Mưa lớn ở Phú Quốc, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách

Mưa lớn đã làm ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản của người dân ở Phú Quốc, đặc biệt trên đảo đang tập trung đông khách du lịch.
Hàng loạt chuyến bay của Vietjet và Vietnam Airlines tại sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) phải hoãn và hủy chuyến do thời tiết xấu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ngày 9/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã ban hành Công điện số 12 gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng.

Nội dung Công điện nêu rõ theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 2-9/8, trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa trên 1.100mm (tính riêng từ 19 giờ ngày 8/8 đến 13 giờ ngày 9/8 đã đạt 335mm).

Mưa lớn đã làm ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản của nhân dân, đặc biệt trên đảo đang tập trung đông khách du lịch và có nhiều công trình đang xây dựng.

Để đảm bảo an toàn cho nhân dân và khách du lịch trên đảo, giảm thiểu thiệt hại do mưa, nhất là trong những ngày tới theo dự báo còn tiếp tục xảy ra mưa lớn, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện việc tập trung triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch trên đảo; tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, canh gác, hướng dẫn, phân luồng đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông qua những nơi nguy hiểm, ngập sâu, chia cắt.

[Ngập cục bộ tại Phú Quốc, nhiều thiệt hại về tài sản và hoa màu]

Lực lượng chức năng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, thông tin kịp thời, đầy đủ đến chính quyền, người dân trên đảo để chủ động ứng phó; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ"; huy động lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để tổ chức cứu trợ tại những nơi bị sập lụt, chia cắt, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh.

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến thiên tai và tình hình ngập lụt để các cấp chính quyền địa phương và người dân chủ động phòng tránh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục