Ngược dòng Nho Quế thơ mộng, vượt đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ, chúng tôi đến huyện Đồng Văn (Hà Giang) vào một buổi chiều mát mẻ.
Cơn mưa bất chợt giữa mùa hạ oi bức như một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho đồng bào vùng cao. Ngô trên núi đang bước vào kỳ thu hoạch. Ánh mắt vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân đang cần mẫn hái ngô trên núi đá. Một vụ mùa bội thu đã đến...
Hai năm rồi không còn đói nữa
Lối vào thôn Má Lầu (xã Ma Lé) gập ghềnh, cheo leo. Đoạn đường gần 5km toàn ổ gà và đá cuội, nước mưa quyện vào khiến đất đỏ trở nên trơn trợt. Chúng tôi đi bộ, phải bám vào nhau cho khỏi ngã.
Vuốt nước mưa trên mặt, đồng chí cán bộ xã Ma Lé kể: Do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn nên người dân thôn này nghèo lắm. Nhưng vài năm nay, được Chính phủ quan tâm nên cuộc sống đã tốt hơn nhiều rồi.
Trong căn nhà nhỏ nằm chênh vênh lưng chừng núi, anh Lò Đình Thiêu cùng mấy người bạn hàng xóm vừa nhâm nhi chén trà bên bếp lửa, vừa ngắm những hạt mưa đang tuôn xuống mái hiên với vẻ mặt phấn khích. Anh hào hứng chia sẻ: Năm nay, cả làng lại được mùa rồi.
“Được mùa” đối với người dân xã Ma Lé nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Văn nói chung nghĩa là có đủ ngô ăn quanh năm mà không phải nhận lương thực cứu đói giáp hạt từ Chính phủ.
Từ bao đời, người dân nơi đây chỉ dám coi “được mùa” là một giấc mơ. Giờ đây, giấc mơ giản dị ấy đã trở thành sự thật. Tất cả đều nhờ vào giống ngô mới cho năng suất cao. Anh Thiêu vui mừng khoe: Từ ngày trồng giống ngô mới, nhà tôi đã đủ ăn rồi, những lúc rảnh rỗi tôi lại cùng bạn bè đi vác đá thuê lấy tiền đóng học cho con. Hai năm qua, gia đình tôi không còn đói nữa…
Chia tay anh Thiêu, chúng tôi đến gặp vợ chồng anh Thào Mí Quyền khi trời nhá nhem tối. Dường như đây là ngôi nhà đơn sơ nhất mà chúng tôi từng gặp. Mái nhà lợp bằng phi-brô xi măng đã thủng lỗ chỗ, có lẽ đã nhiều năm chưa được tu sửa. Tường nhà trát đất, với nhiều chỗ vỡ toang hoác. Trong nhà không có bất cứ đồ dùng có giá trị nào.
Thiếu thốn là thế nhưng khi nói về cuộc sống hiện tại, khuôn mặt anh Quyền vẫn ánh lên niềm vui: Vợ chồng tôi có gần 1ha đồi, những năm trước còn trồng ngô địa phương, thường một năm chỉ đủ ăn chín tháng, nhưng giờ thì không thiếu lương thực nữa rồi. Giống ngô mới cho ra nhiều bắp lắm. Cán bộ huyện không chỉ mang hạt giống đến cho, mà còn hướng dẫn cách gieo trồng rất cụ thể. Cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm.
Không chỉ riêng gia đình anh Thiêu, anh Quyền, hầu hết bà con trên Cao nguyên đá Đồng Văn đều cảm thấy phấn khởi khi cuộc sống của họ đang dần đổi thay. Thiếu thì vẫn thiếu, nghèo vẫn còn nghèo, nhưng chí ít cái bụng của họ cũng đã đủ no, cái dạ dày cũng đã đủ ấm trong những ngày đông giá rét…
Tạm biệt những gia đình nông dân chân chất đúng lúc màn đêm đã bao phủ toàn núi rừng, chúng tôi được anh Vừ Mí Già - cán bộ tư pháp xã Ma Lé mời về nhà anh gần đó nghỉ đêm. Bên chén rượu ngô ấm nồng, câu chuyện xoay quanh cuộc sống mưu sinh của đồng bào dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá khô cằn hiện lên như một bức tranh sống động qua lời kể của anh.
Hiệu quả của chương trình 30a
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, xã Ma Lé có địa hình phức tạp, thời tiết diễn biến bất thường, thiếu nước, thiếu đất canh tác… nên diện tích trồng lúa rất hạn chế. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây chỉ trông chờ vào đàn gia súc nhỏ lẻ và cây ngô được trồng trên các hốc đá.
Tuy nhiên, giống ngô của địa phương đã thoái hóa, cho năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài và sức chịu đựng trước thời tiết khắc nghiệt kém.
Trước năm 2008, đời sống của hơn 3.000 nhân khẩu xã Ma Lé luôn trong tình trạng đói nghèo, bấp bênh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, Ma Lé là một trong những xã nghèo của huyện Đồng Văn.
Viện Nghiên cứu ngô Việt Nam và một số trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều loại ngô lai có năng suất cao như NK54, NK66, NK4300…, song các hộ nghèo nơi đây lại không có tiền để mua hạt giống.
Chương trình giảm nghèo bền vững 30ha của Chính phủ được triển khai năm 2009, nhằm hỗ trợ 61 huyện nghèo trên toàn quốc, như một dòng suối mát chảy vào Cao nguyên đá Đồng Văn vốn quanh năm hạn hán.
Ngoài việc xúc tiến nhiều dự án như xây trường học, trạm xá, hỗ trợ vốn chăn nuôi, việc cung cấp miễn phí 100% giống ngô năng suất cao cho các hộ nghèo được coi là hiệu quả bền vững trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, địa bàn và các dân tộc.
Anh Hầu Mí Say - Chủ tịch xã Ma Lé vui mừng cho biết: Hiện tất cả người dân trong xã đã chuyển sang trồng giống ngô lai mới. Năng suất của giống ngô mới tăng gần gấp đôi so với giống ngô địa phương, từ 35 tạ/ha lên hơn 50 tạ/ha, nên đa số người dân đã đủ ăn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 69% (năm 2010) xuống còn 60% (năm 2012). Có được những thành tựu như vậy là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Lương Đình Đoàn - Phó phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn, việc triển khai và áp dụng các giống ngô lai đã đem lại hiệu quả cao. Các giống ngô lai mới như NK54, NK66, NK4300… được nghiên cứu phù hợp với điều kiện khô hạn, cây thấp và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Phòng Nông nghiệp thường xuyên cử cán bộ xuống các xã để hướng dẫn bà con cách gieo trồng và chăm sóc ngô.
Những ngày đầu tháng Tám, các cung đường trên Cao nguyên đá đẹp hơn khi được tô điểm bởi những “vựa” ngô đang bước vào kỳ thu hoạch. Chúng tôi chia tay Đồng Văn khi hoàng hôn buông xuống từng sườn đồi, vách núi, khói lam chiều lan tỏa núi rừng. Một cuộc sống ấm no đang đến với bà con các dân tộc thiểu số nơi biên cương địa đầu Tổ quốc./.
Cơn mưa bất chợt giữa mùa hạ oi bức như một món quà vô giá mà thượng đế ban tặng cho đồng bào vùng cao. Ngô trên núi đang bước vào kỳ thu hoạch. Ánh mắt vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân đang cần mẫn hái ngô trên núi đá. Một vụ mùa bội thu đã đến...
Hai năm rồi không còn đói nữa
Lối vào thôn Má Lầu (xã Ma Lé) gập ghềnh, cheo leo. Đoạn đường gần 5km toàn ổ gà và đá cuội, nước mưa quyện vào khiến đất đỏ trở nên trơn trợt. Chúng tôi đi bộ, phải bám vào nhau cho khỏi ngã.
Vuốt nước mưa trên mặt, đồng chí cán bộ xã Ma Lé kể: Do địa hình phức tạp, đi lại khó khăn nên người dân thôn này nghèo lắm. Nhưng vài năm nay, được Chính phủ quan tâm nên cuộc sống đã tốt hơn nhiều rồi.
Trong căn nhà nhỏ nằm chênh vênh lưng chừng núi, anh Lò Đình Thiêu cùng mấy người bạn hàng xóm vừa nhâm nhi chén trà bên bếp lửa, vừa ngắm những hạt mưa đang tuôn xuống mái hiên với vẻ mặt phấn khích. Anh hào hứng chia sẻ: Năm nay, cả làng lại được mùa rồi.
“Được mùa” đối với người dân xã Ma Lé nói riêng và đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Văn nói chung nghĩa là có đủ ngô ăn quanh năm mà không phải nhận lương thực cứu đói giáp hạt từ Chính phủ.
Từ bao đời, người dân nơi đây chỉ dám coi “được mùa” là một giấc mơ. Giờ đây, giấc mơ giản dị ấy đã trở thành sự thật. Tất cả đều nhờ vào giống ngô mới cho năng suất cao. Anh Thiêu vui mừng khoe: Từ ngày trồng giống ngô mới, nhà tôi đã đủ ăn rồi, những lúc rảnh rỗi tôi lại cùng bạn bè đi vác đá thuê lấy tiền đóng học cho con. Hai năm qua, gia đình tôi không còn đói nữa…
Chia tay anh Thiêu, chúng tôi đến gặp vợ chồng anh Thào Mí Quyền khi trời nhá nhem tối. Dường như đây là ngôi nhà đơn sơ nhất mà chúng tôi từng gặp. Mái nhà lợp bằng phi-brô xi măng đã thủng lỗ chỗ, có lẽ đã nhiều năm chưa được tu sửa. Tường nhà trát đất, với nhiều chỗ vỡ toang hoác. Trong nhà không có bất cứ đồ dùng có giá trị nào.
Thiếu thốn là thế nhưng khi nói về cuộc sống hiện tại, khuôn mặt anh Quyền vẫn ánh lên niềm vui: Vợ chồng tôi có gần 1ha đồi, những năm trước còn trồng ngô địa phương, thường một năm chỉ đủ ăn chín tháng, nhưng giờ thì không thiếu lương thực nữa rồi. Giống ngô mới cho ra nhiều bắp lắm. Cán bộ huyện không chỉ mang hạt giống đến cho, mà còn hướng dẫn cách gieo trồng rất cụ thể. Cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm.
Không chỉ riêng gia đình anh Thiêu, anh Quyền, hầu hết bà con trên Cao nguyên đá Đồng Văn đều cảm thấy phấn khởi khi cuộc sống của họ đang dần đổi thay. Thiếu thì vẫn thiếu, nghèo vẫn còn nghèo, nhưng chí ít cái bụng của họ cũng đã đủ no, cái dạ dày cũng đã đủ ấm trong những ngày đông giá rét…
Tạm biệt những gia đình nông dân chân chất đúng lúc màn đêm đã bao phủ toàn núi rừng, chúng tôi được anh Vừ Mí Già - cán bộ tư pháp xã Ma Lé mời về nhà anh gần đó nghỉ đêm. Bên chén rượu ngô ấm nồng, câu chuyện xoay quanh cuộc sống mưu sinh của đồng bào dân tộc thiểu số trên Cao nguyên đá khô cằn hiện lên như một bức tranh sống động qua lời kể của anh.
Hiệu quả của chương trình 30a
Nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, xã Ma Lé có địa hình phức tạp, thời tiết diễn biến bất thường, thiếu nước, thiếu đất canh tác… nên diện tích trồng lúa rất hạn chế. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây chỉ trông chờ vào đàn gia súc nhỏ lẻ và cây ngô được trồng trên các hốc đá.
Tuy nhiên, giống ngô của địa phương đã thoái hóa, cho năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài và sức chịu đựng trước thời tiết khắc nghiệt kém.
Trước năm 2008, đời sống của hơn 3.000 nhân khẩu xã Ma Lé luôn trong tình trạng đói nghèo, bấp bênh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, Ma Lé là một trong những xã nghèo của huyện Đồng Văn.
Viện Nghiên cứu ngô Việt Nam và một số trung tâm nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nghiên cứu và cho ra đời nhiều loại ngô lai có năng suất cao như NK54, NK66, NK4300…, song các hộ nghèo nơi đây lại không có tiền để mua hạt giống.
Chương trình giảm nghèo bền vững 30ha của Chính phủ được triển khai năm 2009, nhằm hỗ trợ 61 huyện nghèo trên toàn quốc, như một dòng suối mát chảy vào Cao nguyên đá Đồng Văn vốn quanh năm hạn hán.
Ngoài việc xúc tiến nhiều dự án như xây trường học, trạm xá, hỗ trợ vốn chăn nuôi, việc cung cấp miễn phí 100% giống ngô năng suất cao cho các hộ nghèo được coi là hiệu quả bền vững trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, địa bàn và các dân tộc.
Anh Hầu Mí Say - Chủ tịch xã Ma Lé vui mừng cho biết: Hiện tất cả người dân trong xã đã chuyển sang trồng giống ngô lai mới. Năng suất của giống ngô mới tăng gần gấp đôi so với giống ngô địa phương, từ 35 tạ/ha lên hơn 50 tạ/ha, nên đa số người dân đã đủ ăn. Tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 69% (năm 2010) xuống còn 60% (năm 2012). Có được những thành tựu như vậy là nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.
Theo ông Lương Đình Đoàn - Phó phòng Nông nghiệp huyện Đồng Văn, việc triển khai và áp dụng các giống ngô lai đã đem lại hiệu quả cao. Các giống ngô lai mới như NK54, NK66, NK4300… được nghiên cứu phù hợp với điều kiện khô hạn, cây thấp và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Phòng Nông nghiệp thường xuyên cử cán bộ xuống các xã để hướng dẫn bà con cách gieo trồng và chăm sóc ngô.
Những ngày đầu tháng Tám, các cung đường trên Cao nguyên đá đẹp hơn khi được tô điểm bởi những “vựa” ngô đang bước vào kỳ thu hoạch. Chúng tôi chia tay Đồng Văn khi hoàng hôn buông xuống từng sườn đồi, vách núi, khói lam chiều lan tỏa núi rừng. Một cuộc sống ấm no đang đến với bà con các dân tộc thiểu số nơi biên cương địa đầu Tổ quốc./.
Đỗ Bình (TTXVN)