TP Huế ngập vào giờ tan tầm

Mưa to, nhiều tuyến đường Thừa Thiên-Huế ngập sâu

Do mưa to, nhiều tuyến đường ở nội thành thành phố Huế bị ngập vào giờ tan tầm buổi chiều, nên gây tắc nghẽn giao thông.

Do ảnh hưởng của nhiễu động gió đông trên cao kết hợp với không khí lạnh tăng cường và hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đang có mưa to đến rất to.

Đến 16 giờ 30 ngày 15/11, trên sông Hương tại Kim Long, mức trên báo động 2; trên sông Bồ, tại Phú Ốc đạt mức báo động 3.

Nhiều tuyến đường ở nội thành thành phố Huế (như Đống Đa, Nguyễn Huệ, Hùng Vương, Bến Nghé) bị ngập vào giờ tan tầm buổi chiều nên gây tắc nghẽn giao thông. Tuyến đường ven sông Bồ về huyện Quảng Điền đã ngập sâu trong lũ, có nơi ngập sâu hơn 1m.

Các địa phương vùng thấp trũng thuộc các huyện Quảng Điền, Phong Điền và thị xã Hương Trà chủ động cho học sinh nghỉ học ngay từ chiều 15/11.

Các Nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới có phương án vận hành điều tiết xả hợp lý, thực hiện tốt quy trình vận hành, quy chế phối hợp theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và không gây thêm tình trạng ngập lụt cho vùng hạ du.

Lúc 16 giờ ngày 15/11, mực nước hồ thủy điện Bình Điền đạt cao trình đỉnh tràn 85m; lưu lượng nước đến hồ 1.097 m3/s, lưu lượng xả về hạ du 1.093m3/s. Hồ thủy điện Hương Điền đạt 58,36m/58m; lưu lượng nước đến hồ 2.276m3/s, lưu lượng xả về hạ du 2.266m3/s. Hồ thủy điện A Lưới đạt 552,569m/553m; lưu lượng nước đến hồ 642 m3/s, lưu lượng xả về hạ du 680m3/s.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã trong tỉnh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các chủ đập có phương án điều tiết nước các hồ thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho công trình; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét sạt lở đất ở khu vực miền núi, khu vực nguy hiểm ven cửa sông, đầm phá đến nơi an toàn.

Ngay trong chiều 15/11, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuất 2.500 bao cát và 60 rọ đá cho các địa phương vùng thấp trũng để hộ đê, đối phó kịp thời với tình hình mưa lũ...

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 15 suy yếu kết hợp với không khí lạnh và đới gió Đông hoạt động mạnh, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa to, riêng vùng núi có mưa rất to.

Lũ trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ đang lên nhanh. Khả năng đến tối 15/11, mực nước các sông trên địa bàn sẽ lên mức báo động III.

Tổng lượng mưa từ 1 giờ đến 15 giờ ngày 15/11 phổ biến từ 60-150mm, một số nơi có lượng mưa lớn hơn, như Trà My 292mm, Khâm Đức 256mm... Hiện nay, mực nước trên các sông Quảng Nam đang lên nhanh. Lúc 15 giờ ngày 15/10, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 6,77m, trên báo động I là 0,27m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 4,85m, dưới báo động I là 1,35m…

Nhìn chung hiện nay các hồ hoạt động bình thường. Riêng hồ Phú Ninh mực nước tới thời điểm hiện tại là 30,56/32 m và đang xả tràn sâu với lưu lượng là 114 m3/s.

Mực nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở mức 165,2m/161m (cao trình ngưỡng tràn), lưu lượng nước về hồ 5242,87 m3/s, lưu lượng tự tràn qua ngưỡng tràn và qua các tổ máy là 2789,53 m3/s; Mực nước hồ A Vương là 379,35m/380m, lưu lượng nước về hồ 200 m3/s, phát điện 78 m3/s; Mực nước hồ Đak Mi 4 là 258,28m/258m, lưu lượng nước về hồ 4360 m3/s, lưu lượng xả tràn là 3900 m3/s.

Theo thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam , từ chiều đến đêm 15/11, mực nước trên các sông ở Quảng Nam tiếp tục lên: Trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 9,30 m, trên báo động III là 0,30m; Trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên mức 8,50 m dưới báo III 0,10m; tại Câu Lâu lên mức 3,70m dưới mức báo động III 0.30 m; tại Hội An lên mức 1,80m dưới báo động III 0.20m.

Để chủ động đối phó với mưa lũ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có công điện đến thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ đề phòng ngập lụt ở vùng thấp và đồng bằng, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi.

Tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ theo cấp báo động; tăng cường công tác tuần tra, canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các tình huống có thể xảy ra. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin về tình hình mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước về hồ để thực hiện điều tiết mực nước hồ theo đúng quy trình vận hành đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên báo cáo tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh để theo dõi, chỉ đạo việc điều tiết hồ hợp lý, giúp cho công tác phòng tránh ở các địa phương vùng hạ du được chủ động.

Mưa to, nhiều tuyến đường Thừa Thiên-Huế ngập sâu ảnh 1Cảnh mưa ngập tại Huế. (Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)
Mưa to, nhiều tuyến đường Thừa Thiên-Huế ngập sâu ảnh 2
Mưa to, nhiều tuyến đường Thừa Thiên-Huế ngập sâu ảnh 3
(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục