“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược

Lê Thiết Cương và Đinh Công Đạt đã dùng sự đối lập tương phản để cùng "múa" một vũ điệu của sắc màu, của đường nét được khơi gợi, chắt chiu từ vốn văn hóa cổ của những làng nghề thủ công....
“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 1Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Múa đôi” - triển lãm các sản phẩm thiết kế của họa sỹ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt có thể coi là một cuộc đối thoại của hai ton giọng trái ngược.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ sỹ, mỗi đồ vật tưởng chừng giản đơn, cũ kỹ tới mức có thể bị bỏ đi đã được tái tạo, cho nó thêm những đời sống mới. Nhưng, ở tầng sâu hơn thế, đằng sau việc khai thác, sử dụng những chất liệu truyền thống là những trăn trở về sự mai một của các làng nghề với những dòng sản phẩm thủ công truyền thống trong đời sống đương đại của người nghệ sĩ hôm nay...


Ngược chiều

Từ những đồ vật cũ, đã qua sử dụng, Đinh Công Đạt đã tô, đã vẽ và “đắp” thêm những vật liệu khác để tạo thành những sản phẩm thiết kế mới lạ: ghế sắt rèn chạm hoa văn, bàn làm từ những chiếc mâm gỗ cũ, ghế đôn làm từ thớt gỗ vẽ sơn mài kết hợp với chân sắt...

Nếu như những sản phẩm của Đinh Công Đạt mang đến cho người xem cảm giác về sự cầu kỳ, rực rỡ sắc màu và ngồn ngộn chi tiết đúng chất "tham lam, ôm đồm, đa mang" của anh thì ở  phía hoàn toàn đối lập, Lê Thiết Cương vẫn luôn "trung thành" với chủ nghĩa tối giản, mang đến triển lãm những sản phẩm "siêu độc" đến "dị." Đó là chiếc ghế sắt 3 chân màu đen tuyền(nằm trong bộ sưu tập 49 chiếc ghế sắt sơn màu anh thực hiện năm 2001). Đó là bộ bình sơn mài trên gốm (trong đó có chiếc bình Hạt Gạo được giải thưởng Good Design Award - Asean Design Selection 2003) màu sắc nuột nà như một thiếu nữ độ trăng rằm... Đó là những chiếc bình gốm độc bản, vẽ tay và được nung thủ công..

“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 2Đôn làm từ thớt gỗ vẽ sơn mài của Đinh Công Đạt. (Ảnh: BTC)

Vốn dĩ “Múa đôi” là màn kết hợp đòi hỏi sự khéo léo, luồn lách uyển chuyển để cùng nâng đỡ nhau. Ấy vậy mà triển lãm lần này lại sự kết hợp của hai phong cách hoàn toàn khác biệt; để từ đó làm nổi bật cá tính riêng của từng nghệ sỹ.


Sao lại là "Múa Đôi?"

Có cái gì đó như chênh vênh chả ăn khớp khia hai nghệ sĩ đặt tên cho triển lãm của mình là "Múa Đôi." Đôi thì đã rõ, đó là của hai người, còn "múa" vốn không phải là thứ để giành cho hội họa, mỹ thuật, cho thiết kế, decor... Thoạt nghe tên, người ta dễ lầm tưởng với một cặp đôi nghệ sĩ của nghệ thuật tạo hình...

“Đinh Công Đạt tối đa. Còn tôi tối giản. Tôi luôn quan niệm, đã là triển lãm chung thì phải là hai nửa hoàn toàn khác biệt; nếu đặt những sản phẩm, tác phẩm na ná nhau ở chung một triển lãm thì sẽ thật nhàm chán. Có thể hình dung rằng, với tôi, việc sáng tạo nên các tác phẩm giống như việc bóc một củ hành, lần lượt bóc hết từng lớp bên ngoài, để cuối cùng, chỉ còn lại cái nhân bên trong cùng. Còn với Đạt, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Từ một cái nhân, Đạt sẽ đắp thêm nhiều lớp mới, chồng xếp lên nhau..." Lê Thiết Cương chia sẻ.

Tuy khác biệt nhưng những sản phẩm thiết kế của hai nghệ sỹ lại có cùng xuất phát điểm: tất cả đều được phát triển dựa trên cảm hứng về nghề thủ công và đồ thiết kế truyền thống. Nói khác đi, đó đều là những sản phẩm được tạo tác bằng ngôn ngữ thiết kế hiện đại, dựa trên những chất liệu truyền thống với một thông điệp được gửi gắm thầm lặng nhưng vô cùng mãnh liệt: khơi gợi sự sáng tạo để duy trì làng nghề tồn tại bền vững với thời gian.  

“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 3Bình gốm của Lê Thiết Cương. (Ảnh: BTC)

Phía sau những thứ... bỏ đi!

Sản phẩm mới nhưng không mất đi vẻ xưa cũ, hiện đại nhưng không lấn át truyền thống, vừa có cả vẻ đẹp lẫn công năng. “Đó là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa sản phẩm thiết kế và tác phẩm nghệ thuật. Nếu như tác phẩm nghệ thuật là những thứ phải đẹp và chỉ để treo, để ngắm thì sản phẩm thiết kế lại phải đảm bảo cả hai yếu tố: đẹp và công năng sử dụng,” nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cho biết.

Mạch truyện nối dài, anh bảo: “Nếu chúng ta nhìn chiếc mâm, chiếc thớt gỗ cũ chỉ đơn thuần là những vật dụng sinh hoạt hàng ngày hết ‘đát’ thì cuộc sống sẽ thật khô khan.

Khi nhìn sâu hơn vào những vật vô tri, vô giác ấy, ta sẽ thấy chúng mang trong mình những giá trị tinh thần, chứa đựng những câu chuyện đời sống với cả nụ cười và nước mắt, hạnh phúc và khổ đau... Bao đứa trẻ đã lớn lên bên chiếc mâm gỗ ấy; bao gia đình đã sum họp, có những bữa cơm ấm áp, rộn tiếng cười bên chiếc mâm đó, để rồi một ngày phải ly tán mỗi người một phương...”

Từ cách tiếp cận đó mà những sản phẩm thiết kế của các nghệ sỹ không chỉ có vẻ đẹp thẩm mỹ, công năng sử dụng mà còn chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 4Kệ gỗ sơn mài có ngăn kéo vẽ hoa văn của Đinh Công Đạt. (Ảnh: BTC)

Hai nghệ sỹ cho biết, trong hành trình kiếm tìm, đến với những chất liệu truyền thống để tạo nên những sản phẩm trưng bày lần này, họ đã gặp những câu chuyện... buồn!

Họa sỹ Lê Thiết Cương kể, dịp trước Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, anh cùng những cộng sự của mình đến nhiều làng nghề truyền thống ở miền Bắc và chứng kiến một thực tế rằng, những nghề thủ công truyền thống lâu đời (với những chất liệu, tinh hoa được truyền giữ qua nhiều thế hệ...) giờ chỉ còn “vang bóng một thời.”

Gã họa sỹ vốn nổi tiếng về cả tài và độ “dị” này cho biết: “Số gia đình làm gốm ở Hương Canh - làng gốm nức tiếng thuở trước, giờ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay; còn lại phần lớn đã chuyển sang làm gạch ngói. Câu chuyện ở làng nghề thêu tay Quất Động với lịch sử hàng trăm năm cũng tương tự.”

“Khi sản phẩm không có đầu ra thì việc các gia đình chuyển hướng kinh doanh cũng là điều dễ hiểu, ‘cơm áo không đùa với khách thơ,’ chuyện mưu sinh không loại trừ một ai. Thế nhưng, quan trọng hơn, tôi cho rằng, cần tìm ra nguyên nhân sâu xa của việc công chúng quay lưng với những dòng sản phẩm này,” người nghệ sỹ nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống bày tỏ.

“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 5Lê Thiết Cương trung thành với quan niệm nghệ thuật tối giản. (Ảnh: BTC)

Theo anh, một trong những lý do quan trọng của việc sản phẩm thủ công truyền thống không có đầu ra là bởi không có những thiết kế mới, bắt kịp xu hướng, thị hiếu.

“Các làng nghề đã có nền tảng vững chắc là những chất liệu truyền thống bí quyết riêng, tinh hoa được chắt lọc qua nhiều đời. Thế nhưng, trong guồng quay của xã hội hiện đại, điều đó chưa đủ để đảm bảo sự thành công. Nếu không đưa yếu tố thiết kế vào những dòng sản phẩm truyền thống thì các làng nghề đang ‘tự sát.’ Bởi lẽ, ngày nay, thiết kế đã trở thành một ngành công nghiệp. Nhiều nước trên thế giới đã coi đâylà một bộ môn nghệ thuật,” họa sỹ Lê Thiết Cương nói./.


Chương trình đã chính thức khai mạc sáng nay (10/5) và sẽ kéo dài đến hết ngày 13/5 tại Press Club (số 59A Lý Thái Tổ, Hà Nội).

Trong khuôn khổ triển lãm “Múa đôi,” chiều 11/5, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và họa sỹ Lê Thiết Cương sẽ có buổi trò chuyện về những quan niệm thiết kế tại Press Club (số 59A Lý Thái Tổ, Hà Nội).
“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 6Hai nghệ sĩ tại buổi khai trương "Múa Đôi".( Ảnh: Nguồn CTV)
“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 7Tác phẩm của Đinh Công Đạt (Ảnh: Nguồn CTV)
“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 8Tác phẩm của Lê Thiết Cương (Ảnh: Nguồn CTV)
“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 9Đinh Công Đạt với tác phẩm của mình. (Ảnh: Nguồn CTV)
“Múa đôi”: Cuộc đối thoại của hai giọng kể trái ngược ảnh 10Tác phẩm gốm của Lê Thiết Cương (Ảnh: Nguồn CTV)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục