Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ sau những động thái "hướng Đông"

Trong bối cảnh căng thẳng với Mỹ được đẩy lên cao, Thổ Nhĩ Kỳ dường như có một số động thái "hướng Đông," đặc biệt nhắm tới Trung Quốc, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: timesnownews)

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ được đẩy lên cao khi hai nước liên tiếp tăng thuế trả đũa lẫn nhau, Thổ Nhĩ Kỳ dường như có một số động thái "hướng Đông," đặc biệt nhắm tới Trung Quốc, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn.

Trước đó, ngày 12/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ thành lập một liên minh mới với Trung Quốc, Iran, Nga để đối phó với các sức ép kinh tế từ Mỹ.

Đầu tháng 8 vừa qua, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cam kết sẽ xử lý các mối đe dọa an ninh của Bắc Kinh giống như của chính Ankara và cam kết sẽ không cho phép bất kỳ hành động chống Trung Quốc nào trên lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc Ankara thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh trước hết là nhằm mục đích kinh tế trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Thổ lao dốc.

[Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định các vấn đề với Mỹ sẽ được giải quyết]

Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Kadir Temiz của trường Đại học Istanbul Sehir, khủng hoảng Mỹ-Thổ đã trở thành cơ hội để thúc đẩy quan hệ Trung-Thổ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chỉ giới hạn ở góc độ kinh tế.

Một số nhà phân tích dự đoán Bắc Kinh có thể sẽ đề nghị hỗ trợ tài chính cho Ankara. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ ưu tiên duy trì quan hệ dài hơi với Liên minh châu Âu (EU) và tránh đối đầu toàn diện với phương Tây. Mặc dù có những căng thẳng với một số nước EU, nhưng các công ty Thổ Nhĩ Kỳ luôn cảm thấy an toàn hơn khi làm ăn với châu Âu.

Về quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và điều này hạn chế khả năng Ankara tìm kiếm các đồng minh quân sự mới.

Giới phân tích cho rằng những lời kêu gọi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa thiết lập các đồng minh mới với phương Đông là hành động chính trị thường thấy của Ankara.

Do vậy, khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hội nhập hoàn toàn về an ninh với phương Đông rất khó xảy ra khi thực tế trong suốt 2 thế kỷ qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu ảnh hưởng của phương Tây về cả kinh tế, chính trị và văn hóa.

Theo Phó Giáo sư Berk Esen, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại trường Đại học Bilkent (Thổ Nhĩ Kỳ), Trung Quốc, thậm chí là Nga, khó có khả năng thay thế NATO để trở thành đối tác an ninh với Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, có thể thấy nỗ lực thắt chặt quan hệ với Trung Quốc của Tổng thống Erdogan chủ yếu vì lý do kinh tế hơn là lý do an ninh. Trước mắt, Thổ Nhĩ Kỳ cần vốn đầu tư nước ngoài nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế. Sau Qatar, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có thể cung cấp nguồn tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần các điều kiện tiên quyết.

Về phần mình, Trung Quốc cũng nhận thức được liên minh chặt chẽ về an ninh giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trung Quốc sẽ chưa thể trở thành một đối tác chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ khi mà chính sách kinh tế và an ninh của Ankara vẫn coi trọng quan hệ với EU và NATO.

Là một quốc gia xa cách về mặt địa lý, Trung Quốc đang áp dụng chiến thuật quan sát và chờ đợi để đưa ra một chính sách ngoại giao thận trọng với Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục