Mùa lễ hội 2017: Tránh tình trạng chen lấn, giẫm đạp như năm cũ

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Trịnh Thị Thủy, trong mùa lễ hội 2017, nhiệm vụ trọng tâm là xử lý những lễ hội có vấn đề nổi cộm như chen lấn xô đẩy, tranh cướp, bạo lực.
Mùa lễ hội 2017: Tránh tình trạng chen lấn, giẫm đạp như năm cũ ảnh 1Màn tranh cướp tại Hội Phết Hiền Quan ở Phú Thọ. (Nguồn: TTXVN)

Sau Tết Nguyên đán hằng năm là thời điểm vào mùa lễ hội, mùa hành hương của người Việt. Mùa lễ hội năm 2016 đã có sự chuyển biến tích cực khi những tồn tại, hạn chế ở các mùa lễ hội trước đây đã giảm, hoạt động lễ hội đã đi vào nề nếp. Tuy vậy, vẫn còn không ít những bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở về nhiệm vụ trọng tâm của mùa lễ hội 2017.

Cục trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định trong mùa lễ hội năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung vào trọng tâm là xử lý những vấn đề nổi cộm của năm 2016 để đảm bảo nếp sống văn minh trong lễ hội.

- Theo bà, vì sao lễ hội đầu Xuân năm mới hằng năm lại thu hút đông đảo người dân tham gia?


- Cục trưởng Trịnh Thị Thủy:
Đi lễ hội đầu Xuân năm mới là hành động nhằm thỏa mãn nhu cầu về văn hóa tinh thần cũng như ước vọng của người dân. Trong kho tàng lễ hội của người Việt Nam, mỗi lễ hội đều có giá trị nhất định như là ghi nhớ công ơn của các bậc khai quốc công thần, người có công khai sơn lập địa, mở mang bờ cõi, thành hoàng làng.

Ngoài ra, còn có các lễ hội gắn với truyền thống canh tác nông nghiệp, sinh hoạt cộng đồng của cư dân nông nghiệp, kể cả lễ hội cầu ngư của cư dân ven biển, lễ hội cầu mùa của đồng bào thiểu số, mừng lúa mới.

Các lễ hội đều hướng tới tâm nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tình cảm mong ước trong sáng tốt đẹp, hướng con người ta tới các giá trị văn hóa chân thiện mỹ. Các lễ hội cũng có tính giáp dục văn hóa truyền thống cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đây là những mặt tốt đẹp của lễ hội, luôn thu hút các thế hệ người Việt Nam hành hương tới lễ hội vào dịp đầu Xuân năm mới.

- Các cụ ngày xưa hay nói “tả tơi như chơi hội" nhưng ở các lễ hội ngày nay, không ít hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vậy làm thế nào hạn chế những hình ảnh như vậy trong mùa lễ hội 2017, thưa bà?

- Cục trưởng Trịnh Thị Thủy: “Tả tơi như chơi hội” là câu cửa miệng của các cụ xưa để miêu tả cảnh du Xuân lễ hội đầu Xuân năm mới. Nhưng sự “tả tơi” trong câu nói này là sự đông đúc, vui vẻ chứ không phải là các cảnh chen lấn, xô đẩy, cướp cho bằng được như ở một số lễ hội hiện nay. Việc chen lấn, xô đẩy, cướp như thế không phải là truyền thống đi lễ hội của người Việt Nam ta.

Mùa lễ hội 2017, nhiệm vụ trọng tâm là xử lý những lễ hội có vấn đề nổi cộm như chen lấn xô đẩy, tranh cướp, bạo lực, hướng tới ứng xử văn minh trong lễ hội.

Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương như Phú Thọ, Vĩnh Phúc có lễ hội cướp phết, đả cầu cướp phết xây dựng kế hoạch chi tiết, có phương án điều chỉnh phù hợp để không tái diễn tình trạng cướp thật lực, cướp bằng được như những mùa lễ hội trước. Các lễ hội này trong truyền thống cũng không có cảnh chen lấn xô đẩy cướp bằng được như hiện nay.

Đặc biệt, Hội Phết Hiền Quan tại xã Hiền Quan huyện Tam Nông (Phú Thọ) năm nay, Ban tổ chức kiên quyết không để tái diễn tình trạng hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau, tranh cướp như trước. Thay vào đó, mỗi thôn làng sẽ thành lập một tổ từ 4-5 người, đầu tư trang phục giống nhau trong một tổ, phân biệt với các làng khác, các thôn làng sẽ “cướp phết” trong trật tự, tạo hình ảnh đẹp, đúng chất văn hóa, không phản cảm như những năm trước…

Vừa rồi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo ứng xử văn minh trong lễ hội với sự tham gia của các địa phương, nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Các đại biểu đều thống nhất quan điểm là hướng tới xây dựng bộ khung về quy tắc ứng xử trong lễ hội, trong đó sẽ có quy định ứng xử của Ban tổ chức lễ hội, người tham gia lễ hội, ứng xử của cộng đồng địa phương với người tham gia lễ hội. Đây sẽ là quy định khung để các địa phương, ban quản lý lễ hội xây dựng quy định cụ thể, yêu cầu người tham gia lễ hội thực hiện ở địa bàn địa phương…

- Với những lễ hội quy mô lớn, thu hút đông người tham gia thì việc quan trọng nhất là đảm bảo an ninh trật tự. Công việc này đã được chuẩn bị như thế nào để đảm bảo mùa lễ hội 2017 văn minh, an toàn, thưa Cục trưởng?


- Cục trưởng Trịnh Thị Thủy:
Đối với những lễ hội thường thu hút đông đảo người dân tham gia như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Trần, lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Hùng, hội Lim, đền Bà Chúa Kho..., Bộ đã yêu cầu các địa phương sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết với đầy đủ phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng, phân tuyến nhằm giảm tải số lượng người tập trung cùng lúc. Việc này đảm bảo tránh ùn tắc, chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau trong một không gian chật hẹp.

Lễ hội Đền Hùng thường thu hút đặc biệt đông người hành hương bởi diễn ra trong dịp nghỉ lễ. Lễ hội Đền Hùng năm 2016 đã diễn ra cảnh tượng chen lấn, ùn ứ của hàng triệu người tại khu di tích đền Hùng vào ngày 10/3 âm lịch đã khiến dư luận hết sức bức xúc. Năm nay, tỉnh Phú Thọ đã lên các phương án phân luồng từ xa, hướng du khách đến các điểm di tích khác ở đất Tổ, giảm tải cao điểm, điều tiết lượng người đổ về Khu di tích đền Hùng vào thời điểm cao điểm.

Với lễ hội Đền Trần, Ban tổ chức cũng đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết, trong đó cân nhắc việc phát giấy mời cho phù hợp chứ không nhiều như những năm trước. Kịch bản phát ấn cũng tiếp tục được điều chỉnh để đảm bảo du khách không đổ dồn vào cùng một thời điểm để xin ấn…

- Một điểm nổi cộm nữa trong mùa lễ hội 2016 là hiện tượng lợi dụng lễ hội để trục lợi, thương mại hóa lễ hội. Bộ đã có hành động như thế nào để xóa bỏ hiện tượng này?

- Cục trưởng Trịnh Thị Thủy: Vài năm gần đây nổi lên vấn đề về hội chọi trâu ở một số địa phương. Các địa phương có phối hợp với doanh nghiệp để chuẩn bị sân đấu chọi trâu, nuôi trâu chọi, mua trâu để tham gia lễ hội nên có việc đề xuất phục dựng lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và nắm bắt cụ thể, chúng tôi thấy lễ hội chọi trâu không phải xuất phát từ mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng người dân là tổ chức lễ hội mang tính nhân văn, hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Về bản chất, lễ hội chọi trâu là một dạng tổ chức trò chơi có lợi ích, bán vé thu tiền, xẻ trâu chọi thậm chí là không phải thịt trâu chọi bán giá cao, có hiện tượng các cược các cặp trâu đấu. Đây chính là hình thức biến tướng, lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Mục đích của lễ hội không phải là mua bán, trục lợi như thế mà phải phải để người dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, thể hiện truyền thống nhân văn của người Việt, hướng tới giá trị chân thiện mỹ, tinh thần uống nước nhớ nguồn và biết ơn những bậc tiền bối...

Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn khuyến cáo các địa phương không cấp phép tổ chức các lễ hội như vậy bởi đây là lễ hội có yếu tố kích động bạo lực. Nếu cấp phép rồi mà không đúng quy định của Bộ thì buộc phải dừng. Bộ cũng khuyến cáo các địa phương phải chú ý thực hiện đúng bởi trong thời đại bùng nổ thông tin, mạng xã hội phổ biến như ngày nay, những hình ảnh không đẹp như thế lan truyền rộng sẽ ảnh hưởng không tốt đến văn hóa truyền thống của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục