Mục đích của Hàn Quốc khi phát triển năng lực quân sự

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ tìm kiếm biện pháp tăng cường năng lực quân sự để đối phó với các mối đe dọa ngày càng phức tạp do Triều Tiên gây ra.
Mục đích của Hàn Quốc khi phát triển năng lực quân sự ảnh 1Phi công kiểm tra máy bay chiến đấu KF-21 do Hàn Quốc chế tạo, chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, tại trụ sở của nhà sản xuất Korea Aerospace Industries Ltd. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Theo tờ Korea Herald (Hàn Quốc), Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đang chú trọng nâng cao năng lực chiến đấu của các lực lượng đặc nhiệm, đẩy mạnh triển khai nhiều cuộc tập trận quy mô lớn, đồng thời sẽ phối hợp với Mỹ thành lập Nhóm công tác chung về phòng thủ tên lửa để đối phó với các mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên.

Ngày 22/7, tại Văn phòng tổng thống Hàn Quốc ở quận Yongsan - trung tâm thủ đô Seoul - Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong-sup đã trực tiếp báo cáo Tổng thống Yoon Suk-yeol về phương hướng tổng quan và định hướng ưu tiên trong chính sách quốc phòng cũng như kế hoạch triển khai các nhiệm vụ quân sự lớn.

Trong trong báo cáo trình lên tổng thống, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ tìm kiếm biện pháp tăng cường năng lực quân sự để đối phó với các mối đe dọa ngày càng phức tạp do Triều Tiên gây ra, nhằm bảo vệ người dân và thiết lập “hòa bình dựa trên sức mạnh,” cụ thể:

Hệ thống phòng thủ tên lửa 3 trục

Nhiệm vụ chính được xác định là hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa 3 trục do Hàn Quốc tự phát triển.

Hệ thống ba trục gồm: phát hiện và ngăn chặn Triều Tiên tấn công hạt nhân bằng cách tấn công phủ đầu - Chuỗi tiêu diệt (Kill Chain); Hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không (KAMD); và trừng phạt và trả đũa trên quy mô lớn (KMPR).

Để đảm bảo khả năng tấn công phủ đầu (Kill Chain), Hàn Quốc sẽ tìm cách đẩy nhanh tiến độ triển khai các vệ tinh do thám quân sự và mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình F-35 từ Mỹ.

[Hàn Quốc sẵn sàng thử nghiệm chiến đấu cơ KF-21 tự sản xuất trong nước]

Quân đội sẽ tăng cường khả năng phát hiện sớm hoạt động triển khai tên lửa trên Bán đảo Triều Tiên và xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp, trước hết là phát triển hệ thống phòng thủ L-SAM, có khả năng đánh chặn tên lửa ở độ cao 40-70 km.

Hàn Quốc vẫn chưa độc lập phát triển một lá chắn phòng thủ hàng đầu như Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.

Trừng phạt và trả đũa quy mô lớn

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho biết sẽ nâng cao năng lực nhằm hiện thực hóa chiến lược “Trừng phạt và trả đũa quy mô lớn” đối với Triều Tiên. Hàn Quốc có kế hoạch tăng số lượng “tên lửa siêu chính xác, hiệu suất cao trên bộ, trên không và trên biển, có khả năng nhắm trúng các mục tiêu trên toàn bán đảo, đồng thời nâng cao hơn nữa khả năng xâm nhập và tấn công của các lực lượng tác chiến đặc biệt.”

Hàn Quốc cũng lên kế hoạch đối phó với các mối đe dọa từ pháo tầm xa của Triều Tiên, vốn được cho là có thể vươn tới thủ đô Seoul.

Bộ Quốc phòng cho biết sẽ cải thiện khả năng phát hiện sớm các cuộc tấn công bằng pháo tầm xa, củng cố lực lượng phản công và phát triển hệ thống đánh chặn loại vũ khí này, nhưng không đưa ra khung thời gian cụ thể.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon Suk-yeol đã cam kết đẩy mạnh việc triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm thấp (tương tự như tên lửa đánh chặn “Iron Dome” của Israel) ở thủ đô Seoul và các khu vực đông dân cư vào năm 2026.

Ngoài ra, quân đội Hàn Quốc sẽ tăng số lượng các trang thiết bị tình báo, giám sát và trinh sát (ISR), đồng thời năng cao năng lực hoạt động của hệ thống ISR để đáp trả ngay lập tức khi đứng trước nguy cơ bị tấn công.

Bộ Quốc phòng cũng cho biết Hàn Quốc đang hướng tới mục tiêu nhanh chóng nâng cấp các năng lực quân sự cốt lõi và khả năng đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, vốn là điều kiện tiên quyết để nhận chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến (OPCON) từ Mỹ.

Ra mắt Nhóm công tác chung Hàn-Mỹ về phòng thủ tên lửa

Bộ Quốc phòng cho biết sẽ tăng cường toàn diện liên minh quân sự Hàn-Mỹ nhằm đối phó với các mối đe dọa tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, Hàn Quốc và Mỹ sẽ thành lập Nhóm công tác phòng thủ tên lửa (CMWG), trực thuộc Ủy ban chiến lược răn đe Hàn-Mỹ (DSC), đồng thời cùng hợp tác nghiên cứu về phòng thủ tên lửa.

Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu phát triển hệ thống triển khai “chiến lược răn đe có điều hướng” của liên minh Hàn-Mỹ và xác lập quy trình triển khai các tài sản chiến lược của Mỹ.

Việc tái kích hoạt Nhóm tư vấn và chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) cấp thứ trưởng cũng được xác định là nhiệm vụ chính nhằm đảm bảo việc duy trì năng lực răn đe mở rộng của Mỹ.

Một mục tiêu chính khác là “phát triển mạnh mẽ liên minh Hàn-Mỹ, mở rộng và làm sâu sắc các khuôn khổ hợp tác quốc phòng” thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm việc nối lại các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn vốn đã bị đình chỉ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên hồi tháng 6/2018.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động huấn luyện thực chiến

Bộ Quốc phòng cho biết sẽ “củng cố một cách căn bản thế trận phòng thủ chung Hàn-Mỹ bằng cách bình thường hóa các cuộc tập trận và huấn luyện chung đã bị hủy, hoãn, cắt giảm hoặc điều chỉnh trong thời gian tương đối dài vừa qua.”

Quân đội Hàn Quốc có kế hoạch nối lại các cuộc diễn tập thực chiến (FTX) với Mỹ từ cấp trung đoàn trở lên, chẳng hạn như hoạt động huấn luyện chung với các nhóm tấn công tàu sân bay Mỹ và tập trận đổ bộ lên tàu sân bay.

Hàn Quốc sẽ “tiến hành nhiều loại hình diễn tập chung trên thực địa” trong khuôn khổ các cuộc tập trận song phương thường niên được tiến hành 2 lần mỗi năm.

Lực lượng lục quân, hải quân và không quân Hàn Quốc dự kiến tổ chức 11 cuộc tập trận FTX và các cuộc tập trận chung khác với Mỹ từ tháng 8-9 năm nay.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết sẽ mở rộng hơn nữa quy mô các cuộc tập trận dã chiến kết hợp từ năm tới.

Lực lượng liên quân Hàn-Mỹ dự kiến sẽ tiến hành tổng cộng 21 FTX trong nửa đầu năm 2023.

Là một phần trong nỗ lực trên, Hàn Quốc và Mỹ đã đổi tên các cuộc tập trận quân sự chung thành Lá chắn tự do (Freedom Shied) nhằm “kế thừa truyền thống của liên minh Hàn-Mỹ và thiết lập lại hệ thống huấn luyện thực binh của liên quân,” theo đó, “lá chắn thể hiện năng lực răn đe mạnh mẽ của liên minh Hàn-Mỹ đối với Triều Tiên và nhấn mạnh tính hợp pháp của các cuộc tập trận quân sự chung là mang tính chất phòng thủ.”

Sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất tại Singapore hồi tháng 6/2018, Hàn Quốc và Mỹ đã từ bỏ tên gọi “Người bảo vệ tự do Ulchi” vốn được sử dụng từ năm 2008 đến 2018.

Các cuộc diễn tập thực binh quy mô lớn như “Người bảo vệ Tự do Ulchi” hàng năm đã bị đình chỉ hoàn toàn theo cam kết của Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh.

Thay vào đó, quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô nhỏ hơn, từ cấp tiểu đoàn trở xuống trong suốt 5 năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục