Thời gian gần đây, tại Đồng Nai xảy ra tình trạng một số đối tượng thu mua lợn từ các trang trại, sau đó bơm nước vào nhằm tăng trọng lượng trước khi xuất bán cho các lò mổ.
Việc làm này đã khiến dư luận bất bình, người chăn nuôi chân chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mặt khác nó còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Điều đáng nói, việc bơm nước vào lợn để tăng trọng lượng không phải đến bây giờ mới có, mà việc làm này đã diễn ra từ 2-3 năm nay. Chính quyền địa phương thừa nhận đã kiểm tra, phát hiện, tuy nhiên công tác xử lý lại chưa đủ sức răn đe.
Mới đây, khi dư luận phản ánh việc nhiều cơ sở bơm nước vào lợn để tăng trọng lượng nhằm thu lợi bất chính, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức các tổ liên ngành đi kiểm tra.
Tại một cơ sở tập kết lợn ở khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tổ liên ngành đã bắt quả tang chín người đang bơm nước vào 42 con lợn và nuôi nhốt trên 900 con lợn khác chờ đến lượt bơm nước trước khi xuất bán cho các lò mổ.
Mỗi lần, những người này bơm từ 8-10l nước vào bụng lợn. Sau khi bị bơm nước vào bụng, mỗi cá thể lợn có thể tăng từ 7-8kg.
Hàng ngày, cơ sở này có thể bơm trên dưới 200 con lợn và thu lợi từ 15-20 triệu đồng/ngày. Khi bơm nước vào lợn, những đối tượng này thường dùng nước khoan có độ pH cao. Mục đích dùng nước có pH cao là do chất này dễ thẩm thấu và giữ lâu trong thịt lợn. Đây cũng là tác nhân trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm và quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng.
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, cho rằng mức xử phạt đối với hành vi bơm nước vào lợn là quá nhẹ, trong khi biện pháp xử phạt bổ sung lại chưa được hướng dẫn cụ thể do đó ngành thú y còn lúng túng.
Cụ thể, Nghị định 119 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đối với “hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ,” bị phạt từ 5-6 triệu đồng. Ngoài ra, áp dụng biện pháp khắc phục là “buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi đối với hành vi vi phạm trên.”
Trên thực tế, ông Báu cho rằng đối với những cơ sở vi phạm với số lượng hàng trăm con khi buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm thức ăn chăn nuôi thì ai làm và làm theo quy trình nào.
Trong khi Nghị định này vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể, do đó các ngành như công an và thú y đều lúng túng khi ra quyết định xử phạt.
Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai cho rằng việc bơm nước vào lợn đã diễn ra khá phổ biến trong thời gian gần đây, tuy nhiên công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý còn nhiều hạn chế. Cụ thể, thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai mới chỉ phát hiện ba trường hợp vi phạm bơm nước vào lợn với số lượng phát hiện 50 cá thể.
Theo quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, công tác thanh, kiểm tra đối với những vi phạm này thuộc về chính quyền địa phương.
Trong khi đó, ông Mai Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại cho rằng trách nhiệm quản lý, kiểm soát giết mổ, trước hết phải là trách nhiệm của cơ quan thú y.
Tại buổi làm việc với ngành nông nghiệp Đồng Nai về vấn đề này, ông Hiệp đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai chỉ đạo cơ quan thú y địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với vấn đề bơm nước vào lợn.
Trước việc một số cơ sở bơm nước vào lợn để thu lợi bất chính đã làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, vốn được xem là “thủ phủ” ngành chăn nuôi cả nước với số lượng đàn lợn trên 1,4 triệu con, mới đây Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị ngành nông nghiệp và ủy ban nhân dân các huyện tăng cường kiểm tra, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo pháp luật.
Đối với cơ sở tập kết lợn để bơm nước trước khi xuất bán của ông Vũ Xuân Hải, tại khu phố 7, phường Long Bình vừa bị cơ quan chức năng Đồng Nai bắt quả tang, Ủy ban Nhân dân thành phố Biên Hòa cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính cơ sở này số tiền trên 17 triệu đồng với các lỗi không có giấy đăng ký kinh doanh theo quy định; chăn nuôi lợn không theo quy hoạch; không có bản cam kết bảo vệ môi trường và bơm nước vào lợn trước khi đưa đi giết mổ. Trong đó, riêng hành vi bơm nước vào lợn đã xử phạt 5,5 triệu đồng.
Với mức xử phạt như trên được xem là cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhiều người cho rằng nguồn lợi bất chính mà các đối tượng thực hiện hành vi bơm nước vào lợn có thể thu trên dưới 20 triệu đồng mỗi ngày, mức phạt này là quá thấp so với lợi nhuận họ thu được nên không đủ sức răn đe./.