Mưa dông cùng triều cường đạt đỉnh khiến cây đổ, đường ngập tại TP Hồ Chí Minh

Triều cường dâng cao vào giờ tan tầm khiến giao thông hỗn loạn, nhiều khu vực ùn ứ do mật độ phương tiện lưu thông cao, nhiều xe môtô bị chết máy.

Cây xanh bật gốc đè lên một số xe máy sau cơn mưa trên đường Nguyễn Du, quận 1. (Ảnh: TTXVN phát)
Cây xanh bật gốc đè lên một số xe máy sau cơn mưa trên đường Nguyễn Du, quận 1. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 20/9, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai lên nhanh khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố ngập sâu.

Trong cùng ngày, thành phố xuất hiện nhiều đợt mưa kèm dông lốc khiến nhiều cây xanh tại khu vực trung tâm ngã đổ, đè lên một số phương tiện.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai tiếp tục lên nhanh theo kỳ triều cường Rằm tháng 8 (âm lịch) ở mức cao. Mực nước đạt đỉnh trong chiều ngày 20/9 ở mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu ở cấp độ 2.

Cụ thể, tại trạm Phú An, Nhà Bè, triều cường đạt mức 1,60-1,65m (xấp xỉ hoặc cao hơn mức báo động 3 khoảng 0,05m), thời gian xuất hiện từ 17 giờ đến 18 giờ; tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đạt mức 1,65-1,70m (cao hơn mức báo động 3 từ 0,05-0,1m); tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) đạt mức 2-2,05m (xấp xỉ hoặc trên mức báo động 2 khoảng 0,05m).

Ghi nhận tại đường Trần Xuân Soạn (quận 7), khoảng 17 giờ chiều 20/9, nước từ kênh Tẻ đã vượt qua bờ kè gây ngập gần như toàn bộ tuyến đường. Nhiều đoạn đường trũng bị ngập nước khoảng 30-40cm, trong đó đoạn dạ cầu Tân Thuận 2 bị ngập quá nửa bánh xe.

Triều cường dâng cao vào giờ tan tầm khiến giao thông hỗn loạn, nhiều khu vực ùn ứ do mật độ phương tiện lưu thông cao. Nhiều xe môtô bị chết máy do nước tràn vào động cơ khi di chuyển qua điểm ngập nặng, phải dắt bộ hoặc dựng tạm trên lề đường. Nhiều phương tiện phải quay đầu đi đường khác.

Càng về tối, nước kênh Tẻ càng dâng cao. Một số nhà dân dọc đường bị nước tiến sát vào, phải kê bao cát hoặc tấm chắn trước cửa, ngăn nước tràn vào nhà. Nhiều hộ dân, hàng quán kinh doanh phải kê đồ đạc lên cao vì đường ngập nước, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Châu, người dân sống trên đường Trần Xuân Soạn, cho biết do tuyến đường này nằm sát kênh Tẻ nên việc bị ngập nặng vào mỗi mùa triều cường đã diễn ra hàng chục năm nay. Người dân ở đây cũng đã quen với việc đường ngập do triều nên đều chủ động xây bậc thềm cao, nâng nền để sống chung với ngập. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh hàng quán vẫn bị ảnh hưởng do việc buôn bán ế ẩm trong ngày triều cường dâng cao.

ttxvn_mua ngap 1.jpg
Người dân di chuyển giữa dòng nước ngập do triều cường trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7. (Ảnh: TTXVN phát)

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo trong hai ngày 21 và 22/9, mực nước do triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xuống chậm, đỉnh triều cao trên báo động 1 duy trì hết ngày 23/9. Mực nước đỉnh triều ở mức cao, có khả năng gây ngập úng tại các vùng trũng, thấp và ven sông và ảnh hưởng đến giao thông, các hoạt động đời sống, kinh tế-xã hội tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong buổi chiều cùng ngày, Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện cơn mưa kèm gió giật mạnh khiến hai cây me tây trước số nhà 97 Nguyễn Du, quận 1 (đoạn từ đường Nguyễn Trung Trực đến Thủ Khoa Huân) bị bật gốc trong mưa, gãy đè lên gần chục chiếc xe máy đang dựng trên vỉa hè.

Cùng với đó, đường dây điện ở khu vực cũng bị cây kéo xuống mặt đất. Rất nhiều ôtô và xe máy lưu thông trên đường Nguyễn Du hốt hoảng bỏ chạy.

Rất may, thân cây ngã vào hướng vỉa hè nên không có thiệt hại về người. Ngay sau đó, lực lượng chức năng phong tỏa hai đầu giao lộ trên để kiểm tra hiện trường.

Từ đầu mùa mưa đến nay, nhiều cây xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh đổ trúng phương tiện và người đi đường.

Trước đó, chiều 4/9, tại quận 5, cơn mưa kèm gió giật mạnh đã khiến 39 cây xanh bị đổ khiến 1 người tử vong./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục