cuốn sách thì số lượng này ở Singapore, Malaysia, Thái Lan là từ 10 đến 15 quyển sách,” đại biểu Hoàng Minh Hiếu nói.

Cần có chương trình khuyến đọc hiệu quả

Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cho rằng cần bổ sung các mục tiêu cụ thể đến năm 2035 để đánh giá chính xác hơn về việc phát triển văn hoá đọc như tỷ lệ người dân có thói quen đọc sách; số lượng trung bình số sách mỗi người dân đã đọc hàng năm; mức tăng số lượng sách được xuất bản hàng năm.

dai bieu hieu.PNG
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Hiện nay chúng ta đã có những chương trình như Ngày sách quốc gia, Tuần lễ đọc sách nhưng tác động của các chương trình này chưa tạo ra kết quả lâu dài, bền vững,” đại biểu Hoàng Minh Hiếu băn khoăn và nhấn mạnh cần nghiên cứu để bổ sung vào Chương trình mục tiêu quốc gia một số chương trình khuyến đọc hiệu quả hơn.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu gợi ý có thể tham khảo các chương trình khuyến đọc đã được thực hiện thành công ở một số nước trong khu vực như các chương trình Phong trào đọc sách quốc gia ở Singapore, Thập niên phát triển văn hoá đọc của Malaysia, Chương trình khuyến khích hoạt động đọc sách cho trẻ em của Nhật Bản…

Đặc biệt, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất nghiên cứu xây dựng thể chế về khuyến khích văn hoá đọc. Ví dụ như ở Nhật Bản, nước này đã xây dựng Luật Khuyến khích trẻ em đọc sách; Luật Chấn hưng văn hóa đọc để phát triển văn hoá đọc của toàn dân (trong đó xác định rõ văn hoá đọc là một lĩnh vực văn hoá tinh thần, có vai trò quan trọng trong nâng cao dân trí, xây dựng nhân cách con người).

Trong diễn biến liên quan khi bàn về “phát triển văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới,” đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định) cho rằng đầu tư cơ sở vật chất ở các nước phát triển rất đắt đỏ, nhưng mối lo hơn là duy trì và phát triển hiệu quả.

“Nếu cứ theo cách đang làm, chúng ta cũng có thể có những trung tâm văn hóa ở nước ngoài để cắt băng khánh thành và giải ngân, nhưng rồi cũng sẽ chết yểu hoặc sống ngắc ngoải như một vài cơ sở hiện nay,” đại biểu Nguyễn Lân Hiếu trăn trở.

Thay vào đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu quan điểm có thể lựa chọn phương án thông qua các sản phẩm nghệ thuật như triển lãm tranh, chương trình văn nghệ hay các bộ phim. Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội thuộc đoàn Bình Định lưu ý Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kế hoạch tổng thể để tránh lãng phí; hạn chế xin - cho trong quá trình chấp thuận các chương trình được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.

Về vấn đề con người, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu thực tế rất nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài chưa được phát huy.

“Do vậy cần đầu tư xây dựng mạng lưới hội sinh hoạt của người Việt rộng khắp trên thế giới. Đầu tư bài bản, tường minh, xuất phát từ con người chúng ta mới chấn hưng được nền văn hóa đang còn quá nhiều vấn đề,” đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục