Theo dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến góp ý của nhân dân, mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,38%.
Tờ trình của Bộ Nội vụ do Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ký cho thấy mức lương cơ sở hiện nay là 1,49 triệu đồng/tháng, mới đạt 42,39% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2019 (3,515 triệu đồng/tháng) và đạt 40,16% so với mức lương tối thiểu vùng bình quân năm 2020 (3,71 triệu đồng/tháng), dẫn đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.
Tuy điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nhưng để cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 86/2019/QH14, trong đó quy định “thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2020."
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định điều chỉnh mức lương cơ sở là cần thiết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020 (tăng thêm 7,38%).
Đồng thời, dự thảo cũng quy định về kinh phí thực hiện. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2020 tăng thêm so với dự toán năm 2019 được cấp có thẩm quyền giao; một phần nguồn thu được để lại theo chế độ của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2019 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương năm 2019 thực hiện so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2018 so với dự toán năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ giao; 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm 2019 so với dự toán năm 2018; 50% kinh phí ngân sách địa phương giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập; nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2019 chưa sử dụng hết chuyển sang; 10% tiết kiệm chi thường xuyên dự toán năm 2017...
[Tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng: Cơ hội để cải cải cách tiền lương]
Ngân sách Trung ương hỗ trợ nhu cầu điều chỉnh tiền lương tăng thêm cho các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương ngân sách khó khăn sau khi đã cân đối nguồn điều chỉnh tiền lương mà chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực hiện cải cách tiền lương theo chế độ quy định.
Sau khi cân đối nguồn để thực hiện cải cách tiền lương nêu trên, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do trung ương ban hành. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.
Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư để đầu tư các dự án đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật.
Dự toán chi ngân sách nhà nước, chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương theo cơ cấu chi năm 2020 ban hành kèm theo Nghị quyết số 86/2019/QH14 đã bố trí chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế là 61.522,6 tỷ đồng để thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2020./.