Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 7 giờ 30 ngày 16/11, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 15 người chết và 1 người mất tích.
Số người chết gồm 7 người ở Quảng Ngãi, 5 người ở Bình Định, 1 người ở Quảng Nam, 1 người ở Phú Yên, 1 người ở Gia Lai 1 người. Trường hợp mất tích là Nguyễn Thị Yến ở Gia Lai do lũ cuốn trôi.
Ngoài ra mưa, lũ gây ngập lụt tại 29 xã thuộc 4 huyện: Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn và Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời được 2.504 hộ với 4.801 nhân khẩu.
Thừa Thiên-Huế đang có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 300mm-500mm; một số nơi như Bạch Mã đạt 636m,; Phú Ốc 524mm. Trên sông Hương, sông Bồ lũ lên nhanh, mực nước lên mức báo động 3, nhiều vùng bị ngập sâu.
Đến sáng 16/11, mực nước hồ thủy điện Bình Điền đạt cao trình đỉnh tràn 85m; thủy điện Hương Điền đạt 58,34m/58m; thủy điện A Lưới đạt 552,4m/553m; tất cả đều đang tiến hành xả lũ, gây thêm tình trạng ngập lụt cho vùng hạ du.
Các hồ chứa thủy lợi cũng đang trong tình trạng vượt cao trình đỉnh tràn; trong đó hồ chứa nước Tả Trạch đạt 27,58m/16m; hồ chứa nước Truồi đạt 39,3m/36m; hồ chứa nước Hòa Mỹ đạt 36,05m/35m...
Chỉ sau mấy giờ mưa như trút nước, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Huế như Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Bến Nghé, Đống Đa cùng nhiều tuyến đường tại các phường nội thành như Phú Hòa, Phú Cát, Thuận Thành, Thuận Lộc… ngập từ 0,2-0,4m. Giao thông bị chia cắt, người dân đi lại chủ yếu bằng thuyền.
Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh đã có 11.141 nhà bị ngập, trong đó tập trung ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, thị xã Hương Trà, Hương Thuỷ và thành phố Huế.
Tuyến Quốc lộ 49A từ Huế đi Thuận An nhiều đoạn bị ngập sâu. Đường Nguyễn Chí Thanh nối Huế với huyện Quảng Điền ngập từ 0,5m-0,7m.
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn thành phố Huế có nhiều điểm ngập úng gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Đoạn Quốc lộ 1A qua huyện Phú Lộc ngập sâu 0,8m trên tổng chiều dài hơn 7km, làm cho hơn 2.000 phương tiện bị kẹt từ chiều 15/11 đến sáng ngày 16/11 mới thông xe trở lại.
Đoạn cầu vượt Thủy Dương, thị xã Hương Thủy (km 829) ngập 0,5-0,7m không thể đi lại được. Tuyến đường tỉnh lộ 11B đoạn qua tràn Kim Can (thôn Phò Ninh, xã Phong An) ngập sâu khoảng 2m; đoạn qua chợ Phò Ninh (Phong An) bị ngập trên 1m, chiều dài khoảng 30m; đoạn qua cầu Ồ Ồ (Phong Xuân) bị ngập trên 0,8m, chiều dài khoảng 300m...
Tại Quảng Ngãi, có 9 xã thuộc 3 huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành bị cô lập do mưa lũ. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giúp dân di dời được 12.278 hộ với 47.635 nhân khẩu.
Tỉnh Bình Định có 14 xã, phường thuộc các huyện, thị gồm huyện: Vân Canh, Tuy Phước, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, thị xã An Nhơn, và thành phố Quy Nhơn bị ngập nặng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương di dời được 750 hộ với 2.773 nhân khẩu.
Tại Phú Yên, thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân mưa lớn làm ngập lụt cục bộ 8 xã ven sông Kỳ Lộ, sông Cô. Các lực lượng chức năng đã tổ chức đã tổ chức di dời 880 hộ với 2.391 nhân khẩu.
Ở Gia Lai, nước trên sông Ba lên, thủy điện Knát xả lũ làm ngập cục bộ huyện Kbang và xã An Khê. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động cán bộ chiến sỹ phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân khắc phục hậu quả.
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trưa, chiều 16/11, lũ hạ lưu sông Thu Bồn sẽ đạt đỉnh; hạ lưu sông Ba sẽ đạt đỉnh vào sáng sớm 17/11. Đỉnh lũ tại Câu Lâu đạt mức 4,6m, trên báo động 3: 0,6m; tại Hội An đạt mức 2,7m, trên báo động 3: 0,7m; tại Ayunpa đạt mức 156,6m, trên báo động 3: 0,6m; tại Củng Sơn đạt mức 32,5m, trên báo động 2: 0,5m; tại Phú Lâm đạt mức báo động 2.
Lũ các sông khác từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống. Đến tối 16/11, nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bắc Khánh Hòa xuống mức báo động 2 - báo động 3, riêng hạ lưu sông Vu Gia, sông Vệ và sông Kôn xuống mức báo động 3, có nơi còn trên báo động 3.
Các sông ở Quảng Trị, Bắc Tây Nguyên xuống mức báo động 1 - báo động 2. Do vậy, cần đề phòng sạt lở đất tại vùng núi, ven sông và tình trạng ngập lụt tại vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Gia Lai./.