Mục đích của các bên trong tranh chấp khí đốt giữa Nga và Moldova

Cuộc xung đột khí đốt gần đây với Moskva có thể là "một khoảnh khắc thực tế," thúc đẩy các nhà chức trách Moldova nghiêm túc quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng, xoá bỏ tham nhũng...
Biểu tượng Tập đoàn năng lượng Gazprom tại một trạm xăng ở Moskva (Nga). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tạp chí phân tích chính trị Trung tâm Carnegie Moskva có bài viết cho biết, cuộc xung đột khí đốt gần đây với Nga có thể thúc đẩy chính quyền Moldova quan tâm một cách nghiêm túc vào vấn đề an ninh năng lượng. Moldova cũng có thể có những biện pháp kết nối hệ thống khí đốt của họ với Romania và học tập những kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU) để thâm nhập thị trường khí đốt châu Âu.

Tất cả những mục tiêu này không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn Nga, mà là chuyển giao thương năng lượng từ bình diện địa chính trị sang bình diện thị trường.

Một vòng đối đầu tiếp theo trong cuộc tranh giành khí đốt giữa Nga và Moldova đã đi đến hồi kết. Vào thời khắc cuối cùng, các bên đã ký một hợp đồng mới, và một nghị định thư bổ sung, theo đó, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sẽ cung cấp khí đốt cho Moldova trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, xét tới toàn bộ lịch sử mối quan hệ hai nước trong thời kỳ Hậu Xô Viết, nhiều người không thể tin rằng đây sẽ là cuộc tranh chấp cuối cùng giữa Moskva và Chisinau về nguồn cung năng lượng.

Vai trò của Gazprom trong lĩnh vực khí đốt Moldova

Sự bất đồng về khí đốt gần đây giữa hai nước không làm ai phải ngạc nhiên. Lĩnh vực năng lượng là vấn đề nan giải chính đối với Moldova, chỉ xếp sau tình trạng tham nhũng có hệ thống ở quốc gia này. Hơn nữa, tham nhũng và sự phụ thuộc năng lượng thường đan xen lẫn nhau.

Trong ngành công nghiệp khí đốt của Moldova, Gazprom giữ đồng thời hai vai trò là cung cấp hầu như toàn bộ nhu cầu khí đốt trong nước và phân phối khí đốt cho người tiêu dùng. Nga là cổ đông chính của Công ty năng lượng Modovagaz (với 51% cổ phần), công ty đang nhập khẩu và phân phối khí đốt ở Moldova. Ngoài ra, Gazprom trên thực tế còn quản lý 13,4% cổ phần của Moldovagaz, công ty năng lượng tại Transnistria - vùng lãnh thổ ly khai khỏi Moldova.

Như vậy, Gazprom gián tiếp kiểm soát một phần đáng kể mạng lưới phân phối của Moldova. Theo luật Moldova, công ty năng lượng Moldovagaz có nghĩa vụ cung cấp cho các nhà cung cấp khác quyền được tiếp cận đường ống khí đốt của mình, nhưng trên thực tế, điều này chưa được thực hiện.

Moldova cũng phụ thuộc vào Nga về nguồn cung cấp điện. Công ty Inter RAO sỡ hữu nhà máy điện lớn nhất Moldova nằm ở Kuchurgan. Nhà máy này cung cấp tới 70% lượng điện tiêu thụ ở bờ phía bên phải (hữu ngạn) của Moldova, nhưng lại nằm ở vùng Transnistria, nên dễ khiến cho Moldova bị mất điện.

Sự phụ thuộc về khí đốt và điện năng liên quan mật thiết với nhau. Nhà máy điện ở Kuchurgan có thể chạy bằng than, nhiên liệu dầu và khí đốt, nhưng Công ty Inter RAO thích sử dụng khí đốt của Nga, bởi khí đốt Nga cung cấp cho Transnistria có giá thành thấp hơn so với phía bờ phải của Moldova.

Khí đốt giá rẻ sẽ mang tới điện giá rẻ không chỉ cho người tiêu dùng ở Transnistria, mà còn cả hoạt động khai thác tiền điện tử đang phát triển rất mạnh ở đó. Điều này đã buộc Moldovagaz phải mua nhiều khí đốt hơn của Gazprom, từ đó làm gia tăng các khoản nợ. Bởi vì mặc dù chính quyền Transnistris đã thu tiền thanh toán khí đốt từ người tiêu dùng địa phương, nhưng lại không nộp lại cho Chisinau kể từ năm 2006. Hiện nay, khoản nợ của Moldovagaz đối với khí đốt tiêu thụ ở Transnistria đã vượt hơn 7 tỷ USD.

Trong những thập kỷ gần đây, Moldova ít có nỗ lực để cắt đứt được nút thắt liên quan đến vấn đề này. Các hành động của Moldova không nhất quán và không hiệu quả do quản lý kém và tham nhũng ở các cấp.

Ví dụ, sau khi nhà tài phiệt Vladimir Plahotniuc rời khỏi Moldova vào năm 2019 (trước thời điểm này, ông ta kiểm soát một cách không chính thức liên minh cầm quyền), giới truyền thông đã tiết lộ toàn bộ mạng lưới trung gian liên kết với các công ty nước ngoài của ông ta và việc tham gia vào hoạt động thương mại điện năng với Transnistria. Và đây cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Tranh chấp về giá năng lượng

Sự phụ thuộc về điện năng này mang đến cho Moskva một đòn bẩy mạnh mẽ để gây áp lực lên Chisinau, vốn đã được Moskva sử dụng nhiều hơn 1 lần, nhất là vào mùa Đông. Các cuộc đàm phán về khí đốt cũng chính là vấn đề kinh tế thuần túy, nhưng trên thực tế luôn có nền tảng chính trị. Theo đó, tranh chấp gần đây giữa Moldova và Nga cũng không phải ngoại lệ, chỉ là một khía cạnh khác trong cuộc tranh chấp năng lượng kéo dài giữa hai nước.

Vào năm 2020, hợp đồng khí đốt giữa công ty năng lượng Moldovagaz và tập đoàn năng lượng Nga Gazprom được gia hạn đến cuối tháng Chín năm nay. Ngay trong mùa Hè này, các cuộc đàm phán cho lần gia hạn tiếp theo đã được bắt đầu, và kéo dài cả trong tháng Chín. Moldovagaz không thông báo về bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào, mà ngược lại, người đứng đầu công ty này nói rằng một thỏa thuận mới sắp được ký kết, theo đó, Moldova sẽ trả 240 USD/1.000 m3 trong quý 4/2021.

Chưa đầy hai ngày trước khi hết hạn hợp đồng, Gazprom đã vào cuộc. Cổ đông này thông báo rằng sẵn sàng kéo dài hợp đồng thêm 1 tháng, để có thời gian tiến hành các cuộc đàm phán về các điều khoản cơ bản, nhưng yêu cầu mức giá khí đốt ngang với mức ở các sàn giao dịch châu Âu là 790 USD. Nói cách khác, Gazprom đã bất ngờ và đơn phương thay đổi công thức tính giá cho Moldova.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Moldova-Romania tại Zagarancea, huyện Ungheni (Moldova). (Ảnh: EPA/TTXVN)

Cách đây không lâu, chính Moldovagaz đã khẳng định cố định giá ngang bằng mức ở các sàn giao dịch châu Âu và thậm chí đã thống nhất đưa vào hợp đồng năm 2020 sau các cuộc đàm phán kéo dài. Nhưng điều này chỉ diễn ra vào các tháng ấm áp (từ tháng Tư đến tháng Chín), khi khí đốt ở châu Âu thường có giá rẻ hơn.

Có nghĩa là, bằng cách đề xuất chuyển sang biểu giá ở các sàn giao dịch châu Âu, Gazprom đã hành xử khá bất ngờ với khách hàng và công ty con của chính họ, vốn đã hợp tác trong nhiều thập kỷ. Ít nhất cũng có thể cảnh báo trước cho Moldovagaz về việc tăng giá và tiến hành các cuộc đàm phán.

Chiến thuật “gây sốc và kinh ngạc” này đã củng cố đáng kể quan điểm trong thương lượng của Gazprom. Moldova đã mất cảnh giác và đã đồng ý trả giá ngang mức ở các sàn giao dịch vào tháng 10 trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.

Gazprom đã theo đuổi ít nhất ba mục tiêu. Thứ nhất, chuyển đổi khoản nợ của Moldovagaz (gần 709 triệu USD, mặc dù Chisinau đang tranh chấp số tiền này) cho lượng khí đốt tiêu thụ ở bờ phải của Moldova, trở thành khoản nợ của quốc gia và phải trả trong vòng 3 năm.

Thứ hai, duy trì vị thế là nhà cung cấp khí đốt chính cho Moldova và áp đặt giá khí đốt trong hợp đồng mới theo giá ở các sàn giao dịch trong suốt cả năm. Và cuối cùng, mục tiêu thứ ba là trì hoãn việc áp dụng vào Moldova Gói năng lượng thứ ba của EU, qua đó, duy trì tính độc quyền của mình trong cung cấp và phân phối khí đốt.

[Gazprom bắt đầu cung cấp khí đốt cho Moldova theo hợp đồng mới]

Ngoài ra, lãnh đạo Nga còn có thêm hai nhiệm vụ không liên quan đến lĩnh vực khí đốt. Qua phân tích cả dữ liệu mở và thông tin nội bộ, rõ ràng là các nhiệm vụ này liên quan đến quan hệ thương mại giữa Moldova và EU và việc giải quyết cuộc xung đột Transnistria.

Trên thực tế, phía Nga muốn quan hệ thương mại giữa Moldova và EU, vốn được điều chỉnh bằng thỏa thuận về Khu vực thương mại tự do rộng mở và toàn diện, được thảo luận theo hình thức ba bên EU-Nga-Moldova.

Trước đây, cựu Tổng thống Moldova Igor Dodon đã đưa ra đề xuất như vậy tại các cuộc họp với các đại diện EU (như chính họ đã nói với tác giả của bài báo này). Hiện nay có vẻ như ý tưởng này không chỉ là sáng kiến của ông ta. Người châu Âu cho rằng mỗi lần họ từ chối lời đề nghị một cách lịch sự, đổi lại họ muốn làm trung gian hoà giải để khôi phục mối quan hệ thương mại bình thường giữa Moldova và Nga.

Theo các nguồn tin trong chính phủ Moldova, Nga cũng đã nỗ lực giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột Transnistria mà không cần đến sự tham gia của các bên trung gian quốc tế khác. Với tình hình khí đốt ở Moldova vào tháng 10, rõ ràng, là điều kiện để tổ chức một cuộc “dàn xếp” cho vấn đề này.

Khó có thể tưởng tượng được rằng một vấn đề phức tạp như vậy, vốn ảnh hưởng tới khoảng 3 triệu người và hoạt động của một nhà nước thống nhất, lại có thể giải quyết chỉ trong vài tháng hoặc thậm chí là một năm.

Các quan chức Moldova tiết lộ rằng các điều khoản phi tài chính cũng đã được đưa ra trong quá trình đàm phán về hợp đồng khí đốt mới nhưng họ không nêu rõ chi tiết.

Áp lực gia tăng khi Gazprom chỉ cung cấp cho Moldova 67% khối lượng khí đốt cần thiết trong tháng 10, buộc nước này phải cắt giảm tiêu thụ. Gazprom giải thích điều này là do họ không có đủ thời gian để đăng ký trước công suất của đường ống của Ukraine để cung cấp khí đốt theo hợp đồng.

Trong vài ngày, Moldova có thể bù đắp khoản thiếu hụt này bằng lượng khí đốt kỹ thuật, được sử dụng để duy trì áp suất trong các đường ống dẫn khí. Nhưng rõ ràng điều này có thể sớm khiến nước này bị tước đi cơ hội bơm khí đốt “thật” từ Nga.

Chisinau chỉ có chưa đầy 1 tháng để đưa ra lựa chọn: Đồng ý với các điều khoản của Nga hoặc tìm kiếm nguồn khí đốt thay thế. Moldova đã từ chối các điều kiện chính trị liên quan đến thương mại với EU và xung đột ở Transnistria. Ngoài ra, nước này cũng từ chối chuyển đổi khoản nợ khí đốt thành nợ chính phủ, và yêu cầu được kiểm toán.

Sự lựa chọn của Moldova

Để có thêm thời gian và củng cố vị thế của mình trong đàm phán, Chisinau bắt đầu đàm phán tích cực với các quốc gia và tổ chức của EU, các quốc gia thành viên Đối tác phương Đông, với Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Song song với đó, nhà chức trách Moldova đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở trong nước để có thể hành động nhanh hơn và ít rào cản hơn.

Trong bối cảnh hệ thống khí đốt có nguy cơ ngừng hoạt động, ngoại giao kinh tế cuối cùng đã có kết quả: Romania (thông qua đường ống dẫn khí đốt Iasi-Ungheni) và Ukraine đã cung cấp đủ khí đốt “thật” và khí đốt kỹ thuật để duy trì hoạt động. Sau cuộc khủng hoảng vào năm 2006 và 2009, đây đã là lần thứ ba Ukraine viện trợ cho Moldova, không chỉ trong lĩnh vực khí đốt.

Một trạm bơm khí đốt của giếng dầu khí Bovanenkovo ở Bán đảo Yamal, cực Bắc thuộc Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi nhà máy điện Kuchurgan thông báo cắt giảm sản lượng điện, Ukraine đã tăng cung cấp cho Moldova, mặc dù không có thỏa thuận về nguồn cung bổ sung.

Tuy nhiên, khả năng Romania và Ukraine cũng có giới hạn. Đường ống dẫn khí đốt Iasi-Ungheni vẫn chưa hoạt động với toàn bộ công suất, trong khi Romania không có trữ lượng khí đốt đáng kể. Ukraine cũng phải tự lo cho an ninh năng lượng của mình trong bối cảnh thị trường khí đốt có nhiều biến động. Moldova sẽ phải tìm ra giải pháp bổ sung càng nhanh càng tốt.

Đầu tiên, Ba Lan đồng ý cung cấp khí đốt bổ sung. Sau đó, EU đã hỗ trợ chuyên gia và trợ cấp 60 triệu Euro để bù đắp việc tăng giá cho người tiêu dùng Moldova. Trong vài ngày, Chisinau đã xoay sở để chuẩn bị các tài liệu cần thiết và tổ chức cuộc đấu thầu đầu tiên để mua khí đốt trên thị trường châu Âu. Sau đó, một số vụ mua bán khác đã được thực hiện.

Công ty PGNiG của Ba Lan đã chiến thắng trong vụ đấu thầu đầu tiên. Lần đấu thầu thứ 5 để mua 12 triệu m3 là vụ đấu thầu lớn nhất. Khí đốt phải được mua với giá tại các sàn giao dịch quốc tế, nhưng điều này giúp Moldova chứng tỏ với Moskva rằng, mặc dù muốn ký hợp đồng mới, nhưng nước này vẫn sở hữu lượng dự trữ khí đốt và có thể mua thêm trên thị trường nếu các cuộc đàm phán tiếp tục kéo dài.

Liên minh châu Âu cũng đã tăng cường các cuộc tiếp xúc cấp cao với Moskva để thúc đẩy các cuộc đàm phán theo hướng mang tính xây dựng hơn. Vấn đề khí đốt được truyền thông thế giới chú ý, các bài viết về chủ đề này gần như xuất hiện hàng ngày.

Tất cả những điều này đã ngăn cản chiến thuật “gây sốc và kinh ngạc” của Nga và ở một mức độ nhất định đã cân bằng lại lập trường của các bên. Rõ ràng, cuộc đối đầu sẽ kéo dài hơn Moskva dự kiến.

Hiện rất khó để nói chính xác tại sao Moskva quyết định rút lui. Có lẽ Nga cảm thấy có quá nhiều áp lực có thẻ khiến Moldova từ chối hoàn toàn khí đốt của Nga, và như vậy Moskva sẽ mất đi một đòn bẩy quan trọng. Do đó, phía Nga đã chọn cách ký kết một hợp đồng mới với những điều kiện không thể lý tưởng hơn để giữ chân Moldova và cân nhắc sử dụng tốt nhất những lợi thế hiện có trong thời gian tới.

Nga đã có được hợp đồng mới kéo dài 5 năm. Lần cuối cùng một thỏa thuận 5 năm với Moldova được ký kết vào năm 2006. Sau đó, các hợp đồng được gia hạn thêm một hoặc ba năm, và điều này giúp Chisinau có thêm cơ hội để mặc cả với Nga.

Gazprom cũng có thể áp đặt giá khí đốt ngang mức ở các sàn giao dịch quốc tế không chỉ cho các tháng ấm áp từ tháng Tư đến tháng Chín mà cho cả mùa nóng (từ tháng 10 đến tháng Ba).

Tuy nhiên, tỷ lệ giá (70% liên quan đến dầu và 30% theo mức giá của các sàn giao dịch quốc tế trong mùa nóng và ngược lại trong những tháng ấm áp) là có lợi hơn cho Moldova. Công thức tính giá này đã làm giảm giá khí đốt từ gần 800 USD/1.000 m3 vào tháng 10 xuống còn khoảng 450 USD vào tháng 11.

Moldova đã xoay sở để phản đối các yêu cầu chuyển khoản nợ khí đốt của mình thành nợ chính phủ, và Gazprom đã đồng ý kiểm toán độc lập và gia hạn thời gian trả nợ cho Moldovagaz từ 3 năm lên 5 năm.

Về phần mình, Chisinau cam kết sẽ không tái cơ cấu Moldovagaz cho đến khi các bên đi đến thống nhất về số nợ chính xác (các cuộc kiểm toán sẽ được triển khai vào năm 2022). Moldova sẽ phải hoãn thực hiện một số điều khoản của Gói năng lượng thứ 3 của EU trong 1 năm và thậm chí nhiều hơn. Đối với Gazprom, đây là một chiến thắng.

Ngoài ra, một thỏa thuận song phương về hợp tác năng lượng được các bên cam kết phát triển và ký kết vào năm tới, có thể hạn chế hơn nữa quyền tự do hành động của Moldova. Và nếu Moskva và Chisinau không thể thống nhất về quy mô và việc thanh toán các khoản nợ trong năm 2022 thì thỏa thuận khí đốt có thể bị sụp đổ, gây ra một cuộc khủng hoảng khí đốt khác.

Quan trọng hơn, về mặt chiến lược, Moldova đã cố gắng duy trì chủ quyền của mình, chống lại các nỗ lực áp đặt các điều kiện chính trị lên nước này liên quan xung đột Transnistria và quan hệ thương mại với EU.

Rõ ràng, Moskva không hoàn toàn nhận thức được rằng đối với lãnh đạo Moldova, việc cho phép Nga tác động tới quan hệ thương mại của mình với EU (nơi 67% hàng xuất khẩu của Moldova) hoặc giải quyết cuộc xung đột Transnistria mà không có sự thâm vấn phù hợp trong xã hội Moldova sẽ là hành động tự sát chính trị.

Bất cứ hành động bất cẩn nào của Chisinau trong các vấn đề này đều sẽ phải hứng chịu các cuộc biểu tình và phẫn nộ của quần chúng, điều mà chúng ta đã thấy hơn 1 lần trong quá khứ. Nếu Moskva hiểu điều này và chỉ đơn giản là kiểm tra giới hạn của các vấn đề nêu trên thì kết quả hoá ra không đạt như mong đợi.

Nga đánh giá quá cao khả năng gây áp lực trong vấn đề năng lượng lên Moldova. Nhưng điều này đã không xảy ra vì Chisinau đã tích cực tham gia vào đa dạng hoá nhập khẩu hoặc xây dựng một hệ thống quản lý công hiệu quả.

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Tập đoàn dầu khí Gazprom thuộc Nga. (Ảnh: ITAR-TASS/TTXVN)

Moskva chỉ đơn giản là không tính đến việc thị trường năng lượng đã thay đổi kể từ cuộc chiến khí đốt Nga-Ukraine giai đoạn 2008-2009, vốn đã thúc đẩy tự do hoá thị trường khí đốt châu Âu và xây dựng các đường ống thông nhau, tạo điều kiện cho việc mở rộng các nguồn cung xuyên biên giới. Do đó, ở một khía cạnh nào đó, Nga đã vô tình góp phần để Moldova có thể lấy được khí đốt từ các nguồn thay thế trong cuộc đối đầu vào tháng 10 vừa qua.

Moskva vẫn sở hữu những công cụ năng lượng có tầm ảnh hưởng lớn đối với Moldova, nhưng vị thế của nó đã bị suy yếu đáng kể so với 10 hoặc 20 năm trước. Những thành công của Nga trong năm 2021 có thể cũng kỳ lạ như năm 2009.

Cuộc xung đột khí đốt gần đây với Moskva có thể là một khoảnh khắc thực tế, thúc đẩy các nhà chức trách Moldova nghiêm túc quan tâm đến vấn đề an ninh năng lượng, xoá bỏ tham nhũng, đề xuất các dự án tiết kiệm năng lượng, kết nối hệ thống điện và khí đốt của họ với Romania, tận dụng kinh nghiệm của EU để thâm nhập thị trường khí đốt châu Âu và tăng cường hợp tác với Ukraine.

Tất cả những nhiệm vụ này không có nghĩa là bỏ qua Nga. Thay vào đó, họ nên chuyển từ thương mại năng lượng bị ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị sang phương diện thị trường. Điều này có nghĩa là trong trung hạn, cuộc khủng hoảng năm 2021 có thể dẫn đến những kết quả trái ngược với những gì mà Moskva đang nỗ lực tìm kiếm.

Tuy nhiên, Moldova chưa chắc đã thành công trong nỗ lực cải cách ngành năng lượng của mình. Chisinau cũng có thể bỏ các tín hiệu cảnh báo, như đã từng nhiều lần trước đây, và tiếp tục bước vào các cuộc xung đột năng lượng trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục