Mùa Xuân trên ngôi làng di sản Trường Lưu có tuổi đời 600 năm

Những ngày đầu Xuân, thăm làng cổ Trường Lưu, các giá trị truyền thống cha ông để lại nơi đây vẫn luôn được con cháu gìn giữ, trao truyền, trở thành hồn cốt của mỗi người dân nơi làng cổ.

Sắc Xuân bên ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm ở thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)
Sắc Xuân bên ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm ở thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Trường Lưu (nay thuộc xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) từ lâu được biết đến là ngôi làng cổ có tuổi đời hơn 600 năm - nơi đến nay còn lưu giữ được hệ thống di sản đặc sắc mang tầm quốc gia, thế giới, nổi bật là hát ví phường vải và 3 Di sản Tư liệu được UNESCO vinh danh.

Những ngày đầu Xuân, thăm làng cổ Trường Lưu, các giá trị truyền thống cha ông để lại nơi đây vẫn luôn được con cháu gìn giữ, trao truyền, trở thành hồn cốt, bản sắc văn hóa, tâm linh của mỗi người dân nơi làng cổ.

Ngôi làng cổ với hệ thống di sản đặc sắc

Làng Trường Lưu bao gồm 4 thôn: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn và Tân Tiến của xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.

Làng có diện tích 362,4ha; 574 hộ với 1.644 nhân khẩu, thuộc 23 chi họ Nguyễn Huy và 14 họ khác như Nguyễn Xuân, Trần Huy, Nguyễn Thanh, Trần Văn...

Làng Trường Lưu là ngôi làng di sản nổi tiếng của xứ Nghệ, đã sinh ra nhiều bậc danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ...

Giữa thế kỷ 18, làng Trường Lưu là trung tâm văn hóa lớn ở Việt Nam với Trường học Phúc Giang có hàng nghìn người theo học, có “Trường Lưu bát cảnh” và hát ví phường vải... là nơi giao lưu văn hóa trong và ngoài nước. Vì vậy, Trường Lưu được coi là cái nôi, là nơi lưu giữ nhiều di sản vật thể, phi vật thể đặc sắc, phong phú và có giá trị.

Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay tại Trường Lưu vẫn còn lưu giữ nhiều di sản vật thể, với hệ thống 37 nhà thờ các dòng họ, 10 ngôi nhà cổ, đều đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa các cấp.

Đặc biệt, Trường Lưu có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, đó là đền thờ các danh nhân Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), Nguyễn Huy Cự (1717-1775), Nguyễn Huy Tự (1743-1790) và Nguyễn Huy Hổ (1783-1841).

Trường Lưu còn nổi tiếng thế giới với 3 di sản tư liệu: Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, hệ thống Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu.

Các di sản này đã được Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) công nhận là Di sản Tư liệu Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cùng với hệ thống di sản vật thể, tại làng Trường Lưu đến nay vẫn còn lưu giữ hệ thống di sản phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị văn hóa, tiêu biểu là hát ví phường vải (thuộc dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).

Trường Lưu còn là cái nôi của Hồng Sơn văn phái, có ảnh hưởng lớn đến Đại thi hào Nguyễn Du và tác phẩm "Truyện Kiều."

Xuân mới ở làng di sản

Mùa Xuân, về xã Kim Song Trường, đi trên những con đường mới, xa xa là những ngôi nhà tái định cư khang trang của các hộ dân vừa nhường đất cho dự án cao tốc Bắc-Nam, bên cạnh gìn giữ di sản, vùng đất này cũng đang đổi mới từng ngày.

Trong hành trình phát triển, Đảng bộ và nhân dân xã Kim Song Trường luôn xác định cùng với kinh tế, truyền thống văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực thúc đẩy sự phát triển của quê hương.

Gia đình bà Trần Thị Minh, 60 tuổi ở thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường, đang trông coi ngôi nhà cổ Nguyễn Huy Thản, được xây dựng cách đây hàng trăm năm.

Ngôi nhà cổ 5 gian nằm trong khuôn viên vườn hoa cụ Thám - một trong “bát cảnh” Trường Lưu, là nơi từng chứng kiến các cuộc đàm đạo thơ văn, thế sự của các nhà khoa bảng, các tác gia văn học của dòng họ Nguyễn Huy-Trường Lưu với các nhà văn, nhà thơ, các chính khách vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Hiện nay, ngôi nhà cổ vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, bao gồm các công trình: vườn cây lưu niên, giếng nước, bể cạn, sân.

Bà Trần Thị Minh cho biết đều đặn sáng và chiều mỗi ngày, bà đều quét dọn sạch sẽ khuôn viên ngôi nhà cổ.

Việc bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà, ngoài giá trị để con cháu trong dòng họ biết được truyền thống tổ tiên, đây cũng là nơi đón các đoàn đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống, phong tục tập quán, lối sinh hoạt của các danh nhân xưa.

Phát huy những giá trị của miền quê văn hóa Trường Lưu, người dân xã Kim Song Trường ngày nay đang hăng say học tập, lao động, bảo tồn và phát huy những giá trị của cha ông.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Song Trường Nguyễn Anh Tuấn cho biết trong 2 năm 2022-2023, xã đầu tư nguồn kinh phí hơn 20 tỷ đồng để xây mới các phòng học kiên cố, chỉnh trang khuôn viên, đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại. Kim Song Trường cũng là một trong những địa phương đi đầu về công tác dồn điền đổi thửa của huyện Can Lộc.

ttxvn_1302_truong luu (2).jpg

Tại Trường Tiểu học Phan Kính (trên địa bàn xã Kim Song Trường), hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương rất được nhà trường quan tâm, chú trọng.

Hằng tháng, nhà trường đều tổ chức cho học sinh các khối lớp 4, 5 đến tham quan, tìm hiểu các di sản của địa phương và thăm, dọn dẹp tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Làng Trường Lưu.

Cô Trần Thị Thu Hiền, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Kính, cho biết bên cạnh các hoạt động tìm hiểu về lịch sử văn hóa địa phương, việc đưa dân ca ví giặm vào giảng dạy cũng rất được nhà trường chú trọng.

Đến nay, câu lạc bộ dân ca ví giặm của trường có 34 học sinh của 2 điểm trường tham gia sinh hoạt đều đặn, lan tỏa được niềm đam mê, yêu thích những làn điệu dân ca của quê hương.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đồng ý cho Ủy ban Nhân dân huyện Can Lộc phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan, tiến hành khảo sát, lập quy hoạch phân khu xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu tại xã Kim Song Trường, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể gắn liền với phát triển du lịch của địa phương.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử với sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian, di sản đồ sộ của dòng họ Nguyễn Huy và làng cổ Trường Lưu vẫn luôn được thế hệ con cháu, chính quyền và nhân dân nơi đây giữ gìn bằng tất cả tấm lòng tự hào, tôn kính, để mỗi mùa Xuân, Trường Lưu lại là nơi chốn tìm về của mạch nguồn ký ức và những giá trị truyền thống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục