Mua thông tin từ camera trên các xe làm cơ sở xử phạt vi phạm giao thông

Để tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe, cơ quan chức năng có quyền mua thông tin từ camera gắn trên các xe trên đường về một app của Bộ Công an để làm cơ sở cho việc xử phạt.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Từng bước chuyển biến được ý thức của người tham giao thông; quản lý tốt phương tiện, cải thiện và quản lý cơ sở hạ tầng, đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý 3, diễn ra sáng 12/7.

Tai nạn giao thông do bia rượu, giảm rất mạnh

Biểu dương nỗ lực, cố gắng chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng điểm ra 5 việc đã đạt được trong 6 tháng đầu năm. Đó là, Quốc hội khóa XV đã thông qua 2 Luật Trật tự, toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ, tạo cơ sở hành lang pháp lý để thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Lưu ý trên cơ sở 2 luật này, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an tiếp tục xây dựng các nghị định, thông tư, Phó Thủ tướng đề nghị hai đơn vị chủ trì soạn thảo ghi nhận các ý kiến có giá trị tại Hội nghị, để có hành lang pháp lý đồng bộ, tích cực.

Điểm thứ hai là số người chết vì tai nạn giao thông giảm 10,61%. "Tôi vẫn thường trao đổi với các đồng chí, chúng ta nhiều khi chưa thấm đâu, nhưng nếu như trong nhà mình có một người bị tai nạn giao thông thì mới thấy cái giá trị của chúng ta đang làm, mới thấy ý thức mà mọi người cần có như thế nào. Đó là chưa kể có những người bị tai nạn giao thông không đủ sức để lao động mà đang là lao động chủ lực trong gia đình, thì cả gia đình, thậm chí cả dòng họ đó bị ảnh hưởng rất lớn," Phó Thủ tướng chia sẻ.

Điểm thứ ba được Phó Thủ tướng đề cập là ùn tắc giao thông được xử lý hiệu quả hơn, phần do cơ sở hạ tầng được cải thiện, phần do các bộ, ngành có kinh nghiệm hơn, phối hợp tốt hơn.

Thứ tư, điểm Phó Thủ tướng cho rằng là điều vui mừng là tai nạn giao thông do bia rượu, giảm rất mạnh. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó quy định lái xe tuyệt đối không được có nồng độ cồn. Theo ông, các nước tiên tiến trên thế giới đều làm vậy, thậm chí còn kèm theo mức phạt đến mức ngồi tù.

"Chúng tôi cảm thấy vui mừng vì điều này. Tôi cũng là dân uống rượu, có thể nói là khá chuyên nghiệp. Bây giờ là phải có ý thức. Đi là phải có người đưa về, không là phải đi phương tiện công cộng, không dám ho he nữa," Phó Thủ tướng chia sẻ chân thành.

Ông cũng gửi lời cảm ơn các cơ quan báo chí, các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt công tác truyền thông, có những tin, hình ảnh, clip mà "xem chúng ta giật mình," thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mang lại hiệu quả cao.

Lực lượng Cảnh sát giao thông thuộc Tổ công tác đặc biệt lập biên bản xử lý 1 trường hợp vi phạm an toàn giao thông. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chỉ ra 6 tồn tại, đó là tổng số vụ tai nạn giao thông tăng 15,58% và số người bị thương tăng đến 34%, gánh nặng cho xã hội rất lớn từ con số này. Tai nạn nghiêm trọng có 9 vụ. Số vụ chống người thi hành công vụ tăng 45 vụ trong tổng số 78 vụ, tăng tới gần 60%, vấn đề này đặt ra yêu cầu về xây dựng thể chế để không còn tình trạng chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, ý thức của người tham gia giao thông chưa có chuyển biến lớn. Số người vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy vẫn còn. Công tác phối hợp và ứng dụng khoa học công nghệ không phải nơi nào cũng tốt. Kinh phí cho đầu tư cơ sở hạ tầng, duy tu bảo dưỡng, xóa điểm đen còn hạn chế.

Đáng lưu ý, số người chưa đủ điều kiện tham gia giao thông tăng, chủ yếu là trẻ em. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị liên quan đến an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, trẻ em. Vấn đề này có nhiều nội dung cần quan tâm.

Tăng mức xử phạt, đảm bảo tính răn đe

Nhấn mạnh phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, Phó Thủ tướng nêu 3 nhóm việc gồm từng bước chuyển biến được ý thức của người tham giao thông; quản lý tốt phương tiện, để ngăn chặn lỗi do phương tiện gây ra; cải thiện và quản lý cơ sở hạ tầng.

Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo địa phương, đặc biệt là địa phương lớn, địa phương đang có nhiều chỉ số không tích cực về nguy cơ tai nạn giao thông, tai nạn giao thông nghiêm trọng, cần quan tâm đến những việc làm tích cực để thúc đẩy, động viên; những việc chưa tốt để chấn chỉnh với tinh thần quyết liệt. Mọi người, mọi ngành trong phạm vi quản lý của mình phối hợp thật tốt, chủ động thực thi nhiệm vụ theo phân cấp.

"Các đồng chí không quan tâm, không chủ động thì việc còn nguyên đó," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Các cơ quan truyền thông, tổ chức chính trị xã hội phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền để góp phần chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông, thúc đẩy truyền thông trên nền tảng số, tuyên truyền đúng đối tượng. Lực lượng Cảnh sát giao thông tích cực tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

"Bất kỳ ai can dự, các đồng chí cứ nói liên lạc, nhắn tin cho tôi và tôi sẽ chịu trách nhiệm, không nghiêm không xong," ông nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng giao hai Bộ Công an và Giao thông Vận tải nghiên cứu về việc tăng mức xử phạt, tinh thần là phải đảm bảo tính răn đe. Ông lý giải, có người phạt tiền họ không sợ nhưng giữ bằng lái 1 năm là "khiếp lắm," ngược lại có trường hợp rất khổ, thậm chí không đóng phạt nổi, nhưng hình phạt phụ lại phù hợp với họ, vì thế hình phạt chính và hình phạt phụ làm sao phải hài hòa, có tính răn đe, nhưng không "quá đáng," nằm trong khuôn khổ pháp luật, cụ thể là Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành báo cáo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông quý 2 và phương hướng nhiệm vụ quý 3 năm 2024. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với các tổ chức đoàn thể nghiên cứu nhân rộng các mô hình hay, như mô hình xây dựng Tỉnh an toàn về giao thông của Bắc Ninh.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Bộ Công an cân nhắc rà soát lại cơ quan thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, đánh giá xem Bộ nào thực hiện hiệu quả hơn, kịp thời hơn và tích cực hơn (hiện Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thường trực).

Nêu lên vai trò của việc ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, dữ liệu số, đặc biệt là Đề án 06 vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Phó Thủ tướng chia sẻ trao đổi của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long, tới đây, trên cơ sở pháp luật cho phép, có quyền mua thông tin từ camera gắn trên các xe trên đường về một app của Bộ Công an để làm cơ sở cho việc xử phạt. Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Tài chính làm sao triển khai việc này một cách thông thoáng.

"Bản thân chúng ta khiếp, người thân chúng ta cũng không dám vi phạm vì giờ không chỉ là công an, là camera gắn trên đường, mà cả camera trong các phương tiện đi xung quanh, khả năng lọt lưới rất thấp, hầu như bằng 0, như vậy là xây dựng ý thức tham gia giao thông của tất cả mọi người bằng các biện pháp răn đe - biện pháp hiệu quả nhất," Phó Thủ tướng nêu.

Nhiều địa phương giảm sâu về số người chết do tai nạn giao thông

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Ngô Tân Phượng cho biết tỉnh đang triển khai rất thành công nhiệm vụ xây dựng tỉnh an toàn giao thông, thực sự huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, phường, thôn, xóm, đến họ hàng, dòng tộc... của mỗi người dân trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ban hành và triển khai thành công 6 bộ tiêu chí về an toàn giao thông; xây dựng bộ quy tắc "văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh; gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị và cá nhân không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách, quản lý; theo dõi chặt chẽ công tác xử lý vi phạm để có căn cứ xem xét đánh giá đối với từng cá nhân cán bộ, đảng viên người dân vi phạm pháp luật về giao thông.

Đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáu tháng đầu năm toàn tỉnh xảy ra 80 vụ tai nạn giao thông, làm 36 người chết, 53 người bị thương, giảm 25,9% về số vụ, 35,7% về số người chết và giảm 27,4% số người bị thương.

Là một trong 6 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông giảm trên 30% so với cùng kỳ năm trước, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn xảy ra 808 vụ tai nạn giao thông (kể cả va chạm), làm chết 223 người, bị thương 539 người. So cùng kỳ 2023 giảm 15 vụ (2%), giảm 129 người chết (37%), tăng 83 người bị thương (18%). Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố được kéo giảm rất sâu số người chết so cùng kỳ 2023. Ngoài ra, không để xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục