Mua tiêm kích Rafale của Pháp: Thông điệp của Ấn Độ gửi Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhấn mạnh rằng lô máy bay chiến đấu Rafale về đến nước này đánh dấu "sự khởi đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử quân đội của chúng tôi."
Mua tiêm kích Rafale của Pháp: Thông điệp của Ấn Độ gửi Trung Quốc ảnh 1Máy bay tiêm kích Rafale. (Nguồn: indianexpress.com)

Theo trang mạng Asiatimes.com/eastasiaforum.org/AFP, cuối tháng Bảy, năm máy bay tiêm kích Rafale đầu tiên được mua từ Pháp trong thỏa thuận trị giá nhiều tỷ USD đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Ambala thuộc bang Haryana của Ấn Độ.

Hải quân Ấn Độ cũng triển khai hầu như toàn bộ hạm đội tàu chiến và tàu ngầm ở khu vực Ấn Độ Dương.

Báo chí quốc tế nhận định rằng những hoạt động này của Ấn Độ phát đi một “thông điệp” đến Trung Quốc sau những căng thẳng quan hệ liên quan các cuộc đụng độ gây thương vong ở khu vực biên giới chung trong những tháng qua.

Theo hãng tin AFP, lô 5 máy bay này nằm trong thương vụ mua 36 máy bay Rafale trị giá 9,4 tỷ USD và dự kiến sẽ được chuyển giao số còn lại trước cuối năm 2021.

[Ấn Độ tiếp nhận 5 máy bay tiêm kích Rafale mua từ Pháp]

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh nhấn mạnh rằng lô máy bay chiến đấu Rafale về đến nước này đánh dấu "sự khởi đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử quân đội của chúng tôi."

Ông cho rằng lô máy bay này sẽ làm cho Không quân Ấn Độ "mạnh hơn nhiều để ngăn chặn bất cứ mối đe dọa đối với đất nước của chúng tôi."

Ông tuyên bố: "Nếu bất cứ nước nào lo ngại hay hoài nghi năng lực mới này của Không quân Ấn Độ thì đó sẽ là những nước muốn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi."

Dù không trực tiếp nêu dích danh Trung Quốc, song truyền thông và giới quan sát cho rằng phát biểu của ông Rajnath Singh rõ ràng nhằm vào gã khổng lồ láng giềng.

Binh sỹ Ấn Độ và Trung Quốc đã vướng vào cuộc đối đầu kéo dài 6 tuần tại khu vực biên giới dãy Himalaya kể từ sau vụ ẩu đả gây thương vong cho cả hai bên hồi tháng 6 vừa qua.

Hai bên đã đổi lỗi cho nhau vì gây ra các vụ ẩu đả và đã rút hàng nghìn binh sỹ ra khỏi khu vực biên giới, đồng thời đối thoại để tháo gỡ căng thẳng.

Ấn Độ thừa nhận nước này thua xa Trung Quốc và các nước lớn khác về sức mạnh và tiềm lực quân sự, và việc mua sắm máy bay nói trên là một trong những nỗ lực nhằm củng cố quân đội của Ấn Độ.

Sameer Patil, chuyên gia nghiên cứu an ninh quốc tế tại cơ quan nghiên cứu Gateway House, cho rằng chiến đấu cơ Rafale giúp củng cố năng lực không quân vốn rất cần thiết hiện nay.

Chuyên gia này nói: “Điều này sẽ giúp Ấn Độ đối phó với mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc, trong bối cảnh cuộc đối đầu hiện nay sẽ kéo dài đến tận những tháng mùa Đông tới đây đang trở nên rõ ràng.”

Bình luận về việc Ấn Độ nhận được lô 5 chiến đấu cơ đầu tiên nói trên, một bài viết trên trang mạng Asia Times cho rằng những chiến đấu cơ này được coi như nhân tố làm thay đổi cuộc chơi đối với các năng lực chiến lược của Ấn Độ.

Các chiến đấu cơ này có khả năng thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau, tấn công trên biển và trên mặt đất, có ưu thế vượt trội về phòng không, có khả năng do thám và răn đe tấn công hạt nhân.

Ấn Độ coi việc củng cố một lực lượng không quân hùng mạnh là sự chuẩn bị quan trọng trong trường hợp xảy ra tình huống xấu nhất là chiến tranh trên cả hai mặt trận với Trung Quốc và Pakistan.

Trong khi đó, một tin tức khác trên Asia Times cho biết trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực biên giới Ladakh vẫn âm ỉ, Ấn Độ đã tìm cách giành sự kiểm soát hàng hải tại Eo biển Malacca quan trọng.

Báo mạng ThePrint của Ấn Độ dẫn nguồn tin từ Hải quân nước này cho biết: “Thông thường, trong giai đoạn này, khoảng 12-15 tàu hải quân luôn hiện diện trên biển. Tuy nhiên, ngay lúc này, phần lớn tàu thuyền sẵn có cho các chiến dịch tại hạm đội miền Tây và miền Đông đã được triển khai hoạt động.”

Theo ThePrint, trong số những tàu thuyền hiện diện trên biển lúc này có tàu sân bay Vikramaditya và các tàu ngầm bao gồm tàu Arihant cho Ấn Độ tự đóng.

Hoạt động triển khai này diễn ra trong bối cảnh quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị đáp trả hành động gây hấn của Trung Quốc và có thể cả từ Pakistan.

Một quan chức chính phủ hàng đầu giấu tên tiết lộ: “Ấn Độ đã đối phó trên tất cả các mặt trận để chống lại Trung Quốc đồng thời nói với Bắc Kinh rằng những hành động của họ là không thể chấp nhận được. Các lĩnh hạt này bao gồm Lục quân, Hải quân, Không quân, ngoại giao và thậm chí kinh tế.”

Ngoài ra, việc triển khai tàu hải quân nói trên cho thấy Ấn Độ đang thắt chặt sự kiểm soát đối với Eo biển Malacca, một diễn biến chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc quan ngại.

Theo ThePrint, Trung Quốc lâu nay vẫn luôn quan ngại về khả năng Ấn Độ chặn eo biển Malacca mà có đến 80% hàng hóa của Trung Quốc được vận chuyển qua eo biển này.

Bình luận về quan hệ Trung-Ấn hiện nay, trong bài viết trên Diễn đàn Đông Á với tựa đề: “Khi cường quốc đang nổi đụng độ: Đối đầu trực diện và giữ thể diện trong quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ,” tác giả cho rằng sau vụ đối đầu biên giới này, việc Trung Quốc và Ấn Độ quay trở lại sự lựa chọn mối quan hệ theo kiểu “giữ thể diện” truyền thống dường như là điều khá mơ hồ và có thể nhường chỗ cho những thỏa hiệp mang tính chiến lược lớn hơn vốn khó có thể được bù đắp lại.

Một câu hỏi mang tính chiến lược không thể né tránh ở đây là liệu Trung Quốc có từ bỏ đường lối ngoại giao trước đây để tiến tới một chương trình nghị sự địa chính trị cứng rắn hơn hay không.

Manh mối cho sự thay đổi có thể xảy ra này nằm ở những hành động của Trung Quốc, cho thấy rằng nước này không sẵn sàng chấp nhận thua thiệt với những năng lực của Ấn Độ ở khu vực biên giới.

Trung Quốc cho thấy họ sẵn sàng công khai thách thức Ấn Độ ngay cả giữa lúc dịch bệnh toàn cầu và rủi ro đối với thanh danh.

Bài viết kết luận điều quan trọng hơn cả là với một quan niệm chiến lược đã thay đổi, đặc biệt về phía Ấn Độ, cùng với động thái xa rời mới về mặt kinh tế, hai cường quốc đang trỗi dậy của châu Á cần học cách quản lý những căng thẳng địa chính trị ở mức độ to lớn hơn mà không cần sử dụng bất kỳ lựa chọn ngoại giao giữ thể diện dễ dàng nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục