Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vừa xuất hiện “cơn mưa vàng” kéo dài trong nhiều giờ khiến nền nhiệt giảm sâu (giảm xuống còn 22 độ C, thấp hơn 10 độ so với ngày trước đó), tạo không khí mát mẻ, dễ chịu, giúp giải nhiệt cho các loại cây trồng.
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết “cơn mưa vàng” xuất hiện vào khoảng 18 giờ ngày 12/4 đến sáng 13/4.
Lượng mưa đo được tại các huyện miền núi phổ biến từ 70- 100mm; còn ở các huyện đồng bằng dao động từ 10-30mm.
Do mưa xuất hiện trong mùa khô nên độ thẩm thấu khá nhiều, không gây nguy hiểm cho người và tài sản.
Dự kiến, trong ngày 13/4 vẫn còn mưa nhưng với khối lượng ít hơn.
Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ, lượng mưa tương đối lớn đã góp phần “giải nhiệt” cho các loại cây trồng cạn và góp phần bổ sung lượng nước cho các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang ở mực nước chết (trong đó hồ chứa nước Liệt Sơn ở xã Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ chỉ còn khoảng 21% dung tích chứa).
Cũng theo ông Văn, trong vụ Hè Thu 2020 sắp tới, Quảng Ngãi dự kiến có khoảng 12.700ha trên tổng số 55.000ha đất sản xuất nông nghiệp (trong đó lúa là 6.600ha, còn lại là cây hoa màu) khả năng bị hạn cao do thiếu nước tưới.
Bởi vậy, cơn mưa lớn trong ngày 13/4 sẽ giúp ích rất nhiều cho địa phương trong việc phòng, chống hạn và chống cháy rừng.
Sáng 13/4, mưa lớn đầu mùa diễn ra ở hầu khắp các nơi trong tỉnh Đồng Tháp, giúp giảm nhiệt, nhất là giải nhiệt cho hơn 10.000ha rừng tràm đang trong thời kỳ dự báo cháy cực kỳ nguy hiểm - cấp 5
Cơn mưa cũng cung cấp thêm nước cho hơn 70.000ha lúa Hè Thu vừa gieo sạ xong và hàng chục nghìn ha cây ăn trái khác.
[Mưa 'vàng' giải nhiệt cho ĐBSCL giữa cao điểm hạn mặn]
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại Đồng Tháp, sáng 13/4, trận mưa lớn xuất hiện tại thành phố Cao Lãnh vào lúc 10 giờ 45 và tạnh vào lúc 12 giờ 15 đã làm ngập nhiều đoạn đường trong nội ô thành phố Cao Lãnh như đường Trương Định, đường Nguyễn Đình Chiểu, khu vực chợ thực phẩm, chợ cá… thuộc phường 1, phường 2.
Ông Chu Văn Sum, cán bộ Văn phòng Huyện ủy Hồng Ngự, cho biết mưa bắt đầu từ 7 giờ đến 12 giờ mới tạnh, giúp cho bà con vùng biên giới giải nhiệt trước cái nắng nóng oi bức suốt hơn 3 tháng nay, hàng chục ha lúa Hè Thu và hoa màu ở các xã cù lao thoát cơn hạn nặng.
Ông Nguyễn Thế Hanh, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim, vui mừng cho biết mưa lớn đầu mùa đã giải nhiệt cho hơn 7.000ha rừng, giảm được việc bơm nước vào rừng và giúp công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng tốt hơn.
Những cơn mưa đầu mùa cũng giúp cho tỉnh Đồng Tháp kịp thời bổ sung nguồn nước để gieo sạ hơn 100.000ha lúa Hè Thu còn lại.
Đến 13 giờ, bầu trời tại nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp mây vẫn bị mây bao phủ, mưa lâm râm kéo dài.
Trong ngày 13/4, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng có mưa to trên diện rộng và kéo dài, giúp cho nhiều diện tích vườn cây ăn quả thoát khỏi nạn hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, đang bị suy kiệt và đứng trước nguy cơ chết dần.
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, sáng 13/4, trên bầu trời Tiền Giang mây đen vần vũ. Đến khoảng 9 giờ thì bắt đầu mưa.
Tại thành phố Mỹ Tho mưa không to lắm nhưng mưa to lệch về phía Tây, qua vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản sầu riêng, sapôchê (hồng xiêm), bưởi da xanh, mít Thái siêu sớm, xoài cát Hòa Lộc… thuộc các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè, Tân Phước, thị xã Cai Lậy.
Trận mưa trên diện rộng và kéo dài được người dân địa phương đánh giá là "cơn mưa vàng" cứu nhiều diện tích cây ăn quả đang suy kiệt do hạn hán và xâm nhập mặn.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam, hạn mặn thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, trong đó có trên 30.000ha vườn trồng cây ăn quả ở phía Nam Quốc lộ 1 bị tác động mạnh, thiếu nước tưới, suy kiệt, không ít diện tích bị chết dần.
Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng đã quyết định dùng sà lan chở nước ngọt về hỗ trợ bà con tưới chống hạn, cứu cây.
Chiến dịch này bắt đầu từ giữa tháng 3/2020 và kéo dài đến hết tháng 4/2020 với dự kiến 1,3 triệu m3 nước được chuyển về giúp nông dân vùng chuyên canh cây ăn quả.
Cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ, từ sáng sớm 13/4 đến trưa cùng ngày, trên diện rộng ở nhiều địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã phần nào xoa dịu cái nắng oi bức, giảm nguy cơ cháy rừng, nhiều hécta hoa mùa, cây trái được “giải khát.”
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, khoảng 4 giờ ngày 13/4, mưa bất ngờ xuất hiện tại các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Đông Hải… Sau đó, mưa lớn dần tại thành phố Bạc Liêu, đến trưa cùng ngày mới dứt.
Nhiều người dân phấn khởi cho biết, cơn mưa đã làm xoa dịu cái nắng oi bức kéo dài khoảng 5 tháng qua trên địa bàn.
Cơn mưa đã kịp thời giúp cho Vườn chim Bạc Liêu giảm nguy cơ cháy rừng đáng kể, nhất là trong những ngày qua vườn chim luôn ở tình trạng có mức cảnh báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm; đồng thời cơn mưa cũng giúp hàng trăm ha hoa màu, cây ăn trái giảm nguy cơ chết khô.
Tuy nhiên, mưa đến bất ngờ đã làm một số hộ dân đang thu hoạch lúa, làm muối không trở tay kịp, gây không ít khó khăn trong sản xuất.
Hiện nay nông dân đang vào cao điểm thu hoạch rộ hơn 47.000ha lúa Đông Xuân; đồng thời diêm dân cũng đang thu hoạch hơn 1.500ha muối.
Cùng với đó, mưa làm cho thời tiết thay đổi đột ngột khiến tôm nuôi khó thích nghi, kém ăn, dễ sinh bệnh.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo người dân chủ động theo dõi thông tin dự báo thời tiết và có kế hoạch ứng phó với thiên nhiên trong sản xuất, nhất là đối với diêm dân, người nuôi tôm, nông dân đang trong thời điểm thu hoạch lúa.
Các địa phương trong tỉnh cũng khuyến cáo người dân chú ý đề phòng lốc xoáy, sấm sét... có thể xảy ra sau những ngày nắng nóng kéo dài./.