Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng cho vùng ngoại thành Hà Nội

Mưa lớn kéo dài mấy ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người (hai người tử vong) và hàng nghìn ha rau màu, lúa, cây ăn quả bị ngập sâu trong nước.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, mưa lớn kéo dài mấy ngày qua đã gây thiệt hại nặng nề về người (hai người tử vong) và hàng nghìn ha rau màu, lúa, cây ăn quả bị ngập sâu trong nước.

Riêng nuôi trồng thủy sản tính đến tối 12/10, trên địa bàn thành phố đã có gần 4.288ha nuôi trồng thủy sản bị ngập; trong đó, huyện Ứng Hòa 2.982ha, Quốc Oai 325ha, Mỹ Đức 856ha, Chương Mỹ 126ha.

Ngoài ra, theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, mưa lớn đã làm nhiều sông nội địa như Bùi, Tích, Nhuệ, Mỹ Hà... nước lên ở mức báo động 2 và 3, gây sạt lở nhiều tuyến đê trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Phú Xuyên, Quốc Oai...

Tại huyện Quốc Oai, do nước sông Tích lên nhanh nên nhiều gia đình nuôi cá lồng bè trên địa bàn huyện đã bị nước lũ cuốn trôi. Nhiều gia đình nuôi cá lồng bè của huyện Quốc Oai thiệt hại ước tính khoảng từ 100 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng đối với các gia đình có mô hình nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.

Theo chính quyền xã Cấn Hữu, có 272 hộ dân ở thôn Đĩnh Tú và Cấn Hạ bị ngập, trong đó có 23 hộ dân bị ngập hoàn toàn đã được di chuyển tới vùng an toàn; 145ha rau màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập; hơn 8.400 vịt con bị chết và thất lạc.

Tại huyện Chương Mỹ, nhiều hộ nông dân nuôi lợn, gà, cá cũng đã lâm vào cảnh trắng tay. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Chương Mỹ, Đinh Mạnh Hùng cho biết mưa lũ đã làm ngập khoảng 92ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch; 842,4ha cây vụ Đông bị hư hỏng; diện tích cây ăn quả bị ngập khoảng 63,8ha; 125ha nuôi trồng thủy sản có nguy cơ mất trắng; làm chết hàng nghìn con gia súc, gia cầm.

Đáng chú ý, có 9.900m đê trên địa bàn huyện bị ngập, trong đó nghiêm trọng nhất là đê hữu Bùi đoạn qua xã Hoàng Văn Thụ có 10m bị vỡ do lở; một số địa bàn dân cư, vùng sản xuất bị ngập nặng.

[Cuộc sống ngày mưa lũ trên vùng rốn nước của Thủ đô Hà Nội]

Hiện nay, huyện Chương Mỹ đang phối hợp với các lực lượng thực hiện các biện pháp khẩn cấp khắc phục sự cố đê ở xã Hoàng Văn Thụ, kiểm tra giám sát chặt chẽ toàn tuyến đê, gia cố ngay các điểm xung yếu. Các cơ quan chức năng thành phố tập trung mọi biện pháp để bơm rút nước, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng khi nước rút đến đâu phải chăm lo ngay việc phòng, chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm đến đó.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội tính đến chiều ngày 12/10 trên địa bàn thành phố Hà Nội có 178ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Thạch Thất ngập sâu nước; trong đó, lúa là 17ha, rau màu 1ha; 160ha rau màu ngập sâu nước huyện Gia Lâm.

Mưa lớn, nước sông lên nhanh, lũ về cuồn cuộn, cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ngoại thành Hà Nội lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều tài sản như lúa, hoa màu, gia súc, gia cầm, thủy sản... bị nhấn chìm trong nước.

Trước tình hình này, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân vùng bị mưa lũ, nhất là về sức khỏe, tình hình ăn, ở của từng hộ dân, từng thôn, xóm trong vùng ngập lụt; cung cấp đẩy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, lấy sự an toàn của người dân là ưu tiên số một.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) cùng nhân dân xóm Trại đã chủ động xử lý chống tràn 50m đoạn đê bao đầu xóm Trại. Sáng 12/10, huyện đã chỉ đạo xã Cần Kiệm huy động lực lượng xử lý 25m sạt lở đoạn bờ bao đê bờ hữu sông Tích.

Tại huyện Mỹ Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đặng Văn Triều cho biết: Do ảnh hưởng của mưa lũ, huyện chỉ đạo vận hành 11 trạm bơm tiêu úng với 37 máy, tổng công suất 130.400m3/giờ. Huyện Ba Vì yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, phát hiện và báo cáo kịp thời các sự cố đê điều, công trình thủy lợi để kịp thời di dời nhân dân đến nơi an toàn; theo dõi chặt chẽ những điểm sạt lở tại các xã Cổ Đô, Thái Hòa, Chu Minh, Đông Quang, Cam Thượng, Minh Quang...

Ông Nguyễn Vính Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, để chủ động đối phó với diễn biến phức tạp, khó lường của thời tiết, Chi cục Thủy lợi Hà Nội đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã; các doanh nghiệp thủy lợi thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban 24/24 giờ; thường xuyên cập nhật thông tin, số liệu và ứng phó với diễn biến mưa bão, tình hình thiệt hại trên địa bàn về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi Hà Nội theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục