Mùa Xuân nơi đầu sóng: Vượt sóng dữ đến đảo Đá Lát

Khuất sau những con sóng đang gầm gào và làn mưa như roi quất vào da thịt, ánh đèn trên ngọn hải đăng đảo Đá Lát vẫn vững vàng và kiên định hiện ra giữa trời giông bão.
Mùa Xuân nơi đầu sóng: Vượt sóng dữ đến đảo Đá Lát ảnh 1Tàu rẽ sóng vượt biển đến Nhà giàn chúc Tết các chiến sỹ. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Đảo Đá Lát nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa là đảo chìm, cách đảo Trường Sa Lớn khoảng 14 hải lý về phía Tây.

Đảo Đá Lát có hình dáng giống chiếc khoẳm trâu, nằm theo hướng Đông Bắc-Tây Nam, dài khoảng 5,5km, rộng khoảng 1,8km, diện tích khoảng 90.000m2.

Mỗi khi thủy triều lên xuống đảo cao thấp khác nhau, song độ cao trung bình của đảo là 0,4m.

Đá Lát là đảo san hô khép kín, phía trong là “hồ nước,” khi thủy triều lớn toàn đảo bị ngập nước, thủy triều xuống thấp các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước.

Trên bãi cạn của đảo có 4 xác tàu đắm, từ xa mắt thường đã có thể nhìn thấy được. Thời tiết trên đảo Đá Lát cơ bản chỉ có mùa khô và mùa mưa.

Mùa khô từ tháng Hai đến tháng Tư, mùa mưa từ tháng Năm đến tháng Một năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 đến 30 độ C, thấp nhất 15 độ, cao nhất có lúc trên 36 độ C. Độ ẩm trung bình hằng năm từ 76 đến 80%, cao nhất lên đến 97%. Độ ẩm cao mang theo nhiều hơi sương muối làm cơ sở vật chất, khí tài nhanh xuống cấp và lương thực, thực phẩm dễ hư hỏng.

Đảo chìm giữa dông bão

Vùng biển đảo Đá Lát mỗi năm có tới hơn 130 ngày gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Gió Đông Bắc thổi từ tháng 11 đến tháng Ba năm sau, gió mùa Tây Nam thổi từ tháng Năm đến tháng Mười.

Từ tháng Bảy đến tháng 12 hằng năm thường có bão đi qua khu vực đảo, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn gây khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo.

[Những chuyến tàu vượt muôn ngàn sóng dữ, chở mùa Xuân ra đảo xa]

Chúng tôi đến với Đá Lát trong một ngày mưa to gió lớn như vậy. Khuất sau những con sóng đang gầm gào và làn mưa như roi quất vào da thịt, ánh đèn trên ngọn hải đăng đảo Đá Lát vẫn vững vàng và kiên định hiện ra giữa trời giông bão.

Sau một ngày chờ đợi sóng gió tạm yên, đến chiều ngày hôm sau, Thượng tá Lương Xuân Giáp, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 cùng thuyền trưởng tàu KN 491 Nguyễn Thanh Hải quyết tâm đưa hàng quà Tết cùng số ít thành viên trong Đoàn công tác vào đảo.

Chúng tôi ai nấy đều vui mừng vì đã đến lúc những món quà chứa đựng tình yêu thương từ đất liền được đưa đến tận tay những người chiến sỹ kiên trung nơi đầu sóng.

Tuy vậy, không nhiều người nhận thấy nét lo âu trên khuôn mặt Phó Chính uỷ Lương Xuân Giáp, vẻ nghiêm nghị khác thường của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hải.

Sóng cao 2m nâng chiếc xuồng máy lên cao khỏi mặt biển rồi bất thình lình đập xuống. Bốn chiến sỹ hải quân ghì chặt tay giữ giây chằng giữ chiếc xuồng níu sát mạn tàu KN 491.

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hải đích thân cầm lái chiếc xuồng máy liên tục hét to nhắc đi nhắc lại: “Tuyệt đối làm theo hiệu lệnh, lợi dụng lúc sóng nâng lên để bước từ tàu xuống.”

Sau khi tàu chồm lên mặt nước, sóng biển dần dịu bớt giúp các chiến sỹ chuyển các thùng quà kịp thời và Đoàn công tác hối hả xuống xuồng tận dụng phút giây quý giá đổ bộ lên đảo.

Đến với các cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Lát, những thành viên trong đoàn công tác chúng tôi ai cũng nở nụ cười trên môi dù nhiều người vẫn mệt nhoài vì say sóng.

Mùa Xuân nơi đầu sóng: Vượt sóng dữ đến đảo Đá Lát ảnh 2(Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Đối với những người lần đầu tiên đến với Trường Sa, giây phút bước lên đảo thật thiêng liêng, như một phần ước mơ trong cuộc đời của mình đã trở thành hiện thực. Thật cảm động khi quân và dân tay bắt mặt mừng như đã quen nhau từ trước. Mọi người quây quần bên nhau, kể cho nhau nghe về quê hương, về những kỷ niệm khi công tác giữa trùng khơi.

Đại úy Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Đá Lát, cảm động nói: "Anh em cán bộ chiến sỹ rất vui mừng. Cảm ơn những tình cảm của nhân dân trong đất liền đã dành cho chúng tôi. Những sự quan tâm đó đã giúp chúng tôi chuẩn bị cho anh em một cái Tết đầy đủ nhất, để anh em yên tâm thực hiện nhiệm vụ ngoài đảo."

Trong những năm qua, mặc dù tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn kiên định, vững vàng về bản lĩnh chính trị và lập trường tư tưởng; tích cực học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị và năng lực hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh; có kiến thức quân sự chính trị toàn diện, gương mẫu trong lời nói, việc làm, lối sống, thực sự là tấm gương trong sáng cho quần chúng noi theo.

Trong nhiều năm liền chi bộ đảo luôn được công nhận là chi bộ trong sạch, vững mạnh; đội ngũ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liên tục không có đảng viên yếu kém, vi phạm tư cách đảng viên phải xử lý kỷ luật.

Bên cạnh đó, chi đoàn thanh niên luôn được củng cố kiện toàn vững chắc về mọi mặt, xứng đáng là lực lượng xung kích làm nòng cốt trong thực hiện mọi nhiệm vụ của đảo.

Được học tập và bổi dưỡng giáo dục thường xuyên, đoàn viên thanh niên của đảo luôn có hoài bão, lý tưởng, biết hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, tích cực tu dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu và năng lực công tác; có kiến thức, sức khoẻ, ý chí quyết tâm cao, xứng đáng là lực lượng tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ.

Dưới sự hướng dẫn, dìu dắt, bồi dưỡng của chi bộ và đảng viên, nhiều đoàn viên ưu tú đã vinh dự được kết nạp vào Đảng, thực sự góp phần tăng cường sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của chi bộ.

Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 146 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân, cho biết với sự quan tâm hỗ trợ từ Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước, đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo Đá Lát được nâng cao hơn nhiều so với trước. Đảo đã được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời, giúp hệ thống chiếu sáng được đảm bảo hơn.

Tuy vậy, khó khăn nhất hiện nay là thiếu nước ngọt và rau xanh, nhất là khi bão gió, sóng lớn kéo dài, tàu tiếp tế không ra kịp. Ở nơi đảo xa bốn bên là biển, cán bộ chiến sỹ luôn động viên nhau vượt qua tất cả để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Giành giật với sóng dữ

Rời Đá Lát với những cái vẫy tay nồng nhiệt, ánh mắt dõi theo mãi không rời của những người chiến sỹ đảo chìm, chúng tôi lại bước vào một thử thách mới, cam go hơn là về lại tàu KN 491.

Càng về tối, sóng biển càng mạnh hơn. Chúng tôi gấp rút lên xuồng rút về tàu KN 491 với một cơn mưa dông cục bộ đang đuổi sau lưng.

Mặc cho mưa gió, sóng biển liên tiếp đổ ập lên người, hoa tiêu Bảo luôn đứng thẳng người trước mũi xuồng mắt đăm đăm nhìn qua mặt nước tìm từng bãi đá ngầm, cụm san hô để chỉ đường cho chiếc xuồng ra khỏi đảo.

Mất hơn 30 phút luồn lách giữa ma trận các rạn san hô của “hồ nước,” chiếc xuồng chở Đoàn chúng tôi mới cập được mạn tàu.

Tuy vậy, cơn giông lúc này đã bắt kịp với sóng cấp 5, gió giật cấp 6 khiến chiếc xuồng con chao đảo giữa mênh mông biển nước.

Không thể bắc cầu dẫn lên tàu, chúng tôi được lệnh bám theo thang gỗ lên mạn tàu tầng 3. Sóng biển cao 3m như đứa trẻ quậy phá đang đùa giỡn với đồ chơi là chiếc xuồng máy, khi thì nâng lên ngang mạn tàu rồi lại bất ngờ thả rơi xuống mặt biển.

Bằng một nỗ lực phi thường, thuyển trưởng Nguyễn Thanh Hải vẫn giữ được chiếc xuồng luôn cập sát mạn tàu.

Chúng tôi lần lượt trèo lên thang gỗ trong ánh mắt lo âu của hàng trăm thành viên trên tàu cùng những tiếng nhắc nhở liên tục của thủy thủ đoàn: “Bám tay vào dây thừng, không được bám vào bề mặt thang gỗ tránh va đập ngón tay. Lên thang dứt khoát, khẩn trương không được hụt chân...”

Đã hơn 1 giờ trôi qua từ khi xuồng cập mạn tàu, chỉ còn một thành viên Đoàn công tác không thể lên thang cùng thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hải và hoa tiêu Bảo vẫn ở lại xuồng. Sóng, gió, mưa đã mịt mù mặt biển.

Thuyền trưởng Hải quyết định dùng cần trục “câu” cả chiếc xuồng lên boong tàu. Đây là một trong những động tác đã được các thuỷ thủ đoàn tập đi tập lại hàng trăm lần trước đây.

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hải nhớ lại: "Thực tế luôn khác với diễn tập. Theo kinh nghiệm, mỗi 3 đợt sóng to sẽ có một đợt sóng nhỏ, đó là thời cơ duy nhất để xuồng vào được vị trí nối dây với cần trục. Nhưng gió mạnh cùng với mưa đã khiến tôi 3 lần vuột mất con sóng nhỏ đó."

Mất thêm 30 phút đợi sóng dịu dần, chiếc xuồng máy cùng 3 thành viên cuối cùng đã nối được dây với cần trục trong tiếng vỗ tay vỡ oà của các thành viên trên tàu.

Rời Đá Lát, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với những điểm đảo phía chân trời. Nơi đó có những người con đất Việt đang ngày đêm kiên cường bám trụ. Còn chúng tôi, ai cũng tự hào và vinh hạnh khi mình được là một trong những thành viên “mang mùa Xuân ra đảo xa”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục