Mưa lớn, dông lốc và sạt lở làm 1 người chết, 10 người bị thương

Mưa lớn kèm theo dông lốc, sạt lở xảy ra từ ngày 27-30/7 đã làm 1 người chết (ở Bạc Liêu) và 10 người bị thương (Bà Rịa-Vũng Tàu 2, Kiên Giang 5, Bạc Liêu 2, Cà Mau 1).
Mưa lớn kéo dài gây ngập lụt trên địa bàn huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn kèm theo dông lốc, sạt lở xảy ra từ ngày 27-30/7 đã làm 1 người chết tại ấp Vĩnh Thạnh, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu (do bị vách tường nhà đổ đè vào người), 10 người bị thương (Bà Rịa-Vũng Tàu 2, Kiên Giang 5, Bạc Liêu 2, Cà Mau 1).

Mưa dông, sạt lở làm 268 nhà bị sập và tốc mái (Cà Mau 170 nhà, An Giang 9 nhà, Bà Rịa-Vũng Tàu 89 nhà); 657ha lúa và hoa màu bị thiệt hại (Bình Thuận, Kiên Giang, An Giang); 210m đường giao thông nông thôn, 6m bờ kè, 160m tường rào bị ảnh hưởng và 20 cây điều bị ngã đổ (Bình Thuận). Riêng tỉnh Cà Mau, thiên tai xảy ra gây thiệt hại 7,4 tỷ đồng.

Tại tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn kéo dài trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các huyện Đạ Huoai, Bảo Lâm và thành phố Bảo Lộc đã khiến tuyến Quốc lộ 20 đoạn qua đèo Bảo Lộc bị sạt lở nghiêm trọng.

Hàng chục khối đất đá sạt lở, vùi lấp một phần Trạm Cảnh sát Giao thông đóng trên Đèo Bảo Lộc làm 3 cán bộ, chiến sỹ của trạm bị vùi lấp trong đống đất đá.

[Lâm Đồng: Xác định danh tính 3 chiến sỹ CSGT bị vùi lấp ở đèo Bảo Lộc]

Mưa lũ cũng làm Quốc lộ 55 đoạn qua cống ngầm xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm bị ngập nặng, khiến giao thông tạm thời bị chia cắt.

Trưa 30/7, trên Quốc lộ 55, đoạn qua khu vực đèo Đa Mi, thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) xuất hiện nhiều điểm sạt lở gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Khối lượng lớn đất đá, cây từ trên cao đổ xuống mặt đường khiến việc lưu thông qua tuyến đường này bị gián đoạn.

Tại xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, chiều 30/7, trên địa bàn xã có 7 điểm bị sạt lở đất, đá ở các khu vực Ô Thổ Phi, dưới đồi Cây Xanh, điện Trời Gầm, phía trên điện Tà Cau.

Tại các khu sạt lở độ dốc cao trên núi Dài, hiện lực lượng chức năng chưa tiếp cận được. Mưa lớn kèm theo dông, lốc còn gây ngã đổ 3 cây trụ điện chắn ngang đường trên địa bàn huyện Thoại Sơn.

Tuyến đường Tỉnh lộ 955 B qua địa bàn xã Châu Lăng và xã Lương Phi, huyện Tri Tôn bị ngập sâu. Mưa lớn còn khiến một số nhà dân xã Lê Trì, xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn bị ngập sâu trong nước.

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình có người chết và bị thương.

Chính quyền các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương bố trí chỗ ở tạm, cấp phát gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, đồng thời huy động lực lượng hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, dông lốc, sạt lở di dời tài sản, nhanh chóng khảo sát, hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại để người dân sớm ổn định cuộc sống./.

Mưa lũ khiến nhiều tuyến phố ở huyện Đạ Huoai bị ngập úng. (Ảnh: TTXVN phát)
Mưa khiến nhiều tuyến phố ở huyện Đạ Huoa, Lâm Đồng bị ngập nặng. (Ảnh: TTXVN phát)
Xe khách lưu thông qua đèo Bảo Lộc bị bùn đất sạt lở suýt rơi xuống vực. (Ảnh: TTXVN phát)
Xe ôtô tại Trạm Cảnh sát Giao thông trên Đèo Bảo Lộc bị vùi lấp. (Ảnh: TTXVN phát)
Khu nhà hậu cần Trạm Cảnh sát Giao thông trên Đèo Bảo Lộc bị vùi lấp. (Ảnh: TTXVN phát)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục