Theo NBC News, giới chuyên gia ngày 3/1 đã nhận định rằng các cuộc đàm phán hiếm hoi được Triều Tiên và Hàn Quốc đề xuất có thể xoa dịu căng thẳng hiện nay giữa các nước láng giềng này, nhưng không cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ sớm từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Kim đã phát đi thông điệp chào mừng Năm mới của mình để đề nghị Bình Nhưỡng và Seoul thảo luận về việc cử đoàn vận động viên tham gia tranh tài ở Thế vận hội mùa Đông PyeongChang, sẽ diễn ra vào tháng tới tại Hàn Quốc.
Đáp lại đề nghị này, Hàn Quốc ngày 2/1 đã đề xuất tổ chức đàm phán liên Triều vào ngày 9/1 tại làng đình chiến Panmunjom.
[Triều Tiên-Hàn Quốc chính thức nối lại đường dây liên lạc liên Triều]
Theo các nhà phân tích, cành ôliu Triều Tiên chìa ra cho Hàn Quốc đánh dấu một mốc quan trọng trong nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều.
Tuy nhiên, theo ông Hazel Smith - chuyên gia về Triều Tiên và là giáo sư của Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở London (Anh) cho rằng cuộc thảo luận hiếm hoi như trên sẽ được giới hạn chỉ trong Thế vận hội mùa Đông trong tháng tới.
Các nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng có mục đích khi chọn thời điểm đề xuất đối thoại với Hàn Quốc. Trong 1 năm qua, nước này đã bí mật đạt được những bước tiến vượt bậc trong chương trình vũ khí hạt nhân, bao gồm các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa. Hầu hết các nhà phân tích tin rằng Triều Tiên không muốn tấn công trước, ý thức rằng điều này sẽ dẫn đến sự tàn phá đất nước.
Tuy nhiên, Triều Tiên tin rằng vũ khí hạt nhân có khả năng răn đe Mỹ tìm cách lật đổ chính quyền ông Kim. Đề nghị đàm phán này phù hợp với gợi ý trước đó của các quan chức Bình Nhưỡng về việc sẵn sàng đàm phán với Mỹ và các đồng minh của Washington, nhưng chỉ sau khi phát triển được vũ khí hạt nhân có khả năng tấn công bên trong lãnh thổ Mỹ - điều mà hiện giờ Bình nhưỡng cho rằng là đã làm được.
Giới chuyên gia cho rằng Triều Tiên hạ giọng và đề xuất đàm phán là vì muốn xoa dịu xung đột với Mỹ để được nới lỏng các biện pháp trừng phạt. Bình Nhưỡng cũng đồng thời muốn cải thiện quan hệ với láng giềng Hàn Quốc và tìm cách tăng cường đầu tư kinh tế cho đất nước.
Đồng quan điểm trên, giáo sư nghiên cứu về hai miền Triều Tiên tại Đại học Kookmin của Seoul, ông Andrei Lankov nhận định nhà lãnh đạo Triều Tiên đang hành động thận trọng hơn là sự tự tin.
Ông này cho rằng Triều Tiên muốn đối thoại vì sợ rằng bất cứ tiến bộ nào đạt được trong chương trình vũ khí của nước này sẽ nhận "phản ứng dữ dội" từ ông Trump. Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý với quan điểm rằng các cuộc đàm phán được Triều Tiên đề xuất không phải là bước đi đầu tiên hướng tới việc Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân - mục tiêu hàng đầu của Mỹ./.