Mục đích cơ cấu kinh tế mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố chương trình “Cơ cấu kinh tế mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được Tổng thống Joe Biden công bố sẽ đánh dấu sự trở lại châu Á của Mỹ.
Mục đích cơ cấu kinh tế mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com/ Sputnik, nổi lên trong các thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế mới do Bloomberg tổ chức tại Singapore là tương lai của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sự trở lại của Mỹ trong khu vực cũng như nhân tố Trung Quốc.

Chia sẻ tại sự kiện, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố chương trình “Cơ cấu kinh tế mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” được Tổng thống Joe Biden công bố sẽ đánh dấu sự trở lại châu Á của Mỹ sau nhiều năm vắng mặt.

Bà Raymondo, đang có chuyến công du châu Á, với các điểm dừng chân gồm Nhật Bản, Singapore và Malaysia, cho rằng kết quả quá trình đàm phán lâu dài với các đối tác và đồng minh Mỹ tại châu Á cần trở thành thỏa thuận chính thức về hợp tác trong khuôn khổ chương trình “Cơ cấu kinh tế mới.”

Điều này có tiềm năng đem đến cho Mỹ và các đồng minh, đối tác tại châu Á “nhiều lợi ích” hơn các thỏa thuận truyền thống về khu vực thương mại tự do, kể cả CPTPP. Bà nói thêm: “Trong chuyến đi, chúng tôi thường phải nghe lời kêu gọi từ các nước thành viên CPTPP rằng ‘Mỹ, chúng tôi muốn các bạn quay trở lại’... Vì nhiều lý do, điều này chưa xảy ra ngay bây giờ, song Tổng thống Biden đã nói khá rõ ràng rằng nước Mỹ trở lại, Mỹ đã trở lại với đồng minh của mình và trở về khu vực này.”

Cái khó của Mỹ

Bình luận trong chương trình This Week in Asia, nhà dự báo chính trị Ian Bremmer cho rằng dù có hay không sự tham gia của Mỹ, xét về khách quan, CPTPP vẫn là một hiệp định “tốt.”

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 18/11 cho biết các thành viên CPTPP sẽ hoan nghênh bất kỳ nền kinh tế nào muốn gia nhập và có thể đáp ứng “các tiêu chuẩn rất cao” của hiệp định.

[Mỹ triển khai hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương từ năm 2022]

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định việc phê chuẩn thành viên mới cần có sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Ngoại trưởng Balakrishnan cho biết với vai trò Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2022, Singapore sẽ xúc tiến các cuộc thảo luận về việc kết nạp thành viên mới.

Đáp lại câu hỏi của Tổng biên tập Bloomberg News John Micklethwait về phản ứng của Mỹ trước việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP, Bộ trưởng Raimondo cho rằng nếu các thành viên hiện tại của CPTPP đồng ý chấp nhận Trung Quốc thì sẽ không có gì đáng nói.

Bà nhấn mạnh rằng Mỹ với tư cách một quốc gia với tiềm lực thương mại, các giá trị và ảnh hưởng về chính trị và kinh tế, cũng như nhiều năm kinh nghiệm và hợp tác ở châu Á, sẽ “biết cách làm thế nào,” còn Trung Quốc sẽ “làm những điều phải làm.”

Chia sẻ bên lề hội thảo của Bloomberg, Bremmer bình luận: “Nếu Trung Quốc, bằng cách thể hiện mong muốn gia nhập, chuẩn bị nghiêm túc cho mục tiêu này và (tiến hành) thêm các cải cách, nền kinh tế của họ sẽ cởi mở và minh bạch hơn - đó cũng là một điều tích cực.”

Trong khi đó, nhà sáng lập hãng tư vấn chính trị Eurasia Group đã dành những lời lẽ gay gắt về lập trường của Mỹ đối với thương mại đa phương. Bremmer cho rằng việc thiếu rõ ràng về các đề xuất đã phản ánh những khó khăn mà chính quyền Biden vấp phải trong việc thể hiện rõ quan điểm về thương mại đa phương.

Ông nói: “Mỹ không có chiến lược thương mại đa phương ở thời điểm hiện tại, không phải vì họ không muốn… Đó là bởi tình hình chính trị trong nước khiến mọi chuyện trở nên thách thức hơn…”

Khi được hỏi liệu những tiêu cực xung quanh các hiệp định thương mại đa phương có thể chuyển biến trong tương lai gần hay không, Bremmer cho rằng đây không phải là ưu tiên của chính quyền Joe Biden. Ông nói: “Không thể xảy ra. Tôi đã nói chuyện với tất cả những người có liên quan. Hồ sơ này không có trong chương trình nghị sự.”

Cơ cấu kinh tế mới

Trong khi đó, đề cập đến các chuyến thăm gần đây tới Singapore của Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lloyd Austin, cũng như chuyến công du đang diễn ra, Raimondo tuyên bố rằng Mỹ “rất nghiêm túc về việc nối lại hợp tác kinh tế với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Liệt kê các thành phần của “Cơ cấu kinh tế mới,” Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết việc thực hiện chương trình này khác so với các hiệp định thương mại tự do truyền thống: “Ví dụ, chúng ta có thể nói về hợp tác trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, hợp tác trong đảm bảo sự bền vững và an toàn của chuỗi cung ứng của chúng tôi. Australia có những khoáng chất quan trọng mà tất cả chúng ta cần. Các bên có thể nói cụ thể và để một mức độ nào đó, linh hoạt hơn về quan hệ đối tác.”

Theo bà Raimondo, khác biệt thứ hai là khả năng thích ứng và đồng bộ trong thương mại kỹ thuật số, tiêu chuẩn công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo: “Các tiêu chuẩn công nghệ như vậy không được đưa vào trong các hiệp định thương mại tự do truyền thống. Nhưng điều này là rất quan trọng: Ai sẽ viết các quy tắc để áp dụng các công nghệ mới? Chúng tôi muốn viết các quy tắc như vậy cùng với các đồng minh trong khu vực này. Đồng minh là những người cùng chí hướng”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục