Mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập nhiều nơi tại Thành phố Hồ Chí Minh

Mưa lớn đồng loạt trút xuống nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức; lượng mưa từ 30-40mm kéo dài đến hơn 16 giờ 30 phút mới bắt đầu tạnh khiến nhiều tuyến đường ngập nước.
Ngập úng sâu ở cây xăng trên đường Nguyễn Văn Linh, Quận 8. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 17/10, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài gần một giờ đồng hồ kết hợp với triều cường dâng cao vượt mức báo động 3 tại một số khu vực, nhiều tuyến đường tại Thành phố chìm trong “biển nước,” giao thông ùn tắc.

Theo ghi nhận từ Ứng dụng cảnh báo ngập UDI Maps của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, mưa lớn đồng loạt trút xuống nhiều quận, huyện và thành phố Thủ Đức; lượng mưa từ 30-40mm kéo dài đến hơn 16 giờ 30 phút mới bắt đầu tạnh khiến nhiều tuyến đường ngập nước.

Mưa lớn vào đúng thời điểm triều cường lên cao vượt báo động 3 đã gây ngập úng nhiều tuyến đường trũng thấp ven sông, ven kênh rạch.

Tại Quận 7, ngập nặng nhất trên tuyến đường Trần Xuân Soạn do nước từ Kênh Tẻ tràn lên mặt đường kết hợp mưa. Tuyến đường này vốn là khu vực “rốn ngập” của Quận 7 mỗi khi có mưa to hay triều cường từ nhiều năm nay. Đoạn ngập tại đây kéo dài đến vài trăm mét đường. Nước dâng cao đến hết bánh xe máy khiến nhiều phương tiện bị chết máy, người dân phải dắt bộ.

Cách đó không xa, đường Huỳnh Tấn Phát (Quận 7) bị ngập nước hết mặt đường, người dân phải dắt bộ phương tiện áp sát dải phân cách. Nhiều hộ dân, hộ kinh doanh dọc hai bên những tuyến đường trên đều bị nước ngập tràn vào trong nhà, phải dùng dụng cụ chắn hoặc tát nước ra ngoài; sinh hoạt và công việc buôn bán bị ảnh hưởng nặng nề.

Chị Trương Thị Quỳnh Anh, sinh sống trên đường Trần Xuân Soạn cho biết, người dân tại đây đã quá quen với cảnh ngập nặng mỗi khi mưa to hoặc vào mùa triều cường. Nhiều hộ dân cứ tới thời điểm triều lên là phải đắp bao cát xung quanh để ngăn nước tràn vào nhà, nhưng đôi lúc vẫn không có tác dụng do nước dâng quá cao.

Tình trạng này kéo dài nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Người dân rất mong chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ngập mỗi khi mưa hoặc triều cường.

Tại huyện Bình Chánh, do hệ thống đê kè chưa hoàn thiện nên nước từ các tuyến sông, rạch tràn lên bờ, gây ngập ở nhiều khu vực. Trong đó, ngập nặng nhất là khu dân cư Bình Hưng khi triều dâng ngay giờ tan tầm, hàng loạt phương tiện giao thông chết máy, nhiều người dân phải lội nước dắt bộ hoặc dựng tạm xe trên lề đường chờ nước rút.

Triều cường dâng cao cũng khiến việc buôn bán của các hộ kinh doanh, hàng quán xung quanh khu vực này rơi vào cảnh ế ẩm.

Tại quận Bình Thạnh, từ 16 giờ ngày 17/10, nước từ sông Sài Gòn dâng cao do mưa và triều cường gây ngập nhiều tuyến đường ven sông, nặng nhất là đoạn bờ kè khu vực Thanh Đa.

Nhiều hộ bị nước tràn vào nhà làm ướt nhiều vật dụng. Người dân tại đây cho biết, cứ đến mùa triều cường, một ngày ngập hai lần vào sáng và chiều, nếu không xử lý kịp là nước tràn vào mang theo nhiều rác khiến vật dụng trong nhà hư hỏng cùng nguy cơ nhiễm dịch bệnh.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, ngày 17/10, mức triều tại trạm Phú An-sông Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh đạt 1,63m. Thêm vào đó, mưa xảy ra vào khung giờ triều cường đạt đỉnh khiến tình trạng ngập nước càng thêm nặng.

Dự báo trong 1-2 ngày tới, triều cường ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lên mức cao nhất trong đợt triều này; trong đó trạm Phú An và Nhà Bè dự kiến sẽ lên 1,7-1,75m, vượt báo động 3 từ 10-15cm, kết hợp với mưa dông về chiều nên nguy cơ sẽ còn ngập sâu và rộng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục