Múa lân sư rồng - nét văn hóa dân gian đặc sắc dịp Trung Thu

Múa lân sư rồng - nét văn hóa dân gian đặc sắc dịp Tết Trung Thu

Cứ mỗi dịp Tết Trung Thu, ở các thành phố cũng như khắp các làng quê đều ngập tràn sắc đỏ của đèn ông sao và đặc biệt không thể thiếu các đội múa lân, sư, rồng tưng bừng, rộn rã.
Múa rồng. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tết Trung Thu, còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn viên, là ngày lễ truyền thống được trẻ em Việt Nam vô cùng yêu thích vì được chơi đèn ông sao, được bày cỗ trông Trăng và tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống.

Đặc biệt, Tết Trung Thu không thể thiếu các tiết mục múa lân, sư, rồng hết sức sôi động, hấp dẫn cả trẻ em và người lớn.

Múa lân, sư, rồng là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán và Tết Trung Thu. Ba con vật này tượng trưng cho điềm lành, cho sự thịnh vượng, phát đạt.

Trên địa bàn thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) hiện có nhiều câu lạc bộ, đội múa lân hoạt động phục vụ Tết Trung Thu cho trẻ em, tạo nên nét văn hóa độc đáo đậm bản sắc truyền thống của dân tộc.

Cứ mỗi dịp Tết Trung Thu, các đường phố của thành phố Nam Định rực rỡ sắc đỏ của đèn ông sao; tiếng trống, tiếng chập chõa, tiếng thanh la… rộn ràng khắp nơi và những chú lân, sư, rồng rực rỡ xuất hiện tưng bừng trong tiếng reo hò thích thú của trẻ nhỏ.

Anh Trần Minh Vương, chủ nhiệm Câu lạc bộ Võ thuật lân, sư, rồng Minh Vương Đường (thành phố Nam Định) cho biết: “Trên địa bàn thành phố Nam Định hiện có ba đội múa lân, sư, rồng. Trong đó có Câu lạc bộ Võ thuật lân, sư, rồng Minh Vương Đường là đoàn múa lân, sư, rồng lớn chúng tôi có 20 thành viên. Được thành lập từ năm 2010, đến nay sau hơn 14 năm hoạt động, kỹ thuật múa lân, sư, rồng của các thành viên Câu lạc bộ ngày càng nhuần nhuyễn và được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến.”

Anh Hoàng Bá Ninh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Võ thuật lân, sư, rồng Minh Vương Đường cũng cho biết: “Môn múa lân, sư, rồng chỉ dành cho những người biết võ, thật sự đam mê và kiên trì bởi lẽ để có thể biểu diễn thành thạo một bài biểu diễn với nhiều động tác khó, đòi hỏi sức khỏe, kỹ thuật cao người tập luyện phải đổ mồ hôi và công sức rất nhiều. Để biểu diễn trên sân khấu chỉ 10-15 phút nhưng người biểu diễn phải tập luyện cả năm trời."

Các thành viên trong Câu lạc bộ có đội tuổi từ 18-36 tuổi và mỗi người đều có một ngành nghề khác nhau từ sinh viên cho đến người kinh doanh, buôn bán…, nên thường mỗi bài biểu diễn, mọi người phải tự tập riêng các động tác ở nhà cho thật nhuần nhuyễn sau đó tập trung khớp bài để tham gia biểu diễn.

Mỗi lần biểu diễn thường cần tới 10 người, một số trường hợp biểu diễn ở không gian lớn thì có thể 20 người cùng tham gia biểu diễn; trong đó có một đội phụ trách âm thanh (đánh trống, thanh la, chập chõa, tán xạ), một đội biểu diễn gồm người múa lân, sư, rồng và ông Địa.

Đến nay, với bốn con lân, hai con sư tử và một con rồng, các thành viên trong câu lạc bộ đã đi biểu diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nội, Ninh Bình… vào các dịp lễ lớn trong năm như mùa lễ hội, Tết Nguyên đán, đặc biệt là vào dịp Tết Trung Thu.

Múa lân, sư, rồng là môn nghệ thuật khá đặc biệt, người biểu diễn ngoài biết võ ra phải có niềm đam mê, sự kiên trì, tinh thần đoàn kết, khả năng sáng tạo và cảm thụ âm nhạc.

Một bài múa lân, sư, rồng sẽ trở nên khô cứng, vô hồn nếu người biểu diễn không biết thả hồn vào chính những con lân, con sư, con rồng mình khoác trên người, hòa quyện giữa những bước đi vừa uyển chuyển, nhịp nhàng, vừa duyên dáng, oai hùng với nhịp trống, phách.

Anh Hoàng Tấn, Chủ nhiệm Đội múa lân Tấn Thảo (thành phố Nam Định) cho biết: “Chúng tôi thường tự biên đạo các bài biểu diễn múa lân, sư, rồng để tạo nên nét độc đáo, mới mẻ cho từng bài biểu diễn và cũng là để phù hợp với từng sự kiện. Vào dịp Trung Thu, chúng tôi hay biểu diễn các bài như lân leo cột, lân sư kết hợp nhảy bàn…; trong đó, tùy thuộc vào thời gian, địa hình mà chúng tôi có sự thay đổi các động tác trong bài biểu diễn sao cho tiết mục đặc sắc, tạo sự hứng thú cho người xem.”

Trong múa lân, sư, rồng có thể phối hợp múa lân với sư, múa lân với rồng hoặc phối hợp cả ba thể loại với nhau để tạo nên sự độc đáo và đặc sắc cho tiết mục biểu diễn.

Một bài múa lân, sư, rồng đầy đủ phải có nhiều đoạn khác nhau được sắp xếp nhịp nhàng, trong đó phải có những đoạn tạo được cao trào. Các động tác được sử dụng trong múa lân, sư, rồng đều mang đậm nét đặc trưng của võ cổ truyền Việt Nam.

Trong múa lân, sư, rồng, âm thanh là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự hấp dẫn của một bài múa. Ngoài vai trò trong việc tạo nên không khí vui nhộn, âm nhạc hòa quyện được vào từng bước chuyển mình của con lân, sư, rồng, âm nhạc sẽ tạo nên sự ăn ý, thống nhất cao của bài biểu diễn, khiến bài biểu diễn sống động, hấp dẫn, thu hút người xem.

Bên cạnh đó, trong màn trình diễn múa lân, sư, rồng không thể thiếu hình ảnh ông Địa, tay cầm quạt giấy to đi theo giỡn lân, giỡn khách xem múa để tạo nên yếu tố hài hước, dí dỏm cho bài múa.

Ngày nay xã hội ngày càng phát triển, dịp Tết Trung Thu đã xuất hiện thêm rất nhiều hoạt động vui chơi giải trí mới. Tuy nhiên, múa lân, sư, rồng vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân đặc biệt là trẻ con bởi lẽ nó không chỉ mang trong mình vẻ đẹp văn hóa truyền thống mà nó còn có vai trò quan trọng trong việc góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục