Mùa Đông băng giá của ngành công nghiệp Internet tại Trung Quốc

Sau khi Alibaba và Ant Group gặp vấn đề, có dư luận chú ý đến việc nhân vật trung tâm, tỷ phú Jack Ma, đã “biến mất” một cách bí mật trong hơn hai tháng qua.
Tỷ phú Jack Ma. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Tờ Liên hợp buổi sáng số ra gần đây có bài viết về lĩnh vực Internet ở Trung Quốc sau nhiều thông tin bí ẩn liên quan tới sự vắng mặt của tỷ phú Jack Ma gần đây.

Tỷ phú Jack Ma đang ở đâu? Sau khi Alibaba và Ant Group gặp vấn đề, có dư luận chú ý đến việc nhân vật trung tâm Jack Ma đã “biến mất” một cách bí mật trong hơn hai tháng qua.

Theo tờ Financial Times, trong vòng chung kết cuộc thi “Nhà khởi nghiệp châu Phi” được tổ chức vào tháng 11/2020,  tỷ phú Jack Ma không còn nằm trong danh sách ban giám khảo, thay vào đó là ông Daniel Zhang - Giám đốc điều hành của Alibaba.

[Alibaba dự kiến huy động 5 tỷ USD giữa lúc ông Jack Ma bị điều tra]

Trong khi đó, mấy tuần trước khi diễn ra vòng chung kết cuộc thi trên, ông Jack Ma vẫn tuyên bố đầy hào hứng trên Twitter rằng “không thể chờ được đến lúc gặp các thí sinh."

Quả thực đã lâu ông Jack Ma không xuất hiện trước công chúng. Trên mạng xã hội weibo, tài khoản Jack Ma - "người phát ngôn của chương trình giáo viên nông thôn” lần cuối cùng cập nhật là ngày 17/10/2020. Nội dung bài đăng là phát biểu của ông tại diễn đàn phát triển đổi mới sáng tạo giáo dục cơ sở Trung Quốc.

Một tuần sau đó, Jack Ma công kích các cơ quan quản lý giám sát tài chính tại diễn đàn tài chính Thượng Hải. Rất nhanh, nền tảng Internet do ông điều hành rơi vào sóng gió với các cơ quan quản lý giám sát. Kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty công nghệ tài chính Ant Group thuộc Alibaba bị "chặn."

Alibaba trở thành đối tượng bị điều tra chống độc quyền. Thậm chí trên mạng còn truyền đi thông tin ông Jack Ma bị quản chế, song không thể kiểm chứng.

Từ “Mã Ba Ba” được mọi người ngưỡng mộ đến “nhà tư bản” kinh doanh độc quyền, Jack Ma và đế chế Alibaba do ông xây dựng bị ảnh hưởng, gây chấn động ngành công nghiệp Internet của Trung Quốc vào những ngày cuối năm 2020.

Sau đó, tranh luận xoay quanh vấn đề doanh nghiệp Internet Trung Quốc diễn ra không dứt.

Cách đây không lâu, các ông lớn Internet do tranh nhau để chen chân vào thị trường nhóm cộng đồng mua-bán, tranh giành sinh kế của những người buôn bán nhỏ bị giới truyền thông chính thống điểm mặt trực tiếp, vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận Trung Quốc.

Trong ngày làm việc đầu tiên của năm 2021, cái chết đột ngột của nhân viên trẻ làm việc cho thương hiệu thương mại điện tử mới nổi Pinduoduo lại một lần nữa trở thành mục tiêu chú ý.

Sáng sớm ngày 29/12/2020, nhân viên bán hàng 22 tuổi của Pinduoduo bị đột tử trên đường về nhà sau khi kết thúc ca làm việc đã dấy lên sự chỉ trích của cư dân mạng về chế độ làm việc “996” (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) tồn tại phổ biến ở các doanh nghiệp Internet.

Tuy nhiên, tài khoản chính thức của nền tảng “Zhihu” lại thản nhiên đưa ra phản ứng hết sức lạnh lùng: “Hãy nhìn xem những người dưới đáy xã hội, đâu đâu không có người dùng sinh mệnh để đổi lấy đồng tiền.”

Điều này càng khiến cho cư dân mạng phẫn nộ, thêm dầu vào lửa dư luận đang sôi sục.

Các quy tắc ngầm về làm việc thêm giờ trong ngành công nghiệp Internet được gắn nhãn mác “sói” và “chiến binh” bị các phương tiện truyền thông chính thống chỉ trích dữ dội.

Một số cư dân mạng còn mường tượng một cách không khách khí: “Ngành công nghiệp Internet ngày nay đã trở thành mỏ than của những năm 2000."

Những “gã khổng lồ” trong ngành công nghiệp Internet luôn xuất hiện trước công chúng với hình tượng kẻ dẫn dắt tiến bộ khoa học công nghệ, người tạo ra câu chuyện thành công, hay tác giả của câu chuyện thần thoại.

Nhưng trong một mùa Đông băng giá nơi họ liên tục rơi vào tranh cãi, xảy ra lắm điều thị phi, gặp phải sự phẫn nộ của dư luận, suy cho cùng câu chuyện là như thế nào?

Ngành công nghiệp Internet là ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ nhất trong gần 10 năm trở lại đây của Trung Quốc, được xem là một trong những danh thiếp danh giá nhất.

Ngành công nghiệp này đã sản sinh ra một loạt những nhà khởi nghiệp tự lập, bao gồm Jack Ma, Liu Qiangdong, Colin Huang - những người sáng lập ra Alibaba,  JD.com, Pinduoduo…

Trong thời đại khởi nghiệp Internet nóng bỏng, câu chuyện thành công của những nhân vật này là đại diện cho sự trỗi dậy của người dân, truyền cảm hứng đối với những người trẻ tuổi cũng có khát vọng thành công, làm giàu và nâng cao địa vị xã hội.

(Nguồn: Reuters)

Tuy nhiên, khi những doanh nghiệp này trở thành gã khổng lồ trong ngành nghề, thì văn hóa doanh nghiệp và cấu trúc của ngành công nghiệp Internet mà họ định hình xây dựng bắt đầu biến dạng, không như kỳ vọng của xã hội - giàu có và quyền lực phải tương ứng với trách nhiệm.

Chính vì vậy, trong cuộc tranh luận liên quan đến chế độ làm việc “996,” khi các ông lớn Internet quen xuất hiện trước công chúng với tư cách “nhà tư vấn cuộc đời,” đưa ra các chủ trương như “có thể 996 là điều tốt lành,” “sống tạm bợ qua ngày không phải là anh em của tôi” … khiến rất nhiều người lao động cảm thấy rất khó nghe.

Mặc dù làm việc cho doanh nghiệp Internet, chịu đựng “996” là lựa chọn thực tế của một số người trẻ tuổi dưới sức ép của cuộc sống, nhưng sau khi tầng lớp công nghiệp Internet củng cố địa vị, phía sở hữu vốn khuyến khích những người lao động phải “996.”

Nhưng những lao động này không thể nhận được phần lớn giá trị do mình tạo ra, khiến cho tâm lý thù địch  trở nên mãnh liệt hơn.

Bên cạnh đó, xã hội cũng ngày càng không hài lòng với sự phát triển xa rời bản chất của các doanh nghiệp Internet.

Một số doanh nghiệp đang tìm cách thâu tóm đất đai, thu hút lượng truy cập dưới sự hỗ trợ của dòng vốn, sau cùng không lũng đoạn thị trường thì cũng hủy hoại ngành nghề.

Khi sự độc quyền và tư bản trên lĩnh vực Internet mở rộng một cách tùy tiện trở thành đối tượng quan tâm đặc biệt của các cơ quan chức năng, thì dư luận Trung Quốc dường như đồng loạt vỗ tay tán thưởng.

Sự phát triển của ngành công nghiệp Internet trong những năm gần đây đã mang lại tác động thúc đẩy tích cực đối với xã hội Trung Quốc là điều không thể phủ nhận.

Đằng sau sự lên án mạnh mẽ của cư dân mạng đối với các doanh nghiệp Internet tư nhân cũng có tâm lý căm ghét người giàu, và sự không hài lòng đối với các vấn đề xã hội như khoảng cách giàu nghèo. Không phải tất cả những lời chỉ trích đều lý trí.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Internet phát triển được đến ngày nay đã không còn đơn giản là công cụ tạo ra sự giàu có và tăng trưởng, mà trở thành một bộ phận phát triển xã hội. Họ cần phải có trách nhiệm và văn hóa doanh nghiệp phù hợp hơn với quan điểm giá trị xã hội phổ quát.

Những gã khổng lồ Internet dựa vào lưu lượng truy cập để “bành trướng” nên hiểu rõ rằng lợi thế của bất kỳ công ty nào sẽ được khuếch đại vô hạn trong thế giới Internet. Và sự kém cỏi của bất kỳ công ty nào cũng sẽ như vậy./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục