Mua ngân hàng với giá "0" đồng: Sự công bằng hay giải pháp tình thế?

Nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp Ngân hàng Nhà nước bắt buộc mua lại một số ngân hàng với giá "0" đồng chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng.
Mua ngân hàng với giá "0" đồng: Sự công bằng hay giải pháp tình thế? ảnh 1Các đại biểu tham dự tại tọa đàm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian gần đây, việc Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại số cổ phần của ba tổ chức tín dụng (VNCB, Ocean Bank, GP.Bank) với giá "0" đồng đang nhận được sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà điều hành, các chuyên gia và dư luận.

Có nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề lien quan đến cơ sở pháp lý của việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần của 3 tổ chức tín dụng này, về cơ sở của giá 0 đồng, về tác động đối với nền kinh tế, cổ đông và đối với người gửi tiền…

Tại buổi tọa đàm “Nhu cầu hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu và đáp ứng yêu cầu hội nhập” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban thường vụ Quốc hội) tổ chức chiều 26/10, bên cạnh việc ủng hộ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, các đại biểu cũng khuyến nghị chỉ nên coi đây là giải pháp trước mắt và giải pháp tình thế.

Đủ điều kiện pháp lý

Có ý kiến cho rằng, tại sao không phải là mua với giá 1 đồng như một số thương vụ sáp nhập và mua lại M&A như trên thế giới mà lại là "0" đồng.

Tại buổi tọa đàm, Luật sư Đặng Dung thuộc Công ty Luật Đặng Dung cho rằng, trong bối cảnh hiện như nay, Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại cổ phần của ba ngân hàng yếu kém được kiểm soát đặc biệt là ​nhằm để giải quyết vấn đề mang tính đại cục. Đó là tránh đổ vỡ hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.

“Các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua thời gian vừa qua hoàn toàn do công ty định giá độc lập tính toán định giá. Giá trị thực vốn điều lệ của các ngân hàng này thậm chí là âm đồng, chứ không phải 0 đồng. Việc Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần với giá 0 đồng/cổ phần là trên cơ sở kết quả kiểm toán độc lập đối với tài sản của tổ chức tín dụng, giá trị cổ phiếu,” luật sư Đặng Dung nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm trên, bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích: Người gửi tiền thường không yên tâm khi gửi ở các ngân hàng có xu hướng bị sáp nhập, hợp nhất hay chia tách. Việc tìm giải pháp để ngăn chặn tình trạng người gửi tiền đồng loạt rút tiền ồ ạt ra khỏi một ngân hàng là điều mà các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đặc biệt quan tâm, bởi đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất an toàn hệ thống.

Bà Nga cho rằng, đây là giải pháp phù hợp trong điều kiện hiện nay và là những bước đi đầu tiên rất quan trọng để tiến tới triển khai thực hiện thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo tố tụng tư pháp quy định tại Luật phá sản Quốc hội vừa thông qua năm 2014.

Theo bà Nga, biện pháp mà Ngân hàng Nhà nước mua lại cổ phần của các tổ chức tín dụng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt đã được quy định khá rõ ràng, đầy đủ trong Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cả 3 phương diện: thẩm quyền, điều kiện và trình tự, thủ tục áp dụng.

Mua ngân hàng với giá "0" đồng: Sự công bằng hay giải pháp tình thế? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

"Tiến tới phải để phá sản"

Bà Nga chỉ ra Luật các tổ chức tín dụng tại điều 155, Luật phá sản tại chương VIII đã dự liệu tình huống và cho phép mở thủ tục phá sản của tổ chức tín dụng, nhưng trong giai đoạn từ 2011-2015 với mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ mất an toàn hoạt động ngân hàng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thì chủ trương của Chính phủ về việc chưa áp dụng phá sản tổ chức tín dụng theo quy định của Luật phá sản là phù hợp trong thời điểm hiện tại.

“Tuy nhiên, dưới góc độ pháp lý, bên cạnh việc ủng hộ thì chúng tôi khuyến nghị chỉ nên coi đây là giải pháp trước mắt, giải pháp tình thế,” bà Nga nhấn mạnh.

Theo bà Nga, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng đánh giá, giải pháp Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền.

Hơn nữa, để các tổ chức tín dụng phá sản sẽ công bằng hơn vì như vậy Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế của những người dân không được lợi gì từ ngân hàng này (những người dân không phải là cổ đông hay người gửi tiền tại tổ chức tín dụng).

“Chúng tôi rất chia sẻ với các cổ đông của các tổ chức tín dụng khi họ bị ảnh hưởng quyền lợi do ngân hàng mà họ có phần sở hữu đã rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt và phải bán bắt buộc,” bà Nga chia sẻ.

Tuy nhiên, bà Nga nhận định rằng để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp hữu hiệu chống lại thói “ỷ thế làm liều” của cả hai bên.

"Qua đó chúng tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt nhất là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phá sản theo thẩm quyền để có thể thực hiện được quy định phá sản đối với tổ chức tín dụng trong thời gian tới," bà Nga phát biểu.

Ở góc độ cơ quan quản lý pháp luật, ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đưa ra một số kiến nghị về việc tiếp tục rà soát hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật.

Cụ thể, đối với những tổ chức tín dụng yếu kém có nguy cơ đổ vỡ, Ngân hàng Nhà nước phải có cảnh báo trước để các ngân hàng không rơi vào tình trạng phải giải thể, phá sản hay mua lại…

Còn luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cũng kiến nghị, quá trình xử lý 3 ngân hàng nói trên là một việc làm vô cùng đặc biệt, ảnh hưởng khá mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư nói chung, của các cổ đông ngân hàng nói riêng, vì vậy Ngân hàng Nhà nước phải công bố thông tin một cách cụ thể, đầy đủ, kịp thời, minh bạch và giải thích rõ ràng, chính xác về cơ sở pháp lý, cũng như thực trạng của các ngân hàng bị mua với giá "0" đồng.

Vì vậy, để đảm bảo chắc chắn và rõ ràng cơ sở pháp lý để xử lý các trường hợp trên, ông Đức cho rằng cần xem xét sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 hoặc sửa Luật Trưng mua, trưng dụng năm 2008 theo hướng cho phép nhận chuyển nhượng bắt buộc phần vốn góp hoặc cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục