Mưa lũ chia cắt quốc lộ ở Phú Yên, nguy cơ sạt lở tại Đắk Lắk

Mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt và sạt lở tại nhiều khu vực của tỉnh Phú Yên; tại Đắk Lắk, mưa lũ cũng gây thiệt hại đáng kể về người, sản xuất, hạ tầng ở nhiều huyện trên địa bàn.
Vào lúc 11h30 ngày 30/11/2021, sạt lở đã xảy ra tại km 100+200 Quốc lộ 19C khu vực Đèo Trà Kê, huyện Sơn Hòa (Phú Yên). (Ảnh: TTXVN)

Mưa lớn kéo dài những ngày qua cùng với các nhà máy thủy điện ở Phú Yên tiến hành xả lũ nên nhiều khu dân cư, công trình đường giao thông tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tuy An, Tây Hòa bị ngập sâu gây chia cắt.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, lượng mưa trong ba ngày từ ngày 27 đến trưa 30/11 tại Phú Yên phổ biến từ 122,2mm đến 425,4mm, trong đó nơi có lượng mưa lớn nhất tại xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) là 425,4mm.

Hiện tại, mực nước trên sông Ba tại trạm Củng Sơn là 31,32m, dưới báo động 3 là 0,23m; mực nước trên sông Kỳ Lộ tại trạm Hà Bằng dưới mức báo động 3 là 0,23m; nước trên sông Bánh Lái tại Hòa Mỹ dưới báo động 2 là 0,54m.

Mưa lớn khiến lưu lượng nước đổ về các hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện lớn, Nhà máy Thủy điện sông Ba Hạ đã xả lũ và chạy máy khoảng 4.000 m3/giây.

Trong khi đó, Nhà máy Thủy điện Sông Hinh xả lũ và chạy máy 1.554 m3/giây. Còn Nhà máy Thủy điện Krông H’năng xả lũ với lưu lượng 1.456 m3/giây. Riêng Nhà máy Thủy điện La Hiêng 2 lưu lượng nước chảy qua tràn là 518,36 m3/giây và lưu lượng nưới chạy máy là 21,25 m3/giây.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, tỉnh đã thống nhất cho Thủy điện Sông Hinh và Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với tổng lượng về hạ du có thể lên 9.000 m3/giây.

Tuy nhiên, thủy triều có thể đạt đỉnh vào khoảng 19h ngày 30/11 nên tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu hai thủy điện xả lũ bảo đảm lượng nước về hạ du phù hợp lịch thủy triều, giảm thiệt hại cho hạ du. Tỉnh cũng yêu cầu huyện Sông Hinh sẵn sàng sơ tán dân.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, mưa lớn kết hợp các nhà máy thủy điện xã lũ nên nhiều khu vực tại Phú Yên đang bị ngập sâu, tại một số nơi xảy ra sạt lở, gây ách tắc giao thông.

Cụ thể, vào lúc 11h30 ngày 30/11 đã xảy ra sạt lở đất đá tại Km 100+200 Quốc lộ 19C, khu vực Đèo Trà Kê (thôn Ma Gú, xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa). Một lượng đất đá lớn đã sạt xuống che chắn hết mặt đường, lực lượng chức năng địa phương đang tổ chức phân luồng hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực.

Mực nước sông Ba dâng cao khiến tuyến Quốc lộ 25 qua địa bàn xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) bị ngập sâu gần 1m, các phương tiện không thể lưu thông qua lại.

[Lũ lớn tại Bình Định, hơn 16.500 căn nhà bị ngập, giao thông chia cắt]

Trên tuyến Quốc lộ 29 đoạn qua thôn Tân Mỹ (xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa) nước lũ dâng cao ngập qua đường 0,4m gây chia cắt, các phương tiện giao thông không thể qua lại. Chính quyền các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tây Hòa đã lập chốt tại hai đầu tuyến, không cho người và phương tiện qua lại, đảm bảo an toàn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Tây Hòa Đỗ Văn Cấp cho biết, nước lũ từ sông Ba dâng cao đang gây ngập một số khu dân cư sống dọc sông Ba qua địa bàn huyện.

Vào lúc 12h ngày 30/11 nước lũ sông Ba đã gây ngập sâu vào nhà dân khu dân cư thôn Thành An, xã Sơn Thành Đông, các lực lượng chức năng của địa phương đã khẩn trương sơ tán 28 hộ, với 46 khẩu đến điểm Trường Tiểu học thôn Thành An.

Trực tiếp đi kiểm tra hiện trường các khu vực ngập lụt tại khu vực cầu Bến Nhát, xã An Định, khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, mưa lớn cùng với các nhà máy thủy điện xả lũ nên khả năng nước lũ sẽ dâng cao, gây ngập lụt các khu dân cư.

Mưa to khiến tuyến đường Hùng Vương, thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), ngập sâu 0,6m gây khó khăn cho người dân khu lưu thông. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Chính quyền địa phương cần khẩn trương huy động lực lượng vũ trang, cán bộ đoàn thể, mặt trận xuống tận khu dân cư hỗ trợ di dời người dân từ các khu vực ngập, nguy cơ đến các nơi an toàn.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên nhấn mạnh, việc di dời người dân đến các khu vực tránh lũ tập trung ngoài việc đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bà con thì đồng thời cần lưu ý đến sự an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Đắk Lắk cảnh báo nguy cơ sạt lở trên các sông, suối

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của rìa Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa tăng cường mạnh xuống phía Nam kết hợp rãnh áp thấp ở phía Nam và nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ ngày 27-30/11, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa vừa đến mưa to.

Lượng mưa đo được có nơi lên đến hơn 250mm như: Trạm Ea Pil (huyện M’Đrắk) 253,8mm. Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại về người, sản xuất, hạ tầng tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông, Ea H’leo, Krông Năng.

Trên địa bàn tỉnh đã có 2 người chết và mất tích do ảnh hưởng của mưa lũ. Cụ thể, khoảng 7h ngày 28/11, chị Sùng Thị Cúng (sinh năm 1983), trú tại Thôn 9 (xã Cư Króa) khi đi làm rẫy (dọc theo bờ suối) đã trượt chân, rơi xuống suối và mất tích.

Công an tỉnh đã cử 10 cán bộ, chiến sỹ cùng 1 xe cứu hộ, cứu nạn để tìm kiếm nạn nhân. Vào trưa 29/11, bà Lý Thị Pao (sinh năm 1960) trú ở Thôn 10 (xã Cư San) trên đường đi làm về đã bị trượt chân, rơi xuống suối. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể nạn nhân và bàn giao cho gia đình an táng.

Mưa lũ cũng làm nhiều tuyến đường, cầu cống trên địa bàn các huyện Ea Kar, Krông Bông, M’Đrắk bị ngập, gây chia cắt giao thông cục bộ. Nghiêm trọng nhất là tình trạng sạt lở khu vực chân cầu Thống Nhất (đoạn qua thôn 2A, xã Ea Ô, bắc qua sông Krông Pắc) nằm trên tuyến đường huyện ĐH07.1 từ Ea Ô-Cư Bông-Cư Yang.

Phần mố M2 bị sạt lở khoảng 12m (nước luồn phía dưới cuốn trôi hoàn toàn phần đất nền, chỉ còn phần bê tông mặt đường, có nguy cơ bị sập đổ), chiều sâu hố xói khoảng 6-7m, gây chia cắt giao thông. Sự cố trên đã khiến các phương tiện qua lại phải đi đường tránh, xa hơn khoảng 25km.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đã tổ chức đoàn kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, không cho người và các phương tiện lưu thông qua lại.

Hiện nay, mực nước sông Krông Pắc đang lên, tình hình sạt lở bờ sông ảnh hưởng đến cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Các địa phương đã tổ chức trực, hướng dẫn giao thông tại các điểm bị ngập.

Ngoài ra, nhiều ao cá, diện tích hoa màu của người dân bị ngập úng gây thiệt hại cho nhân dân.

Nước lũ sông Kỳ Lộ dâng cao gây ngập tuyến đường DT641 từ xã An Định, huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân và chia cắt người dân di chuyển trên tuyến đường sắt tại Phú Yên. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Dự báo, trên địa bàn Đắk Lắk tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Các huyện Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối vừa và nhỏ, ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp.

Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu các địa phương chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; tổ chức trực ban suốt 24 giờ trong ngày; cập nhật báo cáo tình hình diễn biến thời tiết, thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định.

Các địa phương có khả năng bị ảnh hưởng lớn như Ea Kar, M’Đrắk phải cử lực lượng, chủ động triển khai phương án phòng chống mưa, lũ, sẵn sàng sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở (khi cần thiết)./.

Nhiều khu vực tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định bị ngập trong nước lũ. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Nhà người dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định bị ngập sâu. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Công an huyện Tuy Phước dầm mình trong nước lũ hỗ trợ di chuyển người dân. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Công an huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định hỗ trợ di dời người dân xã Phước Nghĩa. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Người dân huyện Tuy Phước di chuyển bằng ghe thuyền. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Người dân huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định được lực lượng chức năng hỗ trợ di dời đến nơi an toàn. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ-Công an tỉnh Gia Lai cứu hộ 14 hộ dân đến nơi an toàn. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ-Công an tỉnh Gia Lai cứu hộ 14 hộ dân đến nơi an toàn. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Gia Lai cứu hộ 14 hộ dân đến nơi an toàn. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Các lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đã và đang nỗ lực đảm bảo an toàn tính mạng người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Ngay trong tối 29, rạng sáng 30/11, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai cùng các huyện phía Đông Nam tỉnh đã triển khai cứu hộ, kịp thời đưa người dân bị cô lập đến nơi an toàn. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an tỉnh Gia Lai cứu hộ 14 hộ dân đến nơi an toàn. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục