Mức sinh thay thế xuống thấp để lại nhiều hệ lụy cho đất nước

Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số…
Khám sức khoẻ cho người cao tuổi tại tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Việt Nam đã xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp, thậm chí thấp nhất trong lịch sử từ trước đến nay vào năm 2023 khi mức sinh ước tính là 1,96 con/phụ nữ và dự báo tiếp tục giảm.

Xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ lan rộng

Theo đánh giá từ Cục Dân số (Bộ Y tế), trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô dân số, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy.

Hậu quả đầu tiên có thể kể đến là thiếu hụt lao động, dân số trong độ tuổi lao động giảm, gây suy giảm kinh tế. Tiếp theo đó là tình trạng già hóa dân số nhanh. Tuổi thọ tăng và tỷ lệ sinh thấp làm tăng tỷ trọng người già, gây mất cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, nguy cơ mất khả năng chi trả.

Mức sinh giảm kéo dài gây ra hệ lụy kế tiếp là sự suy giảm quy mô dân số. Mức sinh thấp kéo dài dẫn tới giảm tự nhiên dân số, lãng phí hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, cơ sở y tế.

Mức sinh thấp còn làm gia tăng di cư, lao động thiếu hụt thúc đẩy nhập cư, kéo theo các vấn đề về an sinh xã hội, trật tự và quốc phòng.

Đáng lưu ý khi mức sinh thấp, kéo theo tình trạng già hóa dân số sẽ tác động xã hội, phát sinh vấn đề về dịch vụ người già, sự khác biệt văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, cạnh tranh việc làm, gây ảnh hưởng đến ổn định xã hội.

Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.

Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Đáng lưu ý, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.

Điều chỉnh chính sách để phù hợp tình hình mới

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác dân số và có sự điều chỉnh chính sách để phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế. Trước xu hướng biến động mức sinh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.

Chính phủ đã ban hành Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc.

Các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung các chính sách đầu tư vào trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 42-NQ/TW xác định “Thực hiện có hiệu quả chính sách dân số và phát triển theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng dân số, tận dụng hiệu quả thời kỳ dân số vàng”, trong đó, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan “Nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, bảo đảm tỉ suất sinh thay thế phù hợp với vùng, miền, đối tượng dân cư và số lượng, chất lượng dân số” trình Quốc hội…

Để tăng mức sinh, UNFPA khuyến cáo Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các chính sách phát triển kinh tế-xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, việc làm, thu nhập. Nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội nhằm giảm tư tưởng ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới, góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Các cơ quan có liên quan tăng cường thực hiện các chính sách về giáo dục, sức khỏe sinh sản và tình dục và tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và trẻ em gái dân tộc thiểu số nói riêng.

Đặc biệt, UNFPA khuyến nghị Việt Nam cũng cần tăng cường thực hiện những chính sách hỗ trợ người di cư bao gồm cả phụ nữ di cư như tạo cơ hội tiếp cận với nhà ở, giáo dục, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em của các bà mẹ di cư...

Trong công tác chăm sóc sức khoẻ, các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung các chính sách đầu tư vào trẻ em gái và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, bao gồm cả trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục