Mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong cuộc xung đột Ukraine là gì?

Mỹ đang cố gắng thực hiện một hành động cân bằng, vừa muốn cung cấp hỗ trợ quân sự hiệu quả cho Ukraine, né tránh tạo ra ấn tượng Mỹ đang cố gắng đẩy Ukraine phải chấp nhận thỏa hiệp về lãnh thổ.
Mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong cuộc xung đột Ukraine là gì? ảnh 1Viện trợ quân sự của Mỹ chuyển cho Ukraine được dỡ xuống từ máy bay ở sân bay quốc tế Boryspil, ngoại ô thủ đô Kiev, Ukraine. (Ảnh: Reuters)

Theo trang mạng ft.com, ngay trước khi Nga tiến hành cuộc chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã đưa ra một cái nhìn bi quan về kết cục có thể xảy ra. Phát biểu trong một phiên điều trần kín của Quốc hội, ông nói rằng một kịch bản có thể xảy ra là Kiev có thể sụp đổ trong vòng 72 giờ đồng hồ.

Phát biểu hôm 30/5, ba tháng sau khi người dân Ukraine không chỉ chống lại cuộc tấn công ban đầu vào thủ đô Kiev, mà còn đang cầm cự trong một cuộc chiến tiêu hao sinh lực ở miền Đông Nam nước này, ông Milley đã đưa ra một lưu ý rất khác.

Ông nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ nỗ lực cuộc chiến của Ukraine vì điều quan trọng là phải chứng minh rằng “kẻ mạnh không thể tiêu diệt và xâm lược kẻ yếu”. Và về khả năng cuộc xung đột có thể kết thúc như thế nào, Milley nói rằng chính người Ukraine sẽ quyết định “kết cục bên trong đường biên giới của Ukraine.”

Những thành quả của Ukraine trên chiến trường đã thúc đẩy tâm trạng hân hoan chiến thắng ở Washington trong những tuần gần đây. Trái ngược với sự ảm đạm trong những ngày đầu của cuộc xung đột, một số chính trị gia và quan chức hàng đầu hiện nay nhìn thấy cơ hội để giáng một đòn quyết định vào Nga.

Tuy nhiên, đằng sau lời phát biểu đầy tự tin của các quan chức Mỹ, hiện vẫn chưa rõ về những gì mà Washington thực sự tin rằng có thể và nên xảy ra ở Ukraine. Hiện có rất ít chi tiết về một kịch bản thất bại chiến lược đối với Nga thực sự sẽ ra sao hoặc Mỹ cuối cùng sẽ đưa ra thỏa thuận lãnh thổ như thế nào để khuyến khích sự chấp nhận từ phía Ukraine.

Chính quyền ông Biden đang cố gắng thực hiện một hành động cân bằng. Họ muốn cung cấp hỗ trợ quân sự hiệu quả cho Ukraine và né tránh tạo ra ấn tượng rằng Mỹ đang cố gắng đẩy Ukraine phải chấp nhận những thỏa hiệp cuối cùng về lãnh thổ mà có thể gây ra các vấn đề chính trị ở Kiev.

[Tổng thống Mỹ phê chuẩn dự luật viện trợ 40 tỷ USD cho Ukraine]

Đồng thời, họ đang cố gắng tổ chức một liên minh quốc tế ủng hộ Ukraine, bao gồm một số đồng minh châu Âu, những người đang lo lắng về tác động của một cuộc chiến kéo dài, cả đối với Ukraine cũng như với xã hội và nền kinh tế của chính họ.

Viện trợ vũ khí hạng nặng

Khoản hỗ trợ mới của Mỹ báo hiệu cam kết của Washington đối với Ukraine trong chặng đường dài. Tuy nhiên, nó cũng đang được tính toán cẩn thận. Mỹ đã gửi hàng tỷ USD vũ khí hạng nặng vào Ukraine, và các quan chức cho biết họ đang thảo luận về các yêu cầu bổ sung của Ukraine khi họ lên kế hoạch làm thế nào để phân phối các lô viện trợ mới nhất.

Các lực lượng Ukraine coi hỏa lực tầm xa là rất quan trọng trong cuộc xung đột đang trở thành một cuộc chiến tiêu hao, nơi mà cả hai bên đang sử dụng pháo hạng nặng và chịu tổn thất nặng nề. Mỹ đã cam kết viện trợ hàng chục pháo cỡ 155mm do Mỹ sản xuất - có tầm bắn xa hơn và chính xác hơn so với pháo tiêu chuẩn của Nga.

Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, phần lớn vũ khí đó đã đến Ukraine và đang bắt đầu được sử dụng trên chiến trường.

Chính quyền Mỹ hiện đang phải đối mặt với áp lực chính trị trong nước để hành động xa hơn. Rob Portman, thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa từ Ohio, và các thượng nghị sỹ khác đã kêu gọi chính quyền gửi nhiều hệ thống phóng tên lửa hơn nữa, và đây là chủ đề chính trong cuộc tranh luận ở Washington. Các quan chức cho biết chính quyền Biden không muốn thấy viện trợ quân sự của Mỹ được sử dụng để giúp Ukraine tấn công vào bên trong nước Nga.

Việc cân nhắc kỹ lưỡng về viện trợ vũ khí là một phần của cuộc thảo luận rộng hơn ở Washington để định nghĩa một “thất bại chiến lược” đối với Nga thực sự là gì. Các quan chức Mỹ cho rằng Nga sẽ suy yếu hơn nữa sau cuộc chiến cho dù nó diễn ra như thế nào, đặc biệt là do các lệnh trừng phạt toàn cầu và kiểm soát xuất khẩu sẽ tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế của nước này.

Tuy nhiên, bất chấp những thất bại mà chiến dịch quân sự của Nga phải gánh chịu, các quan chức Mỹ cho rằng Nga vẫn có khả năng làm suy yếu đáng kể Ukraine, bằng cách thúc đẩy một cuộc xung đột kéo dài sẽ khiến nước này rơi vào khủng hoảng tài chính.

Việc Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen về cơ bản đã làm ngừng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, giáng một đòn mạnh vào nguồn cung cấp lương thực thế giới.

Giữ chân các đồng minh

Nhiều đồng minh châu Âu của Washington có cùng nỗi lo sợ về một cuộc chiến tranh kéo dài. Cho đến nay, Mỹ vẫn duy trì đoàn kết trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác khác. Avril Haines, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, gần đây đã phát biểu trước Quốc hội rằng Tổng thống Nga Putin đang đặt cược vào khả năng sự thống nhất của phương Tây cuối cùng sẽ tan vỡ.

Bà nói: “Ông ấy có lẽ đang tin tưởng vào khả năng quyết tâm của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ suy yếu khi tình trạng thiếu lương thực, lạm phát và giá năng lượng trở nên tồi tệ hơn.

Tuy nhiên, một số rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện khi cuộc chiến Ukraine đã tạo ra những chia rẽ mới ở châu Âu, với các quốc gia như Ba Lan và Anh trong một số trường hợp đang “đi trước” Washington, trong khi Pháp, Italy và Đức tỏ ra thận trọng hơn. Những căng thẳng này đang gây ảnh hưởng lớn nhất đối với câu hỏi: “mô hình giải pháp lãnh thổ nào” có thể giúp kết thúc cuộc chiến.

Ukraine đã đưa ra lời đề nghị rằng giải pháp đó sẽ bao gồm một lệnh ngừng bắn với Nga trước khi giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất. Các quan chức Ukraine đã cân nhắc đến việc tái chiếm Donbass và thậm chí cả Crimea, mà Nga sáp nhập vào năm 2014, trong một cuộc phản công nếu phương Tây cung cấp đủ vũ khí.

Một số chính trị gia ở Ukraine đã phản ứng một cách giận dữ trong tuần qua khi Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, đề nghị Kiev có thể phải từ bỏ lãnh thổ để chấm dứt tình trạng chiến tranh kéo dài.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Ukraine vào tuần trước, Zelensky cho rằng Kiev sẽ hài lòng với hiện trạng trước khi xâm lược. Ông nói: “Tôi coi đó là một chiến thắng cho đất nước của chúng tôi, tính đến ngày hôm nay, chúng tôi không phải chịu tổn thất không đáng có. Thật vậy, chúng tôi vẫn chưa lấy lại được tất cả các lãnh thổ vì mọi thứ không hề đơn giản. Chúng ta phải nhìn vào cái giá phải trả của cuộc chiến này và cái giá phải trả của mỗi lần tái chiếm.

Ngày càng có nhiều nhà ngoại giao và nhà phân tích tranh luận về việc Ukraine sẽ đi bao xa trong lúc cuộc xung đột vẫn đang kéo dài. Các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ hứa hẹn để người dân Ukraine tự quyết định biên giới của họ đã khiến một số đồng minh “đứng ngồi không yên.”

Stefanini, cựu Đại sứ của Italy tại NATO, bày tỏ lo ngại về sự thiếu rõ ràng về các mục tiêu cuối cùng. Ông đặt câu hỏi: “Nó có nghĩa là quay trở lại tình hình trước ngày 24/2? Hay nó có nghĩa là giành lại vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm đóng hồi năm 2014? Hay nó có nghĩa là thay đổi chế độ ở Moskva? Hiện không có gì rõ ràng cả”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục