Xuân về trên bản làng của người Lô Lô

Mùa Xuân đã về với những bản làng của người Lô Lô

Về với bản làng của người Lô Lô những ngày Tết, hẳn ai cũng thấy thích thú khi được trải nhiệm phong tục đón Tết rất độc đáo của các cư dân rẻo cao.
Mùa Xuân đã về với những bản làng của người Lô Lô ảnh 1Các cô gái người Lô Lô trong các bộ váy áo truyền thống nhiều màu sắc. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Một ngày cuối năm, giữa cái se lạnh, từ thị trấn Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, vượt chặng đường hơn chục cây số đèo dốc, chúng tôi tới xóm Khuổi Hon, xã Kim Cúc - một trong những bản có 100% dân số là dân tộc Lô Lô sinh sống. Những cây mận cây lê đầu bản đã nở rộ đem mùa Xuân về với bản làng của người Lô Lô.

Bản nhỏ của người Lô Lô có vài chục nóc nhà sàn 4 mái quây quần. Cũng như nhiều dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, ngày Tết được người Lô Lô coi trọng nhất.

Phong tục đón Tết của người Lô Lô rất độc đáo, đậm nét văn hóa của các cư dân rẻo cao.

Đón chúng tôi trong căn nhà sàn rộng rãi và thoáng đãng, ông Chi Viết Hải - chủ nhà vui vẻ nói: “ Năm nay bà con trong bản sẽ có cái Tết rất vui vì được Nhà nước quan tâm làm con đường vào bản, xuống chợ không còn khó khăn như trước. Bà con trồng các loại giống lúa, ngô lai cho năng suất cao hơn, mùa màng tươi tốt, bà con phấn khởi lắm cán bộ ạ.”

Bên bếp lửa cùng nhâm nhi những chén rượu ngô, ông Hải và các cụ cao niên trong thôn, bản nói về bản sắc ngày Tết của dân tộc mình.

Với người Lô Lô, ngày cuối cùng của năm, mọi người quét dọn nhà cửa sạch sẽ chuẩn bị đón tài lộc năm mới, tổ chức bữa cơm sum họp. Trong khi những người đàn ông trong gia đình bắt lợn, gà chuẩn bị bữa cơm tất niên thì những người phụ nữ lại bận rộn với việc sửa soạn kéo sợi, dệt vải và hoàn thành các bộ quần áo để vui xuân.

Chị Chi Thị Duyên, con gái ông Hải cho biết, dù cuộc sống đã đầy đủ hơn, đi chợ cái gì cũng có nhưng con gái Lô Lô vẫn phải biết dệt vải và tự may quần áo cho mình để mặc vào dịp lễ, Tết. Thường là từ nhỏ đã được mẹ, bà dạy cho rồi.

Ngày trước người ta chọn dâu, chọn vợ, nhìn vào tấm vải, đường kim là biết được người con gái đó có khéo léo, biết chăm lo gia đình hay không. Vì vậy quần áo của người Lô Lô được làm rất tỉ mỉ, một bộ quần áo truyền thống phải dệt khoảng 6 tháng mới xong.

Người Lô Lô quan niệm bước sang năm mới, trong nhà không chỉ có ngô, gạo, mà phải có nhiều củi và nước, biểu hiện của một năm làm ăn sung túc. Đêm Giao thừa, gia đình cử người ra gánh nước tại mỏ nước của bản về nhào bột, làm bánh nếp. Loại bánh rất đặc trưng, có tên gọi theo tiếng dân tộc là “Chò mìa chá,” cũng gói bằng lá dong tựa như bánh trưng, bánh tét của người Kinh, người Tày, nhưng không phải hình vuông mà gói thành hình một chiếc bánh gù. Màu bánh cũng rất đặc biệt bởi gạo được ngâm bằng nước của loại lá lấy từ trên rừng, có màu xám đen.

Trong ngày đầu năm mới, loại bánh này được buộc ở các cột nhà, buộc vào nông cụ lao động để cầu may mắn, mùa màng bội thu. Bánh được treo hết ngày 15 Tết mới được gỡ xuống, bởi từ xa xưa người Lô Lô quan niệm vạn vật đều có linh hồn, ngày Tết tất cả đều phải được đón Tết đủ đầy.

Đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất, trong nhà từ già trẻ, gái trai đều thức. Mọi người cùng quần tụ bên bếp lửa hồng với nồi bánh nghi ngút khói cùng ôn lại câu chuyện của năm cũ. Vào sáng sớm mùng 1 Tết, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ để mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình.

Trên bàn thờ tổ tiên của người Lô Lô đều có những hình nhân làm bằng gỗ cây “Mạy Vjẹc" - một loại cây được người Lô Lô quan niệm vật thiêng được lấy từ trong khu rừng thần của bản, được coi là nơi trú ngụ của thổ công, nên thường được gìn giữ và bảo vệ rất nghiêm ngặt. Người Lô Lô rất coi trọng tổ tiên, tổ tiên gần gọi là “ dùng khé” là đời cụ, ông bà, cha mẹ.

Tổ tiên xa trên 4 đời gọi là “ Pờ si.” Nhà nào cũng phải có bàn thờ tổ tiên trong nhà.

Theo ông Hải, sống trên vùng rừng núi cao nên quan niệm của người Lô Lô là thờ thần đất và mặt trời. Hàng năm dân bản thường tổ chức cúng thần thổ công, làm lễ xông đất để đánh thức hồn lúa, hồn đất dậy xua đuổi chuột bọ, mưa gió thuận hòa, nương rẫy được xanh tốt.

Đối với người Lô Lô, bữa ăn trong ngày Tết rất quan trọng, không thể thiếu các thực phẩm do bàn tay lao động của mình làm ra như thịt gà, lợn đen treo gác bếp, cá lam. Đặc biệt là bữa cơm ngày Tết của người Lô Lô còn có món ăn được chế biến từ các loại côn trùng như nhện rừng, châu chấu, nhái... Đây là những món ăn rất đặc biệt và được chế biến cầu kỳ.

Theo quan niệm của người dân ở đây thì bữa cơm cúng tổ tiên và các thần linh phải được chuẩn bị từ những thực phẩm từ thiên nhiên hoặc do chính bàn tay lao động làm ra, để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và thần đất sẽ xua đuổi những tà ma, rủi ro, đem lại may mắn trong năm mới. Vì thế dù có khó khăn vất vả đến mấy cũng tìm cho bằng được những loại nguyên liệu để chế biến. Bàn thờ không thể thiếu loại cây “mà si phìa.” Cành cây này được cắm từ cổng cầu thang, cửa nhà đến bàn thờ tổ tiên để cầu cho gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc, ăn nên làm ra, con cháu thảo hiền.

Sau khi người chủ gia đình thực hiện xong các nghi thức thắp hương cúng tổ tiên, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm Tết, nói những câu chuyện về cuộc sống và văn hóa của dân tộc, chúc nhau một năm mới đủ đầy, ấm no. Người lớn tuổi chúc các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, con cháu mau lớn khôn. Sau khi ăn mâm cơm Tết, mọi người mới bắt đầu đi xông nhà.

Người Lô Lô rất coi trọng việc xông nhà, họ quan niệm chỉ người đàn ông mới được xông nhà. Trong cả 3 ngày Tết, người Lô Lô không ra đồng làm việc. Để mưa thuận gió hòa, có một năm bội thu thì sau những ngày nghỉ Tết, khi nào người cao tuổi uy tín trong bản chọn được ngày, giờ tốt ra đồng cuốc đất, khi đó các gia đình mới được đi làm nông.

Những ngày xuân, mọi người khi gặp nhau, dù không quen biết nhưng ai cũng có thể gửi lời chúc phúc bằng những làn điệu, khúc ca đã được truyền giữ từ ngàn đời của dân tộc Lô Lô. Một nét văn hóa rất riêng thể hiện tình cảm, sự mến khách của người Lô Lô.

Còn những chàng trai, cô gái Lô Lô, ngày xuân là dịp để họ gặp nhau trao gửi tâm tình qua những điệu dân ca mượt mà, nồng đượm. Những gương mặt ngời rạng và tiếng hát đối đáp của các chàng trai, cô gái Lô Lô vang lên giữa đất trời khiến núi rừng thêm ấm áp, bừng dậy sắc Xuân trên rẻo cao./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục