Mực nước các sông ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục lên nhanh

Do mưa lớn, mực nước các sông tiếp tục lên nhanh, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các công điện phát lệnh báo động 1 trên sông Mã, sông Lèn và sông Bưởi.
Lực lượng chức năng vượt sông mang nhu yếu phẩm vào với đồng bào bản Sa Ná. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Chiều 4/8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho biết hiện mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục lên nhanh.

Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các công điện phát lệnh báo động 1 trên sông Mã, sông Lèn và sông Bưởi.

Lúc 13 giờ, mực nước trên sông Mã tại Hồi Xuân là 59,46m (trên báo động 1 là 0,46m) và sẽ đạt đỉnh là 63,31m vào lúc 16 giờ chiều 4/8.

Mực nước trên sông Lèn đo được tại trạm thủy văn Lèn là 3,53m (thấp hơn mức báo động 1 là 0,47m).

Dự báo mực nước lũ ở hạ lưu các sông vẫn đang tiếp tục lên. Trong 24 giờ tới, mực nước trên sông Mã tại Lý Nhân lên mức 11,2 m, trên mức báo động 2 là 0,2m vào khoảng chiều tối 4/8); tại Giàng lên mức báo động 1 vào đêm 4/8 và rạng sáng 5/8; trên sông Lèn tại Lèn lên mức báo động 1 và còn tiếp tục lên.

Căn cứ vào tình hình mực nước đang dâng cao trên các sông, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các công điện phát lệnh báo động 1 trên sông Mã (tại trạm Lý Nhân, trạm Giàng), trên sông Lèn và sông Bưởi.

[Hình ảnh nhiều bản làng ở Thanh Hóa bị cô lập hoàn toàn do mưa lũ]

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố gồm Cẩm Thủy, Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, thành phố Thanh Hóa, Thành phố Sầm Sơn, Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn triển khai ngay việc tuần tra, canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.

Đồng thời, các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý, bảo đảm an toàn cho công trình đê điều, đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng thông báo cho nhân dân sống vùng ngoại đê biển chủ động sơ tán khi mực nước lên cao; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ đầu, thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Nước sông Mã lên nhanh cộng với lượng nước từ các khe suối, dãy núi đổ xuống khiến nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị thiệt hại.

Cụ thể, quốc lộ 15, 15C, 217, 16 xuất hiện 92 điểm sạt lở, 15 điểm bị ngập. Tỉnh lộ 521D, 519, 519B, 521B, 521C, 530, 530B... có 16 điểm bị sạt lở và 13 điểm bị ngập.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, nên trong đêm 4/8 và ngày 5/8, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông (tổng lượng mưa phổ biến 20-50mm/24 giờ).

Khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ chịu ảnh hưởng kết hợp của đới gió đông nam rìa tây nam áp cao cận nhiệt đới nên có mưa vừa đến mưa to, đêm có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24 giờ, có nơi trên 120mm).

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các huyện miền núi, đặc biệt là các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh; nguy cơ cao ở các huyện Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Lâm (Thạch Thành)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục