Vào lúc 2 giờ chiều 3/5, mưa bắt đầu diễn ra tại nhiều huyện, thị ở Đồng Nai, đây là cơn mưa lớn, xuất hiện rộng khắp nhất ở Đồng Nai kể từ cuối tháng 11/2015 đến nay.
Mưa góp phần giải hạn, cứu nhiều diện tích cây công nghiệp lâu năm khỏi chết khô, mang niềm vui lớn cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Hai (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) cho biết: "Nhà tôi có 2ha hồ tiêu, từ tháng 3 đến nay, do thiếu nước tưới nên tôi phải chấp nhận để một số diện tích tiêu bị chết, dồn nước cứu số tiêu còn lại. Với người trồng tiêu ở Đồng Nai, cơn mưa chiều nay còn quý hơn vàng. Mưa thấm đều vào tất cả diện tích đất, làm tăng độ ẩm trong đất. Sau trận mưa này, số tiêu bị héo của gia đình tôi cũng như những hộ dân trong vùng sẽ sống lại, phát triển tốt. Mưa cũng giúp hồ trữ nước của gia đình tích trữ thêm được một khối lượng nước lớn, đủ để tưới trong những ngày nắng hạn sắp tới."
Tại huyện Định Quán, từ cuối tháng 4/2016, mưa đã bắt đầu xuất hiện, nhưng trận mưa chiều 3/5 là lớn nhất.
Bà Nguyễn Thị Lan (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) chia sẻ: "Đầu tháng 2/2016, giếng khoan của gia đình tôi cạn kiệt, nhà tôi phải mua nước sinh hoạt với giá 35.000 đồng/m3.
Nhờ cơn mưa này mà tôi tích trữ được nhiều nước sinh hoạt, có thể dùng trong 10 ngày tới. Nhiều khả năng mưa cũng sẽ làm tăng nước ngầm trong đất, giúp giếng khoan có nước trở lại."
Theo ông Trần Nam Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Định Quán, cơn mưa chiều 3/5 dù xảy ra không đều trên địa bàn huyện (nơi mưa nhiều, nơi mưa ít) nhưng đã giải hạn cho hàng trăm hécta cây công nghiệp lâu năm (xoài, hồ tiêu); cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ ở các xã Phú Ngọc, La Ngà, Ngọc Định; giảm nền nhiệt giảm từ 3-4 độ C.
Những ngày tới, nhiều khả năng mưa tiếp tục xuất hiện, chính quyền huyện khuyến cáo người dân cần chuẩn bị sẵn vật dụng để tích trữ nước nhằm đề phòng nắng nóng kéo dài.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đồng Nai, từ hơn 2 giờ chiều 3/5, mưa xuất hiện tại các huyện Thống Nhất, Định Quán, Trảng Bom, thành phố Biên Hòa.
Mưa dù chưa xuất hiện tại tất cả các địa phương trong tỉnh nhưng đây là tín hiệu vui, làm giảm thiệt hại do nắng hạn gây ra.
Những ngày tới, nắng nóng sẽ còn diễn biến phức tạp, người trồng cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái ở Đồng Nai cần tranh thủ những cơn mưa đầu mùa để tích trữ nước tưới.
Chiều ngày 3/5, tỉnh Đắk Lắk đã có trận mưa giông kèm theo gió giật mạnh kéo dài hơn 1 tiếng, với lượng mưa từ 15 đến 25 mm, góp phần giải nhiệt cho hàng trăm nghìn hécta cây trồng, nhất là trên 200.000 ha cà phê đang cần nước tưới để nuôi quả và hạn chế được tình trạng cháy rừng trên địa bàn.
Trận mưa giông này tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện: Krông Bông, Buôn Đôn, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ…
Như vậy, từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xuất hiện mưa cục bộ tại một số huyện, thị xã, thành phố làm cho các loại cây trồng tươi mát trở lại sau 5 đến 7 tháng nắng nóng khô hạn.
A nh Y Quyết Niê ở buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar) cho biết, gia đình có 3,5ha càphê đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch.
Thế nhưng, đến tháng 3 vừa qua, công trình hồ thủy lợi trên địa bàn đã cạn khô đáy, gia đình đầu tư khoan hai giếng khoan, cộng thêm nạo vét giếng đào nhưng vẫn không đủ nguồn nước tưới, càphê héo rũ dần. Trận mưa này đã cứu sống được vườn rẫy càphê của gia đình.
Còn anh Y Doanh ở xã Cư Suê cũng của huyện Cư M’gar cho biết, trận “mưa vàng" này không những cứu sống 1,5ha tiêu, 2 ha càphê của gia đình mà đồng bào dân tộc Êđê trong vùng còn có nước hợp vệ sinh để sinh hoạt.
Hiện nay, ở Đắk Lắk trời vẫn đang tiếp tục mưa. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, từ nay đến giữa tháng 5, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục có mưa cục bộ kèm theo gió lốc tại một địa phương.
Trung tâm cũng khuyến cáo đồng bào vẫn phải tiếp tục sử dụng nước tiết kiệm và đề phòng lốc tố dễ gây thiệt hại tài sản và nguy hiểm tính mạng./.