Hà Giang - mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, mùa xuân về được cảm nhận qua những chồi non bắt đầu nhú lên từ những cành khẳng khiu sau bao ngày đông giá.
Bà con các dân tộc nơi đây đón Tết theo những phong tục, tập quán riêng. Những chàng trai, cô gái khoe sắc với những bộ quần áo sặc sỡ đi chơi Xuân.
Chúng tôi lên Cao nguyên đá Đồng Văn trong tiết trời se lạnh, dọc đường lên vùng cao, trên các triền núi đá những cây hoa mơ, hoa mận, đào phai... nở hoa trắng tinh như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình thật thơ mộng, cuốn hút lòng người. Người dân vùng cao quanh năm lam lũ, vất vả, vượt qua khắc nghiệt của thời tiết, chắt chiu từng nắm đất, thả vào từng hốc đá, để trồng ngô, đậu tương "gieo mầm" no ấm khởi đầu từ mùa xuân, là mùa của các lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc các dân tộc vùng biên cương.
Lên vùng cao Hà Giang những ngày mùa xuân, bắt gặp những thiếu nữ ngưòi Mông, người Dao, người Lô Lô... đẹp như bông hoa rừng. Từ những bản xa, xúng xính trong những bộ váy mới, những thiếu nữ vùng sơn cước này thả bộ trên con đường mòn đẫm sương núi đến với các lễ hội. Và văng vẳng trong gió, tiếng sáo ngày xuân, tiếng sáo gọi bạn tình của những chàng trai Mông lúc gần, lúc xa... tất cả gợi lên cuộc sống thanh bình, tràn ngập hạnh phúc.
Người dân Hà Giang quanh năm sống chung với đá, đá có từ bao đời người, gắn bó thủy chung, đồng cam cộng khổ với người dân. Và đá núi hùng vĩ, điệp trùng lại tôn thêm vẻ đẹp, sức sống trường tồn của người dân nơi đây. Cuộc sống người dân vùng cao tuy vất vả nhưng họ không cam chịu, luôn vươn lên, sống hiên ngang, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặt chân đến những xã nằm dọc tuyến biên giới Việt-Trung như Xín Cái, Sơn Vĩ (Mèo Vạc); Pà Vầy Sủ (Xín Mần)...những cái tên nghe xa vời vợi nhưng khi đến lại thấy ấm áp, gần gũi lạ kỳ. Từ cô giáo viên, anh chiến sỹ biên phòng, những cán bộ xã và người dân vùng biên luôn sát cánh bên nhau để tạo nên vóc dáng cuộc sống mới. Đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hệ thống đường giao thông, đường điện, trường học, trạm y tế... được đầu tư xây dựng khang trang, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng cao biên giới.
Cuộc sống thay đổi từng ngày, nhờ nội lực của dân, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Ở nơi chập trùng đá núi, những bản làng heo hút trên núi cao, dưới thung lũng sâu đã có ánh điện sáng của điện lưới quốc gia. Đêm đêm trẻ em học bài, điện soi sáng từng con chữ, rạng ngời từng nét mặt. Có điện, người dân được tiếp cận với những giá trị văn hoá, biết đến mọi miền đất nước qua các phương tiện nghe nhìn.
Những bản làng nơi biên giới, hàng ngày đã vang tiếng trẻ thơ học bài. Nơi đó, những thầy cô giáo người miền xuôi đã, đang cống hiến cả thời trai trẻ để gieo mùa xuân trên bản. Cũng nơi đó, màu xanh áo lính biên phòng ngày ngày sát cánh cùng người dân sản xuất, giữ gìn vững biên cương của Tổ quốc. Mỗi người một phần việc dù rất nhỏ nhoi, nhưng khi hoà cùng một nhịp, hòa cùng cuộc sống cộng đồng đã tạo thành sức mạnh xua đi cái đói, cái nghèo trên vùng cao này.
Trong cái khó khăn, heo hút đó, Hà Giang luôn là tâm điểm thể hiện sự quan tâm, khát khao khám phá của du khách, đặc biệt khi Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Với diện tích 2.356 km2, 17 dân tộc anh em sinh sống, Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo và sinh hoạt văn hóa, hiếm nơi nào có được.
Những giá trị vật thể, phi vật thể đó càng được tôn vinh, có thêm nhiều cơ hội bảo tồn, phát triển khi Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức trở thành thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.
Từ khi gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn đã đón tiếp nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khám phá những giá trị độc đáo. Vượt hơn 10 km đèo dốc quanh co, với bao rừng đá, thung lũng đá, cô gái dân tộc Mông Thào Thị Máy đã về trung tâm huyện Đồng Văn. Về tới phố huyện, Máy cứ ngẩn ngơ ngắm những người khách phương xa với nét mặt rạng ngời, đôi chân tung tăng trong khuôn viên phố núi cao nguyên.
20 mùa Xuân qua, Máy chưa một lần vượt xa khỏi những dãy núi đá sừng sững, án ngữ ngay trước nhà; những dãy núi đá sắc như dao, những mùa khô khắc nghiệt, ngày hội rộn rã tiếng khèn Mông đã ăn sâu vào trí nhớ suốt thời thơ ấu của Máy. Đá núi Cao nguyên đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây. Nó gần gũi như cơm ăn, áo mặc hàng ngày và bao kiếp người vùng cao sống với đá núi, khi thác cũng gửi vào đá núi.
Chúng tôi đã bắt gặp vợ chồng anh Lê Duy Mẫn và chị Nguyễn Minh Châu từ miền Tây sông nước Hậu Giang đã dành nhiều thời gian khám phá nét đẹp của Cao nguyên đá Đồng Văn, những kiến tạo độc đáo của thiện nhiên, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa thực sự có sức cuốn hút đối với du khách.
Anh Mẫn cho biết: "Chúng tôi đã đặt chân đến nhiều vùng đất nhưng Cao nguyên đá Đồng Văn đã để lại ấn tượng sâu đậm. Sự hùng vĩ của những dãy núi đá, rừng đá và đặc biệt là những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của người dân bản địa. Nơi đây tồn tại sự đa dạng về hệ thực vật rừng lá kim với khoảng 289 loài thực vật bậc cao thuộc 83 họ; khu hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ; có 17 loài thú, 2 loài chim, 8 loài bò sát là những động vật quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam."
Mùa Xuân lại về, cảnh sắc cùng với những lễ hội truyền thống đang diễn ra càng khiến Hà Giang thêm lung linh, hấp dẫn du khách đến khám phá những nét độc đáo của mảnh đất địa đầu Tổ quốc./.
Bà con các dân tộc nơi đây đón Tết theo những phong tục, tập quán riêng. Những chàng trai, cô gái khoe sắc với những bộ quần áo sặc sỡ đi chơi Xuân.
Chúng tôi lên Cao nguyên đá Đồng Văn trong tiết trời se lạnh, dọc đường lên vùng cao, trên các triền núi đá những cây hoa mơ, hoa mận, đào phai... nở hoa trắng tinh như một bức tranh sơn thuỷ hữu tình thật thơ mộng, cuốn hút lòng người. Người dân vùng cao quanh năm lam lũ, vất vả, vượt qua khắc nghiệt của thời tiết, chắt chiu từng nắm đất, thả vào từng hốc đá, để trồng ngô, đậu tương "gieo mầm" no ấm khởi đầu từ mùa xuân, là mùa của các lễ hội truyền thống, mang đậm bản sắc các dân tộc vùng biên cương.
Lên vùng cao Hà Giang những ngày mùa xuân, bắt gặp những thiếu nữ ngưòi Mông, người Dao, người Lô Lô... đẹp như bông hoa rừng. Từ những bản xa, xúng xính trong những bộ váy mới, những thiếu nữ vùng sơn cước này thả bộ trên con đường mòn đẫm sương núi đến với các lễ hội. Và văng vẳng trong gió, tiếng sáo ngày xuân, tiếng sáo gọi bạn tình của những chàng trai Mông lúc gần, lúc xa... tất cả gợi lên cuộc sống thanh bình, tràn ngập hạnh phúc.
Người dân Hà Giang quanh năm sống chung với đá, đá có từ bao đời người, gắn bó thủy chung, đồng cam cộng khổ với người dân. Và đá núi hùng vĩ, điệp trùng lại tôn thêm vẻ đẹp, sức sống trường tồn của người dân nơi đây. Cuộc sống người dân vùng cao tuy vất vả nhưng họ không cam chịu, luôn vươn lên, sống hiên ngang, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Đặt chân đến những xã nằm dọc tuyến biên giới Việt-Trung như Xín Cái, Sơn Vĩ (Mèo Vạc); Pà Vầy Sủ (Xín Mần)...những cái tên nghe xa vời vợi nhưng khi đến lại thấy ấm áp, gần gũi lạ kỳ. Từ cô giáo viên, anh chiến sỹ biên phòng, những cán bộ xã và người dân vùng biên luôn sát cánh bên nhau để tạo nên vóc dáng cuộc sống mới. Đi đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hệ thống đường giao thông, đường điện, trường học, trạm y tế... được đầu tư xây dựng khang trang, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng cao biên giới.
Cuộc sống thay đổi từng ngày, nhờ nội lực của dân, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Ở nơi chập trùng đá núi, những bản làng heo hút trên núi cao, dưới thung lũng sâu đã có ánh điện sáng của điện lưới quốc gia. Đêm đêm trẻ em học bài, điện soi sáng từng con chữ, rạng ngời từng nét mặt. Có điện, người dân được tiếp cận với những giá trị văn hoá, biết đến mọi miền đất nước qua các phương tiện nghe nhìn.
Những bản làng nơi biên giới, hàng ngày đã vang tiếng trẻ thơ học bài. Nơi đó, những thầy cô giáo người miền xuôi đã, đang cống hiến cả thời trai trẻ để gieo mùa xuân trên bản. Cũng nơi đó, màu xanh áo lính biên phòng ngày ngày sát cánh cùng người dân sản xuất, giữ gìn vững biên cương của Tổ quốc. Mỗi người một phần việc dù rất nhỏ nhoi, nhưng khi hoà cùng một nhịp, hòa cùng cuộc sống cộng đồng đã tạo thành sức mạnh xua đi cái đói, cái nghèo trên vùng cao này.
Trong cái khó khăn, heo hút đó, Hà Giang luôn là tâm điểm thể hiện sự quan tâm, khát khao khám phá của du khách, đặc biệt khi Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Với diện tích 2.356 km2, 17 dân tộc anh em sinh sống, Cao nguyên đá Đồng Văn chứa đựng nhiều giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo và sinh hoạt văn hóa, hiếm nơi nào có được.
Những giá trị vật thể, phi vật thể đó càng được tôn vinh, có thêm nhiều cơ hội bảo tồn, phát triển khi Cao nguyên đá Đồng Văn chính thức trở thành thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu.
Từ khi gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, Cao nguyên đá Đồng Văn đã đón tiếp nhiều lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tìm hiểu, khám phá những giá trị độc đáo. Vượt hơn 10 km đèo dốc quanh co, với bao rừng đá, thung lũng đá, cô gái dân tộc Mông Thào Thị Máy đã về trung tâm huyện Đồng Văn. Về tới phố huyện, Máy cứ ngẩn ngơ ngắm những người khách phương xa với nét mặt rạng ngời, đôi chân tung tăng trong khuôn viên phố núi cao nguyên.
20 mùa Xuân qua, Máy chưa một lần vượt xa khỏi những dãy núi đá sừng sững, án ngữ ngay trước nhà; những dãy núi đá sắc như dao, những mùa khô khắc nghiệt, ngày hội rộn rã tiếng khèn Mông đã ăn sâu vào trí nhớ suốt thời thơ ấu của Máy. Đá núi Cao nguyên đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân vùng cao nơi đây. Nó gần gũi như cơm ăn, áo mặc hàng ngày và bao kiếp người vùng cao sống với đá núi, khi thác cũng gửi vào đá núi.
Chúng tôi đã bắt gặp vợ chồng anh Lê Duy Mẫn và chị Nguyễn Minh Châu từ miền Tây sông nước Hậu Giang đã dành nhiều thời gian khám phá nét đẹp của Cao nguyên đá Đồng Văn, những kiến tạo độc đáo của thiện nhiên, những sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa thực sự có sức cuốn hút đối với du khách.
Anh Mẫn cho biết: "Chúng tôi đã đặt chân đến nhiều vùng đất nhưng Cao nguyên đá Đồng Văn đã để lại ấn tượng sâu đậm. Sự hùng vĩ của những dãy núi đá, rừng đá và đặc biệt là những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc của người dân bản địa. Nơi đây tồn tại sự đa dạng về hệ thực vật rừng lá kim với khoảng 289 loài thực vật bậc cao thuộc 83 họ; khu hệ động vật trên núi đá vôi với 171 loài trong 73 họ và 24 bộ; có 17 loài thú, 2 loài chim, 8 loài bò sát là những động vật quý, hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam."
Mùa Xuân lại về, cảnh sắc cùng với những lễ hội truyền thống đang diễn ra càng khiến Hà Giang thêm lung linh, hấp dẫn du khách đến khám phá những nét độc đáo của mảnh đất địa đầu Tổ quốc./.
Lê Việt Dũng (TTXVN/Vietnam+)