'Mùa Xuân châu Phi' sẽ 'gõ cửa' khu vực phía Nam Sahara?

Một thập kỷ trước, làn sóng biểu tình quét qua Bắc Phi trong hiện tượng được biết đến với tên gọi "Mùa Xuân Arab," khiến nhiều nhà cầm quyền Arab sụp đổ.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Anadolu Agency)

Trang dw.com ngày 16/12 đăng bài phân tích về khả năng xảy ra “Mùa Xuân Arab” ở phía Nam châu Phi. Nội dung như sau:

Một thập kỷ trước, làn sóng biểu tình quét qua Bắc Phi trong hiện tượng được biết đến với tên gọi "Mùa Xuân Arab," khiến nhiều nhà cầm quyền Arab sụp đổ.

Dù phải đối mặt với những thách thức tương tự, nhưng một “Mùa Xuân châu Phi” chưa từng bao giờ diễn ra.

10 năm trước, Mohamed Bouazizi, người bán hàng rong Tunisia đã tự thiêu ở Sidi Bouzid sau khi bị lực lượng an ninh ngược đãi.

Vụ tự thiêu này làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối chưa từng có ở Bắc Phi và Trung Đông, ngày nay được gọi là Mùa Xuân Arab.

Tại Tunisia, những người biểu tình giận dữ đã hạ bệ nhà lãnh đạo cầm quyền lâu năm Zine el-Abidine Ben Ali và nhà lãnh đạo này đã qua đời trong cảnh sống lưu vong tại Saudi Arabia vào năm 2019. Ben Ali nắm quyền lãnh đạo Tunisia trong 23 năm.

Dù giai đoạn đầu cầm quyền đánh dấu bằng sự ổn định và thịnh vượng kinh tế, nhưng sau đó Ben Ali đã chịu nhiều chỉ trích vì đàn áp các quyền tự do chính trị và tình trạng tham nhũng phổ biến.

Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, nhà lãnh đạo Yemen Ali Abdullah Salih và nhà lãnh đạo Libya Muammar al-Gaddafi lần lượt chịu chung số phận. Nhưng 10 năm sau sự kiện Mùa Xuân Arab, hầu như không có hy vọng về một khởi đầu mới.

Thay vào đó, các chế độ đàn áp, nội chiến và chủ nghĩa thánh chiến tiếp tục định hình cuộc sống hàng ngày ở một số quốc gia này. Tuy nhiên, Mùa Xuân Arab đã tác động đến người dân ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả châu Phi.

Biểu tình phản đối giới lãnh đạo chuyên quyền của châu Phi

Chẳng hạn, tại Burkina Faso năm 2014, hàng nghìn người đã biểu tình phản đối Tổng thống Blaise Compaore, vốn cầm quyền trong 27 năm nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm nhiệm kỳ tiếp theo.

Tại Senegal, phong trào thanh niên “Y'en a marre” (Ngán tận cổ) đấu tranh thành công chống lại quyết định của Tòa án Hiến pháp năm 2012 cho phép Tổng thống Abdoulaye Wade ra tranh cử lần thứ 3.

[Nam Sahara châu Phi - Khu vực rủi ro nhất thế giới với các nhà đầu tư]

Ở Sudan, Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ năm 2019 sau nhiều tháng bất ổn dân sự.

Nhà phân tích Đức-Phi Robert Kappel đánh giá: “Tôi tin rằng nhiều phong trào châu Phi ủng hộ dân chủ và cởi mở hơn đã được cổ vũ bởi những gì đã xảy ra ở các nước Bắc Phi và Trung Đông.”

Mùa Xuân Arab mang đến bài học đối với các nước châu Phi thoát khỏi chế độ cầm quyền của một nhà lãnh đạo kéo dài nhiều thập kỷ nhằm hướng tới tự do hơn.

Châu Phi đi trước Trung Đông

Tuy nhiên, các phong trào biểu tình như ở Burkina Faso, Senegal và Sudan là những ngoại lệ.

Matthias Basedau, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi của GIGA, cho rằng: “Làn sóng dân chủ hóa quy mô lớn đã diễn ra ở phía Nam Sahara châu Phi với mức độ nhất định, nhưng chưa đến mức lan rộng toàn bộ khu vực. Ở nhiều quốc gia, các nhà cai trị chuyên quyền đã bị lật đổ vào cuối Chiến tranh Lạnh - đầu những năm 1990."

Theo đánh giá của vị giám đốc Basedau, xét về khía cạnh tự do, phía Nam Sahara châu Phi đã vượt xa Trung Đông và Bắc Phi.

Bên cạnh đó, chỉ một số điểm tương đồng về văn hóa và ở miền Nam châu Phi, người dân có thể liên hệ nhiều hơn với các nước láng giềng hoặc các nước châu Âu.

Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi nói trên coi cuộc cách mạng ở Sudan là một ngoại lệ: "Về mặt ngôn ngữ và văn hóa, đất nước này thuộc về khu vực Arab hơn là phía Nam Sahara châu Phi."

Mặt trái của Mùa Xuân Arab

Mặc dù vậy, một số chính phủ chuyên quyền vẫn lo sợ về một “Mùa Xuân Arab” ở quốc gia của họ: Năm 2012, một nhà lập pháp và 5 người khác ở Zimbabwe đã bị buộc tội lật đổ chính phủ sau khi tham dự một cuộc họp trình chiếu video về các cuộc biểu tình ở Tunisia và Ai Cập.

Vụ bắt giữ cho thấy các nhà chức trách lo ngại những cơn gió thay đổi quét qua Bắc Phi có thể truyền cảm hứng cho người Zimbabwe.

Tại Malawi, một giảng viên đã bị thẩm vấn vì đề cập đến cuộc nổi dậy ở Ai Cập sau khi cảnh sát giết nhiều người biểu tình tham gia phản đối giá hàng hóa cao.

Mặt khác, một số quốc gia châu Phi gián tiếp hứng chịu những hậu quả tiêu cực của Mùa Xuân Arab.

Chẳng hạn ở khu vực Sahel, sự sụp đổ của chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar al-Gaddafi ở Libya đã đẩy khu vực này vào khủng hoảng.

Nhà phân tích Basedau cho rằng tình trạng nổi dậy ở miền Bắc Mali càng trở nên nguy hiểm hơn sau khi Gaddafi sụp đổ.

Lính đánh thuê Mali và Niger đã từng tham gia bảo vệ chế độ Gaddafi và kể từ thời điểm chính quyền Gaddafi sụp đổ, các tay súng này đã gia nhập những người Hồi giáo chống lại Chính phủ Mali.

Liệu có thể xảy ra “Mùa Xuân châu Phi” hay không?

Gilbert Achcar, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học SOAS London, nhận định: “Mùa Xuân châu Phi” thiếu tất cả các điều kiện tiên quyết và thành phần thiết yếu của Mùa Xuân Arab.

Các quốc gia ở phía Nam Sahara châu Phi không có những cuộc khủng hoảng cơ cấu giống nhau. Ở các nước châu Phi, đang có tranh giành chính trị và bầu cử, nhưng điều này khác với một phong trào nhằm lật đổ toàn bộ hệ thống."

Bên cạnh vấn đề nói trên, Viện Brookings (Mỹ) cho biết tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Đông và Bắc Phi ở mức cao nhất thế giới trong hơn 25 năm. Năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp ở các khu vực này là 30%.

Nhà phân tích Kappel nhận định những xu hướng tác động hiện nay cho thấy khả năng về một “Mùa Xuân châu Phi” khó có khả năng xảy ra hơn. “Mùa Xuân châu Phi” chỉ có thể xảy ra khi “cảnh sát được trang bị vũ khí khổng lồ, hành vi độc tài, quyền hiến định bị áp đặt, như trường hợp ở Bờ Biển Ngà và Rwanda, lấn át các phong trào dân chủ và những kẻ kích động."

Tuy nhiên, nhà phân tích Kappel tin rằng ngay cả ở những quốc gia bị cai trị theo chế độ độc tài trong nhiều thập kỷ khiến việc quản trị ở mức khắc nghiệt trở nên quen thuộc, thì ngọn lửa phản kháng vẫn có thể thức tỉnh bởi vẫn còn những quốc gia đang đấu tranh để có thêm tự do và vì thế “Mùa Xuân châu Phi” vẫn có thể xảy ra, dù ít khả năng./.
 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục